Libya chính thức chọn được chính phủ lâm thời - Con đường tiến tới hòa bình
Diễn đàn Đối thoại chính trị Libya do Liên Hợp Quốc bảo trợ diễn ra hôm 5/2 tại Geneva (Thụy Sỹ) đã chọn được người đứng đầu Hội đồng Tổng thống và chính phủ lâm thời. Đây là một phần trong nỗ lực tái thiết các thể chế nhà nước và tiến đến cuộc bầu cử quốc gia vào ngày 24/12.
Điều này đang mang lại hy vọng hòa bình sẽ sớm đến với người dân quốc gia Bắc Phi, vốn đối mặt với xung đột nhiều năm qua.
“Tôi hi vọng các cuộc bầu cử sẽ mang lại sự ổn định cho đất nước và chấm dứt chiến tranh, đoàn kết đất nước và mang đến những điều tốt lành”.
“Chính phủ lâm thời sẽ có 10 tháng để chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sắp tới và tôi hi vọng vào các cuộc bầu cử này sẽ mang lại sức sống cho đất nước vốn đã quá mệt mỏi vì xung đột”.
Đó là sự lạc quan và hứng khởi đang đến với người dân thành phố Benghazi của Libya sau khi những nỗ lực đối thoại chính trị tại Libya được đánh giá là đi đúng hướng. Diễn dàn đối thoại chính trị Libya hôm 5/2 đã bỏ phiếu bầu ông Mohammad Younes Menfi làm người đứng đầu Hội đồng Tổng thống và ông Abdul Hamid Mohammed Dbeibah làm Thủ tướng. Theo Liên Hợp Quốc, Hội đồng Tổng thống có nhiệm vụ gắn kết các cơ quan nhà nước và đảm bảo an ninh cho đến cuộc bầu cử tại Libya vào tháng 12 tới.
Những kết quả này đạt được sau một thời gian dài đối thoại giữa các bên tại Libya với sự hậu thuẫn của Liên Hợp Quốc, khi quốc gia này chìm trong xung đột với việc đất nước bị chia rẽ bởi hai lực lượng chính một ở phía Đông và một ở phía Tây.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm qua ngay lập tức hoan nghênh những diễn biến tại Libya, gọi đây là những bước đi đúng hướng: "Tôi kêu gọi mọi người công nhận và chấp nhận những kết quả này và phối hợp với các nhà chức trách mới đã được bầu... Một Libya đoàn kết và tiến lên trên con đường hòa bình là điều rất quan trọng”.
Hàng loạt quốc gia khu vực và quốc tế đều lên tiếng hoan nghênh những diễn biến chính trị tại Libya. Việc thành lập được chính phủ lâm thời hướng đến các cuộc bầu cử mới tại Libya được đánh giá là bước tiến quan trọng hướng đến hòa bình tại quốc gia Bắc Phi này. Tuy nhiên các chuyên gia phân tích cho rằng con đường của Libya vẫn đầy chông gai và thách thức. 10 tháng phía trước vẫn còn rất dài và nhiều khó khăn. Theo kế hoạch, Thủ tướng Mohammed Dbeibah phải thành lập Nội các và trình bày chương trình hành động trong vòng ba tuần. Điều quan trọng trong giai đoạn chuyển tiếp này, chính phủ lâm thời phải hoàn toàn ủng hộ việc ngừng bắn, giữ nguyên ngày bầu cử và khởi động “một quá trình hòa giải dân tộc toàn diện”./.