Libya ngừng sản xuất từ hai mỏ dầu chính
Ngày 6/3, Công ty Dầu khí Quốc gia (NOC) của Libya thông báo ngừng sản xuất dầu từ hai mỏ dầu chính. Điều này gây thiệt hại đáng kể cho quốc gia vốn phụ thuộc rất lớn vào việc bán dầu và đang trải qua một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.
NOC thông báo trên trang Facebook của mình rằng hoạt động sản xuất đã bị dừng lại sau khi một nhóm vũ trang đã "đóng van vận chuyển dầu thô" tại các mỏ ở khu vực al-Sharara và al-Fil, buộc công ty phải tuyên bố tình trạng bất khả kháng, một biện pháp cho phép miễn trừ trách nhiệm giao hàng đối với các khách hàng của mình. Việc đóng các van vận chuyển dầu này đã gây ra thiệt hại khoảng 330.000 thùng mỗi ngày và thiệt hại hàng ngày hơn 160 triệu dinar cho Libya (khoảng 32 triệu euro), NOC cho biết thêm.
Libya, quốc gia có trữ lượng dầu dồi dào nhất ở châu Phi, đang cố gắng thoát khỏi hơn một thập kỷ hỗn loạn kể từ khi chế độ Muammar Gaddafi sụp đổ vào năm 2011, sau sự kiện Mùa xuân Arập. Một chính phủ song song, do Quốc hội Libya thành lập và đang cố gắng phế truất quyền hành pháp của chính phủ tại Tripoli, đã tuyên thệ nhậm chức hôm 3/3, đang đẩy quốc gia Bắc Phi này vào một cuộc khủng hoảng thể chế.
Mỏ al-Sharara, nằm cách thủ đô Tripoli khoảng 900 km về phía Nam, thường sản xuất 315.000 thùng dầu/ngày, trong tổng sản lượng quốc gia hơn 1,2 triệu thùng/ngày của Libya, so với 1,5- đến 1,6 triệu thùng/ngày trước năm 2011. Mỏ này được quản lý bởi Akakus, một liên doanh giữa NOC, Repsol (Tây Ban Nha), Total (Pháp), OMV (Áo) và Statoil (Na Uy). Và mỏ al-Fil, nằm trong lưu vực Morzouq cách Tripoli 750 km về phía Tây Nam, do liên doanh Mellitah Oil & Gas, giữa NOC và tập đoàn ENI của Italy (I-ta-li-a) quản lý. Khoảng 70.000 thùng thường được sản xuất ở mỏ này mỗi ngày.
Theo NOC, nhóm vũ trang do Mohamed al-Garj đứng đầu đã đóng các van vận chuyển dầu nhiều lần từ năm 2014 đến năm 2016.