LHQ và Nga bắt đầu đàm phán về gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen
Theo phái bộ ngoại giao Nga tại Geneva (Thụy Sĩ), ngày 13/3, Liên hợp quốc (LHQ) và Nga đã bắt đầu đàm phán về việc gia hạn Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.
Tham dự đàm phán tại Geneva có Điều phối viên của LHQ về cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ khẩn cấp Martin Griffith, Tổng Thư ký Hội nghị Thương mại và Phát triển LHQ (UNCTAD) và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Vershinin. Hai nguồn thạo tin cho biết theo kế hoạch, các cuộc thảo luận sẽ diễn ra trong 1 ngày song có thể kéo dài hơn nếu cần thiết. Thông tin về cuộc thảo luận đã khiến giá lúa mỳ và ngô - hai mặt hàng xuất khẩu chính của Ukraine giảm.
Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen do Nga và Ukraine ký riêng rẽ với LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ hồi tháng 7/2022 tại thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ), giúp nối lại việc cung cấp lương thực và phân bón từ hai nước này ra thị trường toàn cầu. Thỏa thuận đã được gia hạn 120 ngày vào tháng 11/2022 và sẽ hết hạn vào ngày 18/3 tới.
Gần đây, Nga đã đưa ra tín hiệu không hài lòng với một số khía cạnh của thỏa thuận và yêu cầu gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp của nước này. Tuy nhiên, nhiều nhà ngoại giao và các quan chức cấp cao, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar lạc quan rằng thỏa thuận sẽ được gia hạn.
Theo LHQ, hơn 24,1 triệu tấn ngũ cốc đã được xuất khẩu theo Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, trong đó có gần 50% là ngô và hơn 25% là lúa mỳ. Điểm đến của khoảng 45% số hàng xuất khẩu là các nước phát triển, trong đó có Trung Quốc, Tây Ban Nha, Thổ Nhĩ Kỳ, Italy và Hà Lan.