Lì xì đâu chỉ bằng tiền!
Lì xì hạt giống và gieo hạt đầu xuân tuy không phải là mới nhưng là một lựa chọn khác cho truyền thống lì xì bằng tiền và hái lộc đầu xuân. Hành động này không chỉ gieo khát vọng, mở ra khởi đầu tốt đẹp cho năm mới, mà còn truyền cảm hứng yêu thiên nhiên cho nhân loại.
Đã từ lâu, tục lì xì đầu năm mới đã du nhập vào Việt Nam và trở thành một phần không thể thiếu mỗi dịp Tết Nguyên đán.
Lì xì - nét đẹp tinh tế giữa trao và nhận
Màu đỏ của bao lì xì, tiếng lách cách của đồng tiền xu trong văn hóa xưa tượng trưng cho việc xua đuổi tà ma, gửi gắm sức khỏe, may mắn đến cho trẻ nhỏ. Phong bao lì xì thường được người lớn gấp kín đáo, hàm ý tránh chuyện con trẻ so kè hơn kém. Bởi vậy, trao - nhận lì xì phải được diễn ra với tâm thế thoải mái, vui vẻ và đặt thành ý lên trên hết.
Trải qua những biến đổi văn hóa, tiền xu dần được thay thế bằng các vật dụng đa dạng hơn, phong bao lì xì cũng được sáng tạo theo nhiều cách khác nhau ở các quốc gia Á Đông. Ở Singapore, lì xì có thể là tiền giấy, cũng có thể là voucher, tem, coupon, phiếu ăn nhà hàng hoặc vé du lịch. Người Mã Lai theo đạo Hồi sinh sống ở Malaysia, Brunei, Indonesia và Singapore dùng bao lì xì màu xanh lá cây thay cho màu đỏ. Người Nhật lại dùng vỏ bao lì xì màu trắng có trang trí ngộ nghĩnh...
Ở nước ta, trước kia người lớn thường mừng tuổi con cháu bằng những tờ tiền lẻ có màu đỏ như 500 đồng, 10.000 đồng với hàm ý chúc may mắn. Tuy nhiên, theo thời gian, số tiền trong bao lì xì thường được "đong đếm" tùy theo mối quan hệ thân sơ và chứa đựng nhiều ý nghĩa khác. Người nhận là con trẻ cũng vì thế mà mất đi sự hồn nhiên vốn có. Dần dà, lì xì từ một nét đẹp văn hóa bỗng trở thành gánh nặng tâm lý cho cả người lì xì và người nhận. Ngày Tết vì thế mà kém trọn vẹn niềm vui.
Chắc hẳn không ít người dường như chưa thể quên câu chuyện vừa buồn vừa xấu hổ vào dịp Tết khi chuyện lì xì tưởng chừng như một phong tục đẹp đã trở thành nỗi ám ảnh khó quên khi mừng tuổi em, cháu 50.000 hay 1000.000 đồng nhưng bị chê là keo kiệt!
Và nhiều trẻ nhỏ sống trong gia đình có điều kiện, được bố mẹ, người thân mừng tuổi tiền triệu nên mặc định người khác cũng phải mừng tuổi như thế. Có những đứa trẻ còn tỏ thái độ không hài lòng, thậm chí "giãy đành đạch" giữa nhà ngày Tết vì không được lì xì theo ý.
Thực chất, bản chất của phong tục lì xì là lời chúc may mắn của người lớn đến trẻ con và lời chúc sức khỏe của người trẻ đến người già. Nhưng theo thời gian, tục lì xì bị biến tướng, vật chất hóa. Nhiều người chỉ coi trọng số tiền bên trong chứ không nhớ đến ý nghĩa lì xì nữa.
Theo các chuyên gia, lì xì nhiều tiền còn có thể khiến trẻ em nhìn nhận sai về giá trị tiền bạc, lầm tưởng tiền là biểu tượng của yêu thương và sức mạnh, ai cho mình nhiều tiền thì yêu mình hơn. Trong một số trường hợp, nhất là những gia đình có bố mẹ "làm to", trẻ vô tình trở thành công cụ của người lớn nên dễ mất niềm tin vào người xung quanh. Những trẻ nhạy cảm có thể nhận ra khách tới nhà lì xì để lấy lòng bố mẹ chúng chứ không xuất phát từ tấm lòng.
Đặc biệt, lì xì còn dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có giữa những đứa trẻ với nhau. Ngày nay, hiện tượng trẻ con so bì tiền mừng tuổi không hề hiếm.
Đón Tết xanh bằng những hạt giống
Cuộc sống bận rộn, hối hả đã phần nào khiến chúng ta quên đi giá trị cốt lõi của các tục lệ xưa. Mừng tuổi, hay lì xì vốn không đặt nặng chuyện tiền bạc mà chú trọng vào thành ý, gửi gắm ước mong về năm mới an lành đến tất cả mọi người. Bởi vậy, lì xì nên là một hành động đẹp đẽ để người ta trao đi những thiện lành và gieo những hạt mầm hạnh phúc.
Tiếp nối những giá trị truyền thống nhưng vẫn có sự biến đổi phù hợp với xu thế hiện đại, lì xì hạt giống là món quà ý nghĩa được nhiều gia đình ngày nay lựa chọn để dành cho người thân nhân dịp đầu năm mới.
Nghiên cứu não bộ chỉ ra rằng, lì xì hay những phần thưởng bằng tiền chỉ làm sáng một vùng nhỏ trên não, còn phần thưởng bằng hoạt động xã hội sẽ làm sáng nhiều vùng của não bộ của con người hơn.
Chính vì vậy, việc người lớn thay đổi từ lì xì bằng tiền sang lì xì bằng hạt giống là điều cần thiết nhằm lan tỏa những ý nghĩa tốt đẹp. Thay vì chỉ coi trọng số tiền, cha mẹ hãy dạy trẻ ý nghĩa của lì xì. Đặc biệt, mỗi hạt giống lại chứa đựng trong đó một ý nghĩa khác nhau. Con có thể tặng cho ông hạt đu đủ để mong ông luôn nhiều sức khỏe, tặng cho bố hạt dưa hấu tượng trưng cho may mắn, tặng cho mẹ hạt gạo tượng trưng cho no đủ, tặng cho anh chị hạt đậu tượng trưng cho học hành đỗ đạt. Con cũng có thể tặng bao hạt giống ý nghĩa khác cho những vị khách đến nhà…
Lì xì hạt giống là cách giúp người lớn giáo dục một đứa trẻ hiểu rằng may mắn là thứ có thể gieo trồng được. Nếu con muốn có sức khỏe hay tiền bạc, con đều có thể tự gieo trồng bằng đôi tay của mình. Điều này đưa trẻ nhỏ đến với những háo hức, tò mò và hứng khởi khi tự mình chăm sóc cây xanh. Và hơn hết, lì xì hạt giống bồi đắp cho các bé lòng yêu thiên nhiên, tinh thần bảo vệ môi trường ngay từ khi còn nhỏ.
Thay vì hành động đưa thẳng tiền để lì xì như trước, việc bố mẹ đưa hạt giống vào các phong bao lì xì với những lời chúc tốt đẹp cũng tập cho trẻ thói quen chu đáo. Có như vậy, trẻ mới cảm nhận được sự trân trọng. Và hạt giống chính là biểu tượng cho sự khởi đầu năm mới với những ý nghĩa nhân văn tốt đẹp.
Đặc biệt, nếu mỗi nhà lựa chọn một phong bao lì xì hạt giống vào đầu năm sẽ có hàng triệu hạt giống được ươm mầm, và từ đó, hàng triệu cây được trồng và hàng triệu người được truyền cảm hứng để trở thành người yêu thiên nhiên và sống tử tế hơn. Dù lì xì hạt giống là món quà nhỏ bé nhưng ý nghĩa của nó không hề nhỏ vì hạt giống là để ươm mầm, mỗi hạt giống sẽ giúp trái đất thêm xanh.
Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//an-sinh/li-xi-dau-chi-bang-tien-1090125.html