Libăng: Vụ nổ ở Beirut có sức công phá tương đương hàng trăm tấn TNT

Lực lượng chức năng khắc phục hậu quả sau vụ nổ - Ảnh: Sky News

Nhiều hình ảnh trên các mạng xã hội đã cho thấy sức công phá khủng khiếp của loạt vụ nổ xảy ra ở khu vực cảng thủ đô Beirut của Libăng.

Vụ nổ tạo ra cầu lửa khổng lồ cùng loạt sóng xung kích khiến nhiều người liên tưởng đến một quả bom nguyên tử thu nhỏ. Ngay sau khi vụ nổ xảy ra, dù chưa được kiểm chứng nhưng trên các mạng xã hội đã xuất hiện nhiều lời đồn rằng đây là một vụ nổ bom, thậm chí có người cho rằng đây là một quả bom nguyên tử.

Chính Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng cho rằng vụ việc tại Beirut là do "một quả bom hay cái gì đó tương tự" gây ra, song giới chức quốc phòng Mỹ đã bác bỏ khả năng này. Một số chuyên gia ước tính vụ nổ tại Beirut có sức công phá tương đương với khoảng 240 tấn thuốc nổ TNT, bằng khoảng 1/5 sức mạnh của một quả bom nguyên tử.

Thủ tướng Libăng Hassan Diab cho biết vụ nổ bắt nguồn từ một nhà kho chứa 2.700 tấn amoni nitrat (NH4NO3) - một loại hóa chất thường được sử dụng trong sản xuất phân bón. NH4NO3 cũng là một trong những thành phần chính của các loại thuốc nổ được dùng cho việc khai thác khoáng sản.

Theo một số nguồn tin, số hóa chất nói trên thuộc về tàu chở hàng MV Rhosus (mang cờ Moldova). Năm 2014, chiếc tàu chở hơn 2.700 tấn amoni nitrat trên đường từ Gruzia tới Mozambique nhưng sau đó bị hỏng động cơ và phải neo lại ở Beirut. Tuy nhiên sau đó, chủ lô hàng và đơn vị vận chuyển đã bỏ lại số hàng nói trên nên toàn bộ số hóa chất được đưa lên bờ và lưu trữ trong kho ở cảng Beirut.

Chuyên gia hóa học Gabriel da Silva tại Đại học Melbourne (Úc) cho biết bản thân NH4NO3 không phải là chất nổ mà đây là một chất oxy hóa, chỉ có thể kích nổ trong một điều kiện nhất định. Tuy nhiên, với khả năng hút oxy vào đám cháy, NH4NO3 khi kích nổ sẽ gây ra sức công phá vô cùng lớn. Theo chuyên gia này, có thể số NH4NO3 ở trong kho chứa hàng đã bị thấm vào dầu hỏa, sau đó bắt lửa và gây ra vụ nổ. Nếu con số 2.700 tấn do Thủ tướng Hassan Diab được xác nhận thì vụ nổ tại Beirut còn khủng khiếp hơn thảm họa năm 1947 xảy ra tại thành phố Texas của Mỹ.

Hội đồng Quốc phòng Tối cao Libăng khuyến cáo tuyên bố thủ đô Beirut là thành phố bị ảnh hưởng bởi thảm họa sau vụ nổ lớn, đồng thời ban bố tình trạng khẩn cấp trong vòng 2 tuần tại thủ đô cũng như chuyển giao trách nhiệm về an ninh cho giới chức quân đội.

Tuyên bố của Hội đồng Quốc phòng tối cao Libăng, được đọc trực tiếp trên truyền hình vào sáng 5/8 (theo giờ Việt Nam), cho biết Tổng thống Libăng Michel Aoun quyết định trích 100 tỉ bảng Libăng (khoảng 66 triệu USD) từ ngân sách 2020 để phục vụ khẩn cấp.

Hội đồng Quốc phòng cũng đề nghị trước thềm cuộc họp Nội các ngày 5/8 rằng một ủy ban với nhiệm vụ điều tra vụ nổ và báo cáo kết quả trong vòng 5 ngày nhằm đưa ra hình phạt cao nhất cho những kẻ chịu trách nhiệm cho vụ nổ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 4/8 đã bày tỏ sự cảm thông đối với Chính phủ Libăng sau vụ nổ kinh hoàng tại Beirut, đồng thời cho biết Mỹ sẵn sàng giúp đỡ Libăng sau thảm họa này. Phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Tổng thống Trump tuyên bố: "Mỹ sẵn sàng giúp đỡ Libăng. Chúng tôi sẽ có mặt ở đó để giúp đỡ. Nó giống như một vụ tấn công khủng bố kinh hoàng”.

Trong tuyên bố trên trang Twitter cá nhân, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Mỹ đang theo dõi sát sao tình hình và sẵn sàng giúp đỡ người dân Libăng vượt qua thảm họa. Ngoài ra ông Pompeo cũng cho biết ông được báo cáo về những thiệt hại lớn mà vụ nổ gây ra với thành phố này, đồng thời bày tỏ mong muốn sớm có kết quả điều tra nguyên nhân của vụ nổ của Chính phủ Libăng.

Đại sứ quán Mỹ ở Beirut đã khuyến cáo người dân ở thành phố này về nguy cơ hít phải khói độc sau vụ nổ, đồng thời kêu gọi mọi người ở trong nhà và đeo khẩu trang nếu có thể.

Trước đó, các nước như Qatar, Jordan, Ai Cập, Nga, Pháp... cũng đã gửi lời chia buồn, cũng như thông báo sẵn sàng hỗ trợ Libăng khắc phục hậu quả hai vụ nổ ở khu vực cảng thuộc thủ đô Beirut.

Trong khi đó, phát biểu trên kênh Seven Network sáng 5/8, Thủ tướng Úc Scott Morrison xác nhận một công dân nước này đã thiệt mạng trong vụ nổ lớn ở thủ đô Beirut của Libăng.

Thủ tướng Morrison cho biết bình thường có khoảng 20.000 người Úc ở Beirut, nhưng ông không chắc chắn về số lượng hiện nay là bao nhiêu do các hạn chế được áp dụng để phòng chống đại dịch COVID-19.

Thủ tướng Scott Morrison cũng cho hay Đại sứ quán Úc tại Beirut đã "bị ảnh hưởng đáng kể" song các nhân viên đại sứ quán không có ai bị thương.

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã gửi lời chia buồn đến gia đình các nạn nhân trong vụ nổ kinh hoàng tại Beirut. Trong một tuyên bố, phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp Quốc, ông Farhan Haq cho biết: “Tổng Thư ký Guterres gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình các nạn nhân cũng như người dân và Chính phủ Libăng sau vụ nổ kinh hoàng tại Beirut hôm nay”.

Ông Guterres bày tỏ hy vọng những người bị thương, trong đó có một số nhân viên Liên Hợp Quốc làm việc tại Libăng, sẽ sớm bình phục. Liên Hợp Quốc duy trì cam kết hỗ trợ Libăng vào thời khắc khó khăn này.

Cùng ngày, một số nước trong và ngoài khu vực như Israel, Palestine, Thổ Nhĩ Kỳ cũng lên tiếng bày tỏ chia buồn và sẵn sàng trợ giúp Libăng khắc phục hậu quả sau thảm kịch trên.

Ngày 5/8, Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập kiêm nhiệm Libăng Trần Thành Công xác nhận, đã có 1 công dân Việt Nam bị thương trong vụ nổ kinh hoàng ở thủ đô Beirut trước đó. Đã có ít nhất 78 người thiệt mạng và gần 4.000 người bị thương trong vụ việc nói trên, trong đó có nhiều công dân nước ngoài. Ít nhất một công dân Úc đã thiệt mạng, trong khi nhiều nhân viên làm việc tại Đại sứ quán Úc tại Beirut bị thương nhẹ.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/243076/libang--vu-no-o-beirut-co-suc-cong-pha-tuong-duong-hang-tram-tan-tnt.html