Lịch sử chương trình hạt nhân của Iran và những nỗ lực ngăn chặn của phương Tây

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa tìm cách ngăn chặn nỗ lực kéo dài hàng thập niên của Iran nhằm sở hữu vũ khí hạt nhân. Trước đó, đã có nhiều lần Mỹ và các nước nỗ lực ngăn chặn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân mà nước này khẳng định là vì mục đích hòa bình.

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Steven Witkoff. Ảnh: IRNA/TTXVN

Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về Trung Đông Steven Witkoff. Ảnh: IRNA/TTXVN

Theo tờ The Times of Israel ngày 13/4, Iran và Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán tại Oman ngày 12/4, khởi động lại đối thoại liên quan đến chương trình hạt nhân đang tiến triển nhanh chóng của Iran.

Đài truyền hình nhà nước Iran cho biết ông Steve Witkoff, đặc phái viên Mỹ tại Trung Đông, và Bộ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi đã nói chuyện ngắn gọn. Đây là lần đầu tiên quan chức hai quốc gia trao đổi kể từ thời chính quyền Tổng thống Barack Obama.

Ông Araghchi cho biết sẽ có thêm các cuộc đàm phán vào ngày 17/4.

Các cuộc đàm phán đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ căng thẳng giữa hai nước liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran, chương trình đang làm giàu urani gần đạt mức để sản xuất vũ khí.

Dưới đây là các mốc thời gian chính về căng thẳng giữa Mỹ và Iran xoay quanh chương trình hạt nhân.

Giai đoạn đầu

Bên trong lò phản ứng hạt nhân ở cơ sở Bushehr ngày 26/10/2010. Ảnh: AFP/TTXVN

Bên trong lò phản ứng hạt nhân ở cơ sở Bushehr ngày 26/10/2010. Ảnh: AFP/TTXVN

Năm 1967, Iran tiếp nhận Lò phản ứng Nghiên cứu Tehran trong khuôn khổ chương trình “Nguyên tử vì Hòa bình” của Mỹ.

Năm 1979, Quốc vương Mohammad Reza Pahlavi bị bệnh nặng, rời Iran khi các cuộc biểu tình chống đối ngày càng gia tăng. Giáo chủ Ruhollah Khomeini trở về Tehran và dẫn đầu cuộc Cách mạng Hồi giáo lên nắm quyền. Sinh viên chiếm giữ Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, bắt đầu cuộc khủng hoảng con tin kéo dài 444 ngày. Chương trình hạt nhân của Iran bị đình trệ do áp lực quốc tế.

Tháng 8/2002, các cơ quan tình báo phương Tây và một nhóm đối lập Iran tiết lộ cơ sở làm giàu urani bí mật ở Natanz.

Tháng 6/2003, Anh, Pháp và Đức bắt đầu đàm phán hạt nhân với Iran.

Tháng 10/2003, Iran tạm dừng làm giàu urani.

Tháng 2/2006, sau khi ông Mahmoud Ahmadinejad, một tổng thống cứng rắn, lên nắm quyền, Iran tuyên bố sẽ khôi phục làm giàu urani. Anh, Pháp và Đức rút khỏi các cuộc đàm phán đang bế tắc.

Tháng 6/2009, cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi dẫn đến việc ông Ahmadinejad tái đắc cử giữa cáo buộc gian lận, châm ngòi cho phong trào Xanh và cuộc trấn áp đẫm máu của chính phủ.

Tháng 10/2009, dưới thời ông Barack Obama, Mỹ và Iran mở một kênh liên lạc bí mật tại Oman.

Tháng 7/2012, các quan chức Mỹ và Iran tổ chức cuộc gặp trực tiếp bí mật tại Oman.

Ngày 14/7/2015, các cường quốc và Iran công bố thỏa thuận hạt nhân toàn diện dài hạn, trong đó Iran hạn chế làm giàu urani để đổi lấy việc dỡ bỏ cấm vận kinh tế.

Thỏa thuận sụp đổ

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tehran. Ảnh: THX/TTXVN

Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi phát biểu trong một cuộc họp báo ở Tehran. Ảnh: THX/TTXVN

Tháng 5/2018, ông Trump đơn phương rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân trên, gọi đây là “thỏa thuận tồi tệ nhất từng có”. Ông tuyên bố sẽ đạt được điều kiện tốt hơn nhằm ngăn Iran phát triển tên lửa và hỗ trợ các lực lượng vũ trang khu vực. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán đó không diễn ra trong nhiệm kỳ đầu tiên.

Ngày 8/5/2019, Iran tuyên bố bắt đầu rút khỏi cam kết trong thỏa thuận. Một loạt vụ tấn công trên bộ và trên biển xảy ra, bị quy trách nhiệm cho Tehran.

Ngày 3/1/2020, một cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái của Mỹ tại Baghdad giết chết Tướng Qassem Soleimani, nhân vật quan trọng của Tehran và là kiến trúc sư của các cuộc chiến do các lực lượng thân Iran thực hiện ở Trung Đông.

Ngày 8/1/2020, đáp trả vụ ám sát ông Soleimani, Iran phóng hàng loạt tên lửa vào các căn cứ quân sự ở Iraq, nơi đóng quân của hàng nghìn binh sĩ Mỹ và Iraq. Hơn 100 quân nhân Mỹ bị chấn thương sọ não. Khi Iran lo ngại Mỹ sẽ đáp trả, Vệ binh Cách mạng Iran đã bắn nhầm một máy bay dân sự Ukraine cất cánh từ sân bay Tehran, khiến toàn bộ 176 người trên máy bay thiệt mạng.

Tháng 7/2020, một vụ nổ bí ẩn phá hủy nhà máy sản xuất máy ly tâm tại cơ sở hạt nhân Natanz. Iran đổ lỗi cho Israel.

Ngày 6/4/2021, Iran và Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden bắt đầu đàm phán gián tiếp tại Vienna để khôi phục thỏa thuận hạt nhân. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán với Tehran và các nước châu Âu không đạt được thỏa thuận.

Ngày 11/4/2021, Iran bị tấn công lần thứ hai trong một năm nhằm vào cơ sở hạt nhân Natanz, nhiều khả năng do Israel thực hiện.

Ngày 16/4/2021, Iran bắt đầu làm giàu urani đến mức 60% - mức tinh khiết cao nhất từ trước đến nay và chỉ cách ngưỡng để sản xuất vũ khí (90%) một bước kỹ thuật.

Ngày 24/2/2022, Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Sau đó, Nga phụ thuộc vào các thiết bị bay không người lái của Iran để thực hiện các cuộc tấn công Ukraine.

Ngày 17/7/2022, cố vấn của Lãnh tụ Tối cao Iran, ông Kamal Kharrazi, tuyên bố Iran có khả năng kỹ thuật để chế tạo bom hạt nhân nhưng chưa quyết định có làm hay không. Những tuyên bố tương tự tiếp tục xuất hiện khi căng thẳng leo thang.

Chiến sự ở Trung Đông bùng phát

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống khu dân cư Shuja'iyya, phía Đông thành phố Gaza, ngày 9/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát sau cuộc không kích của Israel xuống khu dân cư Shuja'iyya, phía Đông thành phố Gaza, ngày 9/4/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 7/10/2023, các tay súng Hamas từ Dải Gaza tràn vào Israel, sát hại khoảng 1.200 người và bắt 251 con tin. Cuộc chiến khốc liệt nhất giữa Israel và Hamas bắt đầu. Iran bày tỏ ủng hộ nhóm này. Căng thẳng khu vực tăng vọt.

Ngày 8/10/2023, lực lượng Hezbollah ở Liban, một nhóm thân Iran, đã bắt đầu tấn công bằng rocket và thiết bị bay không người lái gần như hàng ngày nhằm vào Israel để ủng hộ Hamas, kéo dài suốt 13 tháng sau đó.

Ngày 19/11/2023, các tay súng Houthi ở Yemen, cũng là nhóm thân Iran, đã chiếm tàu hàng Galaxy Leader, khởi đầu chiến dịch tấn công kéo dài vào các tuyến vận tải biển qua Biển Đỏ. Hải quân Mỹ gọi đây là cuộc chiến dữ dội nhất kể từ Thế chiến II. Các cuộc tấn công mang dấu ấn chiến thuật của Iran.

Ngày 14/4/2024, Iran lần đầu tiên tấn công trực tiếp Israel, phóng hơn 300 tên lửa và thiết bị bay không người lái. Israel cùng liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đánh chặn phần lớn.

Ngày 19/4/2024, một vụ tấn công nghi do Israel thực hiện đã phá hủy hệ thống phòng không gần sân bay ở Isfahan, Iran.

Ngày 31/7/2024, ông Ismail Haniyeh, lãnh đạo Hamas, bị Israel ám sát tại Tehran ngay sau lễ nhậm chức của Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian.

Ngày 27/9/2024, sau khi gia tăng đáng kể chiến dịch chống Hezbollah, một cuộc không kích của Israel tiêu diệt thủ lĩnh Hassan Nasrallah.

Ngày 1/10/2024, Iran tiến hành cuộc tấn công trực tiếp thứ hai vào Israel, nhưng phần lớn tên lửa bị liên minh do Mỹ dẫn đầu cùng Israel đánh chặn.

Ngày 16/10/2024, Israel tiêu diệt thủ lĩnh Hamas Yahya Sinwar tại Dải Gaza.

Ngày 26/10/2024, Israel công khai tấn công Iran lần đầu tiên để đáp trả vụ phóng tên lửa ngày 1/10/2024, phá hủy hệ thống phòng không và các cơ sở liên quan đến chương trình tên lửa của Iran.

Ông Trump trở lại Nhà Trắng và chủ động tiếp cận

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 20/1/2025, ông Trump nhậm chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai.

Ngày 7/2/2025, Lãnh tụ Tối cao Iran, ông Ali Khamenei, tuyên bố đàm phán với Mỹ là “không thông minh, không khôn ngoan và không danh dự”.

Ngày 7/3/2025, ông Trump cho biết đã gửi thư cho ông Khamenei đề nghị đàm phán thỏa thuận hạt nhân mới.

Ngày 15/3/2025, ông Trump phát động đợt không kích dữ dội nhằm vào nhóm Houthi ở Yemen - lực lượng cuối cùng trong “Trục kháng cự” thân Iran vẫn duy trì được khả năng tấn công hàng ngày.

Ngày 7/4/2025, ông Trump tuyên bố Mỹ và Iran sẽ tổ chức đàm phán trực tiếp tại Oman. Iran nói sẽ là đàm phán gián tiếp nhưng xác nhận cuộc gặp.

Ngày 12/4/2025, vòng đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và Iran diễn ra tại Oman, kết thúc với cam kết tổ chức thêm sau khi ông Steve Witkoff và ông Abbas Araghchi trao đổi ngắn gọn.

Nhà Trắng đánh giá cuộc đàm phán hạt nhân gián tiếp giữa Mỹ và Iran tại Oman đã diễn ra trong bầu không khí rất tích cực và mang tính xây dựng. Nhà Trắng cho biết trong quá trình đàm phán, ông Witkoff đã nhấn mạnh chỉ thị của Tổng thống Donald Trump về việc cần phải giải quyết những bất đồng giữa Washington và Tehran thông qua biện pháp đối thoại và ngoại giao, nếu có thể. Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng đánh giá cao cuộc gặp trực tiếp chớp nhoáng giữa ông Witkoff và Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi, đồng thời coi đây là “một bước tiến trong việc đạt được kết quả có lợi cho cả hai bên”.

Ngày 19/4/2025, vòng đàm phán tiếp theo giữa Mỹ và Iran sẽ được tổ chức.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so/lich-su-chuong-trinh-hat-nhan-cua-iran-va-nhung-no-luc-ngan-chan-cua-phuong-tay-20250414093903990.htm