Lịch sử các cuộc xung đột giữa Israel và Hezbollah
Căng thẳng giữa phong trào Hezbollah của Liban và Israel đã tồn tại suốt gần nửa thế kỷ qua. Mâu thuẫn bùng phát trở lại trong những tháng gần đây sau cuộc tấn công của phong trào Hồi giáo Hamas của Palestine sang lãnh thổ Israel ngày 7/10 năm ngoái và cuộc chiến của Israel ở dải Gaza.
Liban vừa trải qua ngày chết chóc, theo chính quyền nước này, các cuộc không kích của Israel trong ngày 23/9 đã cướp đi sinh mạng của gần 500 người, trong đó có hơn 90 phụ nữ và trẻ em Liban. Các cuộc tấn công cũng làm hơn 1.600 người khác bị thương.
Người phát ngôn quân đội Israel Daniel Hagari tuyên bố đã tập kích khoảng 1.300 vị trí của Hezbollah ở miền Nam và miền Đông Liban, hạ sát lượng lớn thành viên của lực lượng này.
Trên thực tế, căng thẳng giữa phong trào vũ trang của người Shiite của Liban và Israel đã tồn tại suốt gần nửa thế kỷ qua và bùng phát trở lại trong những tháng gần đây sau cuộc tấn công của phong trào Hamas của Palestine sang lãnh thổ Israel hôm 7/10 năm ngoái và cuộc chiến của Israel ở Gaza.
Năm 1982: Cuộc chiến ở Liban và sự ra đời của Hezbollah
Sự ra đời của phong trào Hezbollah tại Liban gắn liền chặt chẽ với cuộc đấu tranh vũ trang chống lại Israel. Phong trào Hồi giáo của người Shiite này được thành lập vào tháng 6/1982 nhằm chống lại “Chiến dịch Hòa bình cho Galilee”, khi Israel xâm lược Liban trong nỗ lực xóa sổ Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), tổ chức đã ẩn náu ở đó từ những năm 1960. Được cho là được Iran hậu thuẫn, Hezbollah tuyên bố trong học thuyết thành lập của mình rằng: “Cuộc đấu tranh của chúng ta sẽ chỉ kết thúc khi thực thể này (Israel) bị xóa sổ”. Ngay cả trước khi thành lập phong trào, một số người sáng lập của Hezbollah đã tham gia vào cuộc chiến chống lại chủ nghĩa can thiệp của Israel ở Liban.
Mặc dù bộ chỉ huy PLO đã rời khỏi Liban đến Tunisia vào cuối mùa hè năm 1982, nhưng quân đội Israel vẫn quyết định ở lại và chiếm đóng một phần lớn phía Nam quốc gia láng giềng này, cũng như thủ đô Beirut, với lý do nhằm đảm bảo an ninh cho chính mình. Trong bối cảnh ấy, Hezbollah đã trở thành kẻ thù chính của Israel. “Cho đến trước đó, chủ nghĩa can thiệp của Israel vào Liban chỉ tập trung vào người Palestine sống ở đó”, bà May Maalouf, một chuyên gia về địa chính trị và là nhà nghiên cứu chuyên về các cuộc xung đột ở Trung Đông, cho biết. “Với sự ra đi của PLO, rõ ràng chúng ta đã bước vào một cuộc chiến tranh giữa Hezbollah và Israel”.
Năm 1985: Sự phát triển của Hezbollah
Đến năm 1985, sức mạnh chiến đấu của Hezbollah đã phát triển đến mức họ cùng với các nhóm đồng minh có thể buộc quân đội Israel phải rút lui về Sông Litani ở miền nam Liban.
Cũng từ năm 1985 trở đi, các cuộc đụng độ đã gia tăng ở miền nam Liban. Thủ lĩnh hiện tại của Hezbollah Hassan Nasrallah, người tiếp quản vai trò lãnh đạo lực lượng dân quân này sau khi người đồng sáng lập phong trào, ông Abbas al-Mosawi bị Israel ám sát vào năm 1992, đã tập trung các chiến binh của mình trong cuộc chiến tranh du kích, nhắm vào binh lính Israel và lực lượng ủy nhiệm của họ trong Quân đội Nam Liban (SLA), một lực lượng dân quân thân Israel bao gồm người Shiite và người theo đạo Thiên chúa Liban. Israel đã trả đũa bằng các cuộc tấn công chết người.
Năm 1993: Chiến tranh 7 ngày
Vào tháng 7/1993, Israel đã tấn công Liban trong chiến dịch mang tên “Chiến dịch Trách nhiệm”, còn được gọi là Chiến tranh 7 ngày ở Liban. Cuộc tấn công diễn ra sau khi Hezbollah tấn công miền bắc Israel nhằm đáp trả các cuộc tấn công của Israel vào một trại tị nạn và một ngôi làng ở Liban. Xung đột đã khiến 118 thường dân Liban thiệt mạng, 500 người khác bị thương, đồng thời phá hủy hàng nghìn ngôi nhà.
Năm 1996: Cuộc xâm lược tháng 4 và vụ tấn công ở Qana
Ba năm sau, vào ngày 11/4/1996, Israel đã phát động một cuộc tấn công kéo dài 17 ngày nhằm mục đích đẩy Hezbollah ra khỏi khu vực sông Litani và phạm vi tấn công các mục tiêu của Israel.
Cuộc tấn công này được người Liban gọi là Cuộc xâm lược tháng 4 còn Israel gọi là “Chiến dịch Chùm nho thịnh nộ”, ám chỉ đến cuốn tiểu thuyết năm 1939 của tác giả người Mỹ John Steinbeck.
Cuộc tấn công đã gây thương vong đáng kể về quân sự và dân sự cho cả hai bên và khiến cơ sở hạ tầng của Liban bị hư hại nặng nề.
Tiếp đó, ngày 18/4/1996, Israel đã pháo kích vào một khu liên hợp của Liên hợp quốc gần làng Qana ở miền nam Liban bị chiếm đóng, nơi khoảng 800 thường dân phải di tản đang trú ẩn, khiến 106 thường dân thiệt mạng, trong đó có ít nhất 37 trẻ em, và làm bị thương khoảng 116 người. Bốn binh sỹ Fiji tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tạm thời của Liên hợp quốc cũng bị thương nặng.
Năm 2000: Israel rút quân sau 22 năm chiếm đóng một phần Liban
Vào ngày 25/5/2000, sau hơn hai thập kỷ chiếm đóng, Israel đã rút quân khỏi miền nam Liban.
Với cuộc rút quân này, Israel thừa nhận sự thất bại trong cuộc can thiệp của mình vào Liban, khiến Hezbollah ở thế mạnh hơn. Thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah tuyên bố ngày này là “một chiến thắng lịch sử, chiến thắng đầu tiên kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Ả Rập-Israel hơn 50 năm trước”. Ông dự đoán: “Thời đại thất bại của người Ả-Rập đã kết thúc và thời đại chiến thắng của họ đang bắt đầu, trong khi thời đại chiến thắng giả tạo của người Do Thái đã kết thúc và thời đại thất bại đang bắt đầu”.
Giai đoạn sau khi rút quân nhìn chung bình lặng hơn, mặc dù vẫn xảy ra những cuộc tấn công lẻ tẻ và các cuộc xâm nhập vào lãnh thổ Israel. Phong trào Hezbollah đã khẳng định vị thế của mình trong nền chính trị Liban khi lần đầu tiên tham gia chính phủ vào năm 2005. Tuy nhiên, họ từ chối từ bỏ đấu tranh vũ trang chống lại Israel, tuyên bố rằng Shebaa Farms, một vùng đất rộng 25 km2 nằm cạnh Cao nguyên Golan và thường do Syria kiểm soát, vẫn đang bị chiếm đóng.
Năm 2006: Cuộc chiến đẫm máu nhất giữa Israel và Hezbollah
Vào tháng 7/2006, căng thẳng giữa Israel và Hezbollah lại leo thang một lần nữa khi lực lượng dân quân của Liban tiến vào Israel và bắt cóc hai binh sĩ Israel. Thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah biện minh cho cuộc tấn công của mình là xuất phát từ mong muốn có được một quân bài mặc cả trong việc thả tù nhân.
Israel ngay lập tức trả đũa bằng các cuộc không kích, phong tỏa trên không và trên biển, đồng thời tấn công trên bộ vào miền nam Liban. Chỉ trong 33 ngày, cuộc giao tranh đã cướp đi sinh mạng của 1.200 người Liban, chủ yếu là dân thường và khiến một triệu người phải di tản. Về phía Israel, số người chết là 165, chủ yếu là binh sỹ quân đội, và 500.000 người phải sơ tán. Chưa bao giờ số người thương vong lại cao như vậy đối với cả hai bên sau một thời gian ngắn như vậy.
Theo chuyên gia Maalouf, “có một tâm lý tấn công vì mục đích tấn công: Cả hai phe đều muốn thể hiện với dư luận trong nước rằng họ vẫn hiện diện và mạnh mẽ. Chúng tôi ít tham gia vào các chiến thuật chính trị biên giới hơn trước đây. Hezbollah đang tìm cách duy trì tầm nhìn mà họ đã bắt đầu mất đi kể từ năm 2000. Còn Israel muốn chứng minh khả năng bảo vệ biên giới của mình bằng cách xâm lược miền nam Liban”.
Năm 2012: Nội chiến Syria
Năm 2011, nội chiến nổ ra ở Syria giữa quân đội và các nhóm phản đối chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad. Trong cuộc nội chiến này, Hezbollah đứng về phía chính phủ Syria, gọi cuộc cách mạng này là “âm mưu phá hoại liên minh chống lại Israel”. Với việc kiểm soát một số ngôi làng ở Syria và chiến đấu cùng quân đội Syria ngay từ đầu cuộc nội chiến, Hezbollah rõ ràng đã tham gia vào cuộc xung đột. “Đây là một phần trong sự thay đổi về vị thế chiến lược của Hezbollah trong khu vực”, bà Maalouf cho biết. “Đây là một trong những hành động can thiệp hiệu quả đầu tiên của phong trào này trên thực địa. Thông qua cuộc chiến này ở Syria, Israel là kẻ thù gián tiếp”.
Thủ lĩnh Hezbollah Nasrallah không hề giấu giếm sự thật này. Năm 2013, ông nói rằng Hezbollah không thể để “Syria rơi vào tay Mỹ, Israel hoặc các nhóm Takfir (người Sunni chính thống)”. Sau khi lực lượng Hezbollah tiến vào Syria, các nhóm phản đối chế độ Assad đã bắn tên lửa vào khu vực Beirut và yêu cầu các chiến binh Liban rời khỏi lãnh thổ của họ. Mặc dù chính thức giữ lập trường trung lập, Israel cũng tham gia vào cuộc nội chiến vào tháng 1/2013, khi tiến hành không kích các khu vực của Hezbollah.
Năm 2023: Cuộc chiến ở Gaza
Trong suốt nhiều năm, cuộc đối đầu trực tiếp giữa lực lượng Hezbollah và Israel chỉ giới hạn ở các hành động riêng lẻ. Tuy nhiên, vào ngày 7/10/2023, phong trào Hamas của Palestine đã thực hiện cuộc đột kích sang lãnh thổ Israel, khiến gần 1.200 người thiệt mạng và 250 người bị bắt làm con tin. Để trả đũa, ngay ngày hôm sau, Israel đã bắt đầu ném bom Dải Gaza.
Nhằm bày tỏ sự ủng hộ đối với Hamas, phong trào Hezbollah đã phóng tên lửa vào Shebaa Farms, một vùng lãnh thổ ở miền nam Liban bị Israel sáp nhập vào năm 1967. Quân đội Israel cũng tiến hành các cuộc tấn công đáp trả bằng pháo binh và máy bay không người lái vào các vị trí của Hezbollah ở Cao nguyên Golan, cũng do Israel chiếm đóng.
Theo Bộ Y tế Liban, bạo lực nổ ra kể từ ngày tháng 10/2023 giữa quân đội Israel và lực lượng Hezbollah đã khiến 566 người thiệt mạng, trong đó có ít nhất 133 dân thường. 97.000 người phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn.
Về phía Israel, theo số liệu do APF tổng hợp từ nhiều nguồn khác nhau, đã có 46 người thiệt mạng, một nửa trong số đó là binh sỹ quân đội. Khoảng 60.000 người Israel đã phải sơ tán khỏi khu vực biên giới phía bắc Israel. Hiện người dân ở cả hai bên biên giới vẫn chưa thể trở về nhà.
Tháng 9/2024: Mốc leo thang mới
Ngoài các cuộc giao tranh ở khu vực biên giới, thời gian qua, Israel cũng tiến hành các cuộc không kích và ám sát ở Liban và Syria, hạ sát một số lãnh đạo cấp cao của Hezbollah và Hamas.
Ngày 28/7, 12 trẻ em và thanh thiếu niên đã thiệt mạng tại một sân bóng đá ở Cao nguyên Golan do Israel chiếm đóng. Mặc dù Hezbollah phủ nhận trách nhiệm về vụ việc nhưng Israel đã viện dẫn thảm kịch này để thực hiện vụ ám sát chỉ huy Hezbollah Fuad Shukr ở phía nam Beirut vài ngày sau đó.
Vụ ám sát chỉ huy Shukr, cũng như vụ ám sát nhà lãnh đạo chính trị của phong trào Hamas, Ismail Haniyeh tại Iran, xảy ra chỉ trong vòng vài ngày, đã đặt khu vực Trung Đông trong tình trạng báo động cao.
Vào cuối tháng 8/2024, Hezbollah đã tiến hành một cuộc tấn công bằng tên lửa vào Israel, hành động này được coi là giai đoạn đầu tiên trong phản ứng đối đáp trả của họ với vụ ám sát chỉ huy Shukr.
Đặc biệt, liên tiếp trong 2 ngày 17 và 18/9/2024, 3.000 máy nhắn tin và hàng trăm bộ đàm của lực lượng Hezbolla ở Liban đã phát nổ, đã khiến hàng nghìn người thương vong. Dù vẫn còn nhiều bí ẩn về cách mà các vụ nổ được thực hiện, nhưng một số nguồn tin từ an ninh Liban cho rằng các thiết bị nhắn tin và bộ đàm đã bị Israel gài chất nổ. Vụ việc đã tạo ra không khí phẫn nộ kèm hoang mang trên khắp Liban.
Căng thẳng chưa dừng lại tại đó. Ngày 22/9, hàng trăm tên lửa đã được phóng vào lãnh thổ Israel từ miền Nam Liban trong một cuộc tấn công trả đũa do Hezbollah phát động. Nhằm đáp trả, ngày 23/9, Israel phát lệnh tấn công ồ ạt vào các mục tiêu của Hezbollah ở miền Nam Liban khiến 492 người chết và hơn 1.600 người bị thương. Ngày 23/9 trở thành ngày đẫm máu nhất tại Liban kể từ năm 2006.
Mặc dù Israel và Hezbollah đã thực hiện các đòn tấn công ăn miếng trả miếng kể từ khi cuộc chiến ở Gaza bắt đầu, nhưng căng thẳng leo thang trong tuần qua đã một lần nữa làm gia tăng mối lo về một cuộc chiến tranh lan rộng tại khu vựcTrung Đông.