Lịch sử dân tộc Việt Nam là 'bản hùng ca bất diệt'
Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, lịch sử dân tộc Việt Nam là bản hùng ca bất diệt về ý chí kiên cường, bất khuất, về tinh thần yêu nước nồng nàn và sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ.
Những biểu tượng sống của chủ nghĩa anh hùng cách mạng
Sáng 24/7, tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, 250 người có công, nhân chứng lịch sử tiêu biểu đại diện cho 9,2 triệu người có công toàn quốc đã có mặt trong hoạt động kỷ niệm 78 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ năm nay.
Chủ trì cuộc gặp mặt là Tổng Bí thư Tô Lâm, tham dự sự kiện có Chủ tịch nước Lương Cường; Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến, cùng lãnh đạo các bộ, ban, ngành, đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương trên cả nước.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham dự cuộc gặp mặt.
Phát biểu tại sự kiện trọng đại này, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nhấn mạnh, lịch sử dân tộc Việt Nam là bản hùng ca bất diệt về ý chí kiên cường, bất khuất, về tinh thần yêu nước nồng nàn và sự hy sinh cao cả của biết bao thế hệ.
Để đất nước có được hòa bình, độc lập, tự do và hạnh phúc như ngày nay có sự đóng góp to lớn của trên 9,2 triệu người có công với cách mạng, trong đó có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, gần 140 nghìn Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 600 nghìn thương binh, bệnh binh, cùng hàng triệu người là thân nhân liệt sĩ, người hoạt động cách mạng, kháng chiến, bị địch bắt tù đày, nhiễm chất độc hóa học...

Tổng Bí thư Tô Lâm thăm hỏi các đại biểu tại cuộc gặp mặt.
“Họ là những người có công với cách mạng, nhân chứng tiêu biểu, những biểu tượng sống của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, của lòng yêu nước và đức hy sinh cao cả cho nền Độc lập, Tự do của Dân tộc, cho cuộc sống, ấm no, hạnh phúc của nhân dân”, Bộ trưởng chia sẻ.
Cuộc gặp mặt người có công, nhân chứng lịch sử hôm nay là sự tiếp nối truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", "Đền ơn đáp nghĩa" đã được gìn giữ và phát huy qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà phát biểu.
Thấm nhuần sâu sắc đạo lý, truyền thống tốt đẹp của dân tộc và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí minh, 78 năm qua, Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng và nhân thân.
Theo Bộ trưởng, chỉ tính riêng từ năm 2017 đến nay, hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng đã được giải quyết cơ bản, trong đó có hơn 2.400 liệt sĩ và hơn 2.700 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh được Thủ tướng Chính phủ công nhận. Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi năm 2025 tăng hơn 70% so với năm 2021 góp phần cải thiện đáng kể đời sống người có công.
Lan tỏa giá trị tinh thần tri ân
Cuộc gặp này có sự tham dự của bác Phạm Đồng Châu 102 tuổi (là người cao tuổi nhất), tham gia cách mạng từ tháng 4 năm 1945; Anh hùng lực lượng vũ trang Đặng Quân Thụy, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội khóa IX, thương binh 4/4; Trung tướng Châu Văn Mẫn, Anh hùng lực lượng vũ trang, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục xây dựng lực lượng Công an nhân dân…
“Đặc biệt, điều vô cùng cảm phục và trân trọng những người có công, những thương binh, bệnh binh dù mang trên người vết thương chiến tranh vẫn luôn giữ khí chất anh hùng, sống có ích, giàu nghị lực, không ngừng phấn đấu vươn lên trong cuộc sống, trở thành chỗ dựa tinh thần cho gia đình, là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ đất nước noi theo.
Tinh thần ấy - vượt lên trên thương tật, vượt lên sự mất mát, chiến thắng chính mình - đó là sự biểu hiện sinh động và sâu sắc của bản lĩnh người Việt Nam. Họ đã viết nên những trang sử đẹp trong thời bình, những đóng góp âm thầm nhưng to lớn vào công cuộc xây dựng đất nước”, bà Trà bày tỏ.

Các đại biểu tham dự cuộc gặp mặt.
Bộ trưởng Nội vụ cho hay, bước vào giai đoạn phát triển mới, trước thềm kỷ nguyên mới, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp, tiếp tục đổi mới tư duy, nỗ lực tham mưu với Đảng, Nhà nước hoàn thiện thể chế, chính sách đối với người có công theo hướng phục vụ, hiện đại, toàn diện, bao trùm, hiệu quả và nhân văn.
Tiếp tục khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, đạo lý: “Uống nước nhớ nguồn”, lan tỏa giá trị tinh thần tri ân và trách nhiệm công dân đối với người có công với cách mạng, góp phần bồi đắp giá trị văn hóa, tinh thần dân tộc, xây dựng hình ảnh đất nước Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, nghĩa tình nhân văn, nhân ái.