Libya - chiến trường ủy nhiệm mới nhất ở Trung Đông

Cách đây 1 năm, Thổ Nhĩ Kỳ bất ngờ ký một thỏa thuận quan trọng với chính phủ được quốc tế công nhận của Libya, một thỏa thuận châm ngòi cho một cuộc chiến tranh ủy nhiệm đang diễn ra âm ỉ. Trong những tháng sau đó, các nỗ lực vì cả chiến tranh lẫn hòa bình đều được tăng cường.

Trong năm qua, cuộc xung đột ở Libya đã trở thành một phần của “bài toán” khó hơn nhiều. Trong tuần này, Liên minh châu Âu (EU) sẽ nhóm họp để quyết định có trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ vì các hành động của nước này ở Đông Địa Trung Hải nhằm tranh giành ảnh hưởng với Pháp trong khu vực hay không.

Xét ở một khía cạnh nào đó, thỏa thuận của Thổ Nhĩ Kỳ là sự tranh giành quyền lực, nhưng cũng cho thấy nước này, vì lợi ích của mình, đang nỗ lực chấm dứt cuộc chiến ủy nhiệm âm ỉ tại Libya kể từ khi quốc gia Trung Đông-Bắc Phi này rơi vào cuộc nội chiến từ năm 2014.

Kể từ đó, nhiều nước đã can dự vào cuộc chiến theo nhiều cách khác nhau, thông qua cả hình thức ngoại giao và quân sự. Vì những lý do riêng, Pháp, Nga, Ai Cập, Saudi Arabia, Thổ Nhĩ Kỳ và Italy đều đã tham gia cuộc xung đột ở Libya một cách không do dự.

Tên lửa đất đối không của Trung Quốc, tên lửa chống tăng của Mỹ, máy bay không người lái hiện đại của Thổ Nhĩ Kỳ, các hệ thống phòng không của Nga,… tất cả đều được thấy sử dụng tại Libya khiến cuộc chiến tranh ủy nhiệm trở thành một cuộc chiến được tiến hành bằng vũ khí tối tân.

Bạo lực tại Libya chưa biết khi nào mới chấm dứt. Ảnh tư liệu

Bạo lực tại Libya chưa biết khi nào mới chấm dứt. Ảnh tư liệu

Tại sao chiến trường Libya lại trở nên đông đúc như vậy? Theo nhiều cách, cuộc xung đột ở Libya đã phủ bóng lên cuộc chiến tranh ủy nhiệm kéo dài tại Syria, thậm chí làm lu mờ cuộc chiến này, vốn lôi kéo các quốc gia ở châu Âu và Trung Đông vào cuộc chiến tranh giành chính Địa Trung Hải. Một trong những lý do khiến các thế lực bên ngoài đổ xô vào Libya là chủ nghĩa cơ hội.

Trong 4 thập kỷ dưới thời Muammar Gaddafi, biên giới và bờ biển dài của Libya do chính phủ kiểm soát. Sau khi liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) lật đổ Gaddafi vào năm 2011, Chính phủ Libya đã mất quyền kiểm soát và các nhóm vũ trang đã lấp đầy khoảng trống an ninh, giới hạn ở các khu vực địa phương.

Việc các cường quốc bất ngờ can dự vào Libya diễn ra đúng vào thời điểm xuất hiện một số diễn biến khác tại khu vực. Cuộc khủng hoảng người di cư ngày càng mở rộng, và khi tuyến đường di cư đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, khu vực Balkan để thâm nhập vào Bắc Âu ngày càng bị kiểm soát gắt gao hơn, những kẻ buôn lậu và người di cư đã chuyển sang tuyến đường Địa Trung Hải, trong đó biên giới không được bảo vệ của Libya là nơi dễ thâm nhập nhất.

Do đó, điều cần làm đối với các quốc gia châu Âu, nơi những người di cư hướng đến và Ai Cập, quốc gia láng giềng của Libya, là thiết lập lại ổn định và quyền kiểm soát của Chính phủ Libya.

Đối với các quốc gia Arab vùng Vịnh trước đây đã can dự vào chiến trường Syria, Libya là cơ hội để giành lại những lợi ích mà họ cảm thấy đã mất vào tay Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc xung đột đó. Vì vậy, ở một khía cạnh nào đó, Libya là sự tiếp nối những gì đã diễn ra tại Syria - một sự tiếp nối rõ ràng về phía Ankara, bên chắc chắn đã sử dụng binh lính thuộc quân đội Syria Tự do, lực lượng được Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ để chiến đấu tại Libya.

Tuy nhiên, không phải ai cũng tin rằng đó chỉ là chủ nghĩa cơ hội. Theo Tarek Megerisi, thành viên Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu, tất cả các quốc gia liên quan đều có lợi ích tại Libya và họ đang cố gắng đảm bảo rằng bất kể nhà nước nào được hình thành ở Libya trong tương lai cũng đều phục vụ cho những lợi ích đó. Đối với Megerisi, Libya và Syria thực tế là một chiến trường.

Ở góc độ địa chính trị, có vẻ đây đang là kỷ nguyên của các cường quốc trung bình đang cố vươn ra quốc tế và lấp đầy khoảng trống mà Mỹ bỏ lại. Libya là chiến tuyến quan trọng trong cuộc xung đột không thể tránh khỏi giữa các cường quốc này.

Nga là ví dụ điển hình cho sự tham chiến trên toàn Trung Đông. Không như Syria, nơi Nga có căn cứ quân sự tại Tartus trong nhiều thập kỷ, Moscow hầu như không có lợi ích gì ở Libya. Chuyến thăm Libya đầu tiên của ông Vladimir Putin năm 2008 là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Nga tới nước này kể từ sau khi Liên Xô sụp đổ.

Tuy nhiên, nhờ thành công trong việc hậu thuẫn chế độ Bashar al-Assad, Nga đã "vui vẻ" tiến vào Libya, gửi vũ khí, máy bay chiến đấu và nhà thầu quân sự để ủng hộ phe được lựa chọn của họ ở Haftar.

Do đó, Libya đã không thay thế Syria để trở thành chiến trường ủy nhiệm của các cường quốc bên ngoài Trung Đông, mà thay vào đó là mở rộng chiến trường này. Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ vẫn tranh giành nhau tại Syria, ngay cả khi các quốc gia Arab khác đã ngừng hỗ trợ các nhóm đối lập.

Cuộc xung đột Libya khác biệt ở chỗ, nó không thể kết thúc trong đường biên giới của nước này. Libya đã trở thành chiến trường xung đột quốc tế, cho dù các nhóm ở Libya có muốn hay không. Đó là những gì năm qua đã cho thấy và đó là tình huống được tạo ra một cách có chủ ý bởi thỏa thuận Ankara đã ký với Tripoli.

Thỏa thuận đó đã vẽ ra các đường biên giới trên biển giữa hai nước, nhưng cũng định nghĩa chúng theo cách mà một số quốc gia trong khu vực không thích - có nghĩa là bất kỳ cuộc xung đột nào liên quan đến nguồn năng lượng ở Đông Địa Trung Hải giờ đây đều “dính” đến Libya.

Nhiều xung đột chính trị hiện nay có mối liên hệ với nhau. Thỏa thuận giữa Ankara và Tripoli đã biến một cuộc xung đột trong đó nhiều quốc gia muốn can dự thành một cuộc xung đột trong đó nhiều quốc gia buộc phải can thiệp để bảo vệ lợi ích của chính mình.

Nếu Libya trở thành chiến trường ủy nhiệm, một phần đáng kể là do các bên tham chiến ở quốc gia Bắc Phi này đã quyết tâm mở rộng cuộc chiến này tới chừng nào có thể.

Hồng Phúc

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/libya-chien-truong-uy-nhiem-moi-nhat-o-trung-dong-212396.html