Libya: Lực lượng ông Haftar thua liên tiếp mất cả Tripoli
Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Libya đã giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn thủ đô Tripoli sau hơn một năm bị Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Nguyên soái Khalifa Haftar bao vây.
Chính phủ Hòa hợp Dân tộc (GNA) của Libya được quốc tế công nhận cho hay lực lượng của họ đã giành lại quyền kiểm soát hoàn toàn thủ đô Tripoli cùng khu vực ngoại ô sau hơn một năm bị Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Nguyên soái Khalifa Haftar bao vây, theo kênh Press TV.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cam kết tiếp tục ủng hộ lực lượng GNA chống lực lượng ông Haftar.
GNA kiểm soát hoàn toàn thủ đô Tripoli
Văn phòng chiến dịch quân sự của GNA hôm 4-6 ra tuyên bố cho hay GNA hiện giờ đã kiểm soát tất cả khu vực xung quanh khu vực hành chính của TP Tripoli.
“Tripoli đã được giải phóng và đảm bảo hoàn toàn, và chúng tôi đã tiếp cận các biên giới hành chính của TP Tarhuna, đông nam Tripoli. Các phương tiện quân sự của lực lượng ông Haftar đã và đang rút khỏi Tarhuna và hướng về TP Bani Walid, cách đông nam Tripoli 180 km” - ông Mustafa al-Majei, người phát ngôn của chiến dịch Núi lửa giận dữ do GNA phát động để đánh trả LNA.
Chiến dịch Núi lửa giận dữ toàn diện, một phần trong chiến dịch Bão hòa bình, do GNA phát động hồi tháng 4 để giải phóng TP Tarhuna – địa bàn hoạt động chính của lực lượng ông Haftar ở tây Libya.
GNA mở chiến dịch Bão hòa bình hôm 26-3 để chống các cuộc tấn công của ông Haftar nhằm vào Tripoli.
Trong một diễn biến liên quan, Thứ trưởng Quốc phòng Libya – ông Salah Namrush nói rằng: “Các lực lượng của chúng tôi đang tiếp tục đà tiến quân, truy duổi những kẻ khủng bố khỏi các tường thành Tripoli”.
Một vài phần tử trong số đó là chỉ huy của họ đang chạy tới sân bay Bani Walid, cách đông nam Tripoli 170 km, ông Namrush cho biết thêm.
Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời một nguồn tin quân sự thuộc LNA không được nêu tên cho biết các lực lượng của ông Haftar đã hoàn tất việc rút quân hôm 4-6 từ các huyện Ain Zara, Abu Salim và Qasr bin Ghashir của Tripoli và chạy tới một thị trấn gần Tarhuna.
Một ngày trước đó, tức ngày 3-6, lực lượng GNA đã giải phóng thành công sân bay quốc tế Tripoli. Sân bay này vốn đóng cửa sáu năm qua và bị lực lượng ông Haftar chiếm hồi năm ngoái khi LNA mở chiến dịch đánh chiếm Tripoli.
GNA đạt được những bước tiến quân sự trước thềm GNA và LNA có động thái hướng tới đàm phán một lệnh ngừng bắn.
Hồi đầu tuần, Liên Hợp Quốc (LHQ) cho hay cả GNA và LNA đã đồng ý khôi phục các cuộc đàm phán ngừng bắn. Tuy nhiên, LHQ cũng cảnh báo rằng lượng vũ khí và lính đánh thuê kéo tới Libya ngày càng nhiều bất chấp lệnh cấm vận vũ khí rõ ràng đã đe dọa một sự leo thang mới.
Thổ Nhĩ Kỳ thề tiếp tục ủng hộ GNA chống ông Haftar
Những tháng gần đây, Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh thân thiết của chính phủ Tripoli đã giúp đỡ đáng kể GNA đẩy lùi các lực lượng của ông Haftar và giành lại nhiều khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ còn cung cấp thiết bị hậu cần và quân sự cho GNA.
Hơn nữa, trong một động thái gây tranh cãi, Ankara còn đưa hàng ngàn tay súng Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tới Libya để chiến đấu cùng lực lượng GNA chống lực lượng LNA.
Hôm 4-6, Thủ tướng Fayez al-Sarraj của GNA đã đến Thổ Nhĩ Kỳ để gặp Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tại Ankara khi hai bên tìm cách khóa chặt đà tiến quân của ông Haftar.
Trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Sarraj sau cuộc họp kín ở Ankara, Tổng thống Erdogan cam kết tăng cường ủng hộ cho GNA chống lực lượng ông Haftar.
“Lịch sử sẽ kết tội những ai đã gây ra cảnh đổ máu và nước mắt ở Libya khi ủng hộ ông Haftar” - ông Erdogan nhấn mạnh.
Ông Erdogan nói thêm Thổ Nhĩ Kỳ sẽ sát cánh cùng GNA và tiếp tục chiến đấu trên tất cả nền tảng quốc tế nhằm tìm một giải pháp thích đáng.
Ông Erdogan cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn ông Haftar bán dầu mỏ của Libya một cách trái phép vì đây vốn thuộc về người dân Libya.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực cho tới khi chúng tôi loại bỏ kẻ thù ở Libya” - ông Saraj nói thêm, nhắc tới cuộc chiến đang diễn ra giữa chính phủ ông và lực lượng ông Haftar.
“Chính phủ Libya sẽ không cho phép các cuộc đàm phán trong những giai đoạn tiếp theo với ông Haftar” - ông nhấn mạnh.
Nhiều nỗ lực quốc tế nhằm mang lại hòa bình giữa hai bên tham chiến ở Libya đã thất bại.
Libya chìm vào xung đột năm 2011 sau khi nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi bị lật đổ và sát hại trong chiến dịch quân sự do NATO hậu thuẫn.