Liban tiếp tục chìm sâu trong khủng hoảng kinh tế, chính trị

Một năm sau vụ nổ kinh hoàng tại cảng Beirut, Liban tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng kinh tế và chính trị trong bối cảnh lạm phát ngày một leo thang, đồng nội tệ mất giá thảm hại và đất nước vẫn trong tình trạng chưa thành lập được chính phủ mới.

Cảnh tàn phá sau vụ nổ tại cảng Beirut, Liban, ngày 5/8/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Cảnh tàn phá sau vụ nổ tại cảng Beirut, Liban, ngày 5/8/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, vào ngày 4/8/2020, thủ đô Beirut của Liban bất ngờ rung chuyển bởi hai vụ nổ kinh hoàng tại khu vực cảng Beirut. Vụ nổ kép này đã gây ra thiệt hại vô cùng lớn về người và tài sản. Ít nhất 218 người đã thiệt mạng và hơn 7.500 người khác bị thương, trong khi hơn 300.000 người mất nhà cửa.

Vụ nổ khiến phần lớn thủ đô Beirut, được mệnh danh là “Paris của Trung Đông”, bị hủy hoại. Tổng thiệt hại về tài sản ước lên tới 15 tỷ USD. Một năm sau khi xảy ra vụ nổ trên, tiến trình điều tra vẫn chưa có kết quả, trong khi không có quan chức cấp cao nào ở Liban có trách nhiệm giải trình, khiến nhiều người dân Liban tức giận. Làn sóng biểu tình đòi công lý đã nổ ra ở nhiều nơi trên khắp đất nước Liban, buộc Thủ tướng nước này Hassan Diab phải từ chức vào ngày 10/8/2020.

Liban hiện đang phải vật lộn với cuộc suy thoái kinh tế - tài chính hết sức nghiêm trọng, đe dọa sự ổn định của nước này. Dự trữ ngoại hối, được sử dụng để tài trợ cho các chương trình trợ cấp hàng hóa cơ bản như nhiên liệu, thuốc men và lúa mì, đang cạn kiệt và tình trạng thiếu hụt ngoại tệ ngày càng trầm trọng trong những tháng qua. Ngân hàng Thế giới (WB) đã gọi đây là một trong những cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử hiện đại. Trong báo cáo công bố hồi đầu tháng 6/2021, WB đánh giá cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính tại Liban là một trong 10 cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất thế giới kể từ giữa thế kỷ 19.

Trước những khó khăn kinh tế hiện nay và tình trạng bế tắc chính trị dẫn tới việc chính phủ mới chưa được thành lập đang đe dọa các điều kiện kinh tế-xã hội vốn đã rất tồi tệ tại Liban, WB ước tính Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực của quốc gia này năm 2020 đã giảm 20,3%, sau khi ghi nhận mức giảm 6,7% trong năm 2019. Trên thực tế, GDP của Liban đã giảm mạnh từ gần 55 tỷ USD năm 2018 xuống còn 33 tỷ USD năm 2020.

Theo đánh giá của giới phân tích, Liban hiện rất cần một gói cứu trợ quốc tế rộng lớn, song để nhận được gói giải cứu tài chính này, Beirut cần phải tiến hành các cuộc cải cách kinh tế sâu rộng và giải quyết triệt để vấn nạn tham nhũng. Theo kế hoạch, trong ngày 4/8 sẽ diễn ra hội nghị quốc tế dự kiến để huy động khoản viện trợ 357 triệu USD nhằm đáp ứng các nhu cầu cấp thiết nhất của người dân Liban. Hội nghị sẽ được Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đồng chủ trì . Theo ước tính của LHQ, Liban hiện cần khoản viện trợ lên tới 357 triệu USD để giải quyết các vấn đề cấp bạch liên quan đến an ninh lương thực, giáo dục, y tế và cung cấp nước sạch.

Nguyễn Trường (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/liban-tiep-tuc-chim-sau-trong-khung-hoang-kinh-te-chinh-tri-20210804123645278.htm