Libya: Ai đã ủng hộ tướng Haftar tấn công Tripoli?

Một năm nhìn lại cuộc khủng hoảng Libya có nhiều uẩn khúc. Tháng 4-2019, ngay trước thềm hội nghị đàm phán hòa bình Libya do Mỹ bảo trợ, tướng Khalifa Haftar - cựu chỉ huy quân đội dưới thời nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi, cát cứ vùng Đông Libya - bí mật điện đàm với Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ khi đó là John Bolton không phải để nói chuyện hòa đàm mà yêu cầu Nhà Trắng 'bật đèn xanh' cho một cuộc tập kích bất ngờ vào Tripoli và ông Bolton đã đồng ý.

Chiến sự tiếp diễn đẫm máu tại các vị trí xung quanh thủ đô Tripoli khi các lực lượng bán quân sự ủng hộ chính phủ lâm thời (GNA) do Liên Hợp quốc và phương Tây bảo trợ. Quân đội của tướng Haftar nã pháo vào nhiều vị trí trong và xung quanh Tripoli để trả đũa cho việc quân đội GNA đánh chiếm một loạt thành phố chiến lược gồm Sorman, Sabratha, Al-Ajaylat, Regdaline và Al-Jmeil.

Đây được xem là tổn thất nghiêm trọng nhất của tướng Haftar. Nó khiến cho ý đồ đánh chiếm Tripoli của ông càng thêm khó khăn. Các đợt pháo kích đã gây ra nhiều thương vong cho dân thường Libya, khiến cuộc nội chiến ngày càng trở nên đẫm máu, gây phẫn nộ trong dư luận.

Nhìn vào diễn biến cuộc nội chiến tại Libya, giới quan sát cho rằng đây là hậu quả của cuộc tranh chấp quyền lực giữa các cường quốc khu vực và thế giới, cũng như chính sách thiếu nhất quán của Mỹ và Tây Âu đối với Libya. Phương Tây cho rằng Nga là nước bảo trợ chủ yếu cho Haftar trong cuộc chiến tại Libya nhưng thực tế điều đó chưa chính xác.

Phiến quân ủng hộ chính quyền GNA chiếm thành phố Sabratha, phía tây Tripoli.

Phiến quân ủng hộ chính quyền GNA chiếm thành phố Sabratha, phía tây Tripoli.

Thái tử Mohammed bin Zayed của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) chính là người bảo trợ quan trọng nhất cho Haftar, kế đến là Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi. Tờ New York Times của Mỹ dẫn nguồn tin ở Tripoli cho biết, tình báo Nga đã đánh giá tướng Haftar không đủ khả năng để tự mình đánh chiếm Tripoli nên cần sự hỗ trợ cố vấn chiến thuật và sự hậu thuẫn từ các cường quốc khu vực.

Moscow muốn thông qua Thái tử Mohammed bin Zayed và Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sisi để thúc đẩy những mục tiêu chiến lược xung quanh quân bài Haftar. Những người Nga có mặt tại Libya chủ yếu là những nhà thầu an ninh và quân sự tư nhân ký hợp đồng với quân đội Nga nhằm hỗ trợ chiến thuật cho tướng Haftar.

Trong khi đó, Mỹ một mặt bảo trợ cho chính quyền GNA ở Tripoli, mặt khác lại ngầm ủng hộ hành động của tướng Haftar, khiến cho mục tiêu của Washington tại Libya trở nên không rõ ràng. Tương tự, Pháp một mặt cùng với một số quốc gia trong Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ chính quyền GNA nhưng mặt khác lại ngầm cho điệp viên sang miền Đông Libya hợp tác với tướng Haftar.

Tại sao Washington lại chơi chiến thuật này với Tripoli và tướng Haftar? Theo New York Times, mọi chuyện đều do sự vận động hậu trường của Thái tử Mohammed bin Zayed và Tổng thống Ai Cập el-Sisi, bắt đầu từ khi ông Trump đắc cử Tổng thống năm 2016.

Hai người này đã giới thiệu tướng Haftar cho các thành viên nhóm cố vấn đối ngoại của ông Trump tại một cuộc họp bí mật ở New York vào tháng 12-2016. Rồi trong một chuyến viếng thăm Nhà Trắng 5 tháng sau cuộc họp đó, Tổng thống Ai Cập el-Sisi tiếp tục nhắc lại với Tổng thống Trump và bộ sậu cố vấn của ông về Haftar.

Libya đã chìm vào hỗn loạn kể từ khi ông Gaddafi bị lật đổ vào tháng 10-2011. Các nhóm phiến quân, dân quân bán quân sự nổi loạn, cát cứ những vùng khác nhau và không tuân phục chính quyền ở Tripoli. GNA được lập nên nhằm mục đích ổn định tình hình, thống nhất quốc gia nhưng rốt cuộc mục tiêu đó đến nay chưa đạt được.

Thái tử Mohammed bin Zayed và Tổng thống Ai Cập Sisi đã “thổi lỗ tai” Tổng thống Trump rằng chính quyền GNA quá yếu thế và đầy rẫy thành phần Hồi giáo cực đoan, rằng chỉ có tướng Haftar có thể ngăn chặn thành phần Hồi giáo cực đoan chiếm lấy quyền lực ở Tripoli, ngăn chặn một hiệu ứng dây chuyền trong khu vực.

Với sự vận động hành lang của 2 nhà bảo trợ trên, tướng Haftar dần dần được Tổng thống Trump “quan tâm”. Trong bộ sậu cố vấn của Tổng thống Trump, Haftar đã được sự đồng tình cao nhất của cố vấn Bolton.

Ngay trước khi hội nghị hòa bình diễn ra, tướng Haftar đã bố trí lực lượng xung quanh Tripoli và gọi điện thoại cho cố vấn Bolton để... “xin ý kiến”. Những người am hiểu cuộc điện thoại kể rằng, khi Haftar đặt vấn đề, ông Bolton đáp rằng “nếu ông muốn tấn công thi làm nhanh đi”. Haftar xem đó như lời xác nhận “đồng ý” cho cuộc tấn công.

Vì thế, tướng Haftar đã tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng vào thủ đô Tripoli. Cuộc tấn công bất ngờ khiến gây chú ý mạnh trên thế giới, đặc biệt là nó diễn ra ngay sau khi Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres vừa đặt chân đến Tripoli chuẩn bị cho hội nghị hòa bình. Ngay lập tức, Tổng thư ký Guterres thúc giục tướng Haftar rút quân, thu hồi cuộc tấn công. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng lên tiếng kêu gọi rút quân.

Trong khi cuộc tấn công đang diễn ra quyết liệt, 2 nhà bảo trợ cho tướng Haftar là Thái tử Mohammed bin Zayed và Tổng thống Ai Cập Sisi tiếp tục vận động Tổng thống Trump thể hiện sự ủng hộ cuộc tấn công. Tổng thống Ai Cập Sisi gặp trực tiếp Tổng thống Trump và sau đó đến lượt Mohammed bin Zayed điện thoại để vận động.

Kết quả ngay hôm sau, Nhà Trắng tuyên bố Tổng thống Mỹ đã gọi điện cho tướng Haftar để “khuyến khích ông ấy thể hiện vai trò trong cuộc chiến chống khủng bố”. Ngay sau đó, quân đội của tướng Haftar gia tăng cuộc tấn công vào các khu vực ngoại ô Tripoli.

Tuy nhiên, tướng Haftar đã không chiếm được thủ đô Tripoli như dự định ban đầu. Lực lượng của ông đã bị dàn trải cho quá nhiều mặt trận và vấp phải sự chống trả quyết liệt của Tripoli cùng sự “chi viện” của các lực lượng phiến quân. Và cũng từ đó khởi sự một cuộc nội chiến lần thứ hai tại Libya kéo dài đến hôm nay, khiến thêm hàng ngàn người chết, hàng trăm ngàn người mất nhà cửa.

Tháng 1-2020, một thỏa thuận ngừng bắn đã được các bên ký kết với sự trung gian hòa giải của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng sau đó, các bên tham gia đã nhiều lần vi phạm thỏa thuận và cuộc nội chiến vẫn tiếp diễn.

An Châu (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/hau-truong/libya-ai-da-ung-ho-tuong-haftar-tan-cong-tripoli-592098/