Lịch sử đằng sau ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3
Được Liên Hợp Quốc chính thức công nhận vào năm 1977, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 được kỷ niệm theo những hình thức và mức độ khác nhau ở các quốc gia trên khắp thế giới.
Ngày Quốc tế Phụ nữ là một lễ kỷ niệm toàn cầu. Đây là một dịp quan trọng nhằm ca ngợi những thành tựu kinh tế, xã hội và chính trị mà phụ nữ đã đạt được, đồng thời là dịp gợi nhớ lại cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ của phụ nữ nhằm chống lại sự phân biệt đối xử và thúc đẩy hơn nữa quyền bình đẳng trong mọi lĩnh vực của xã hội.
Ngày đặc biệt này là ngày lễ chính thức ở hơn 20 quốc gia, bao gồm Afghanistan, Burkina Faso, Ukraine, Nga và Cuba.
Ý tưởng đằng sau ngày phụ nữ bắt nguồn từ Đảng Xã hội Mỹ vào năm 1909, tuy nhiên một nhà hoạt động nữ quyền người Đức mới chính là người đã thúc đẩy việc tổ chức một lễ kỷ niệm toàn cầu trong một hội nghị quốc tế về phụ nữ xã hội chủ nghĩa được tổ chức vào năm 1910 tại Copenhagen.
Ngày Quốc tế Phụ nữ lần đầu tiên được vinh danh tại Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ vào ngày 19/3/1911. Trong khoảng thời gian diễn ra Thế chiến thứ nhất kéo dài từ năm 1914 đến năm 1918, phụ nữ cũng đã sử dụng dịp này để phản đối cuộc xung đột vũ trang.
Vào ngày 23/2/1917 theo lịch Julian được sử dụng ở Nga vào thời điểm đó và tương đương với ngày 8/3 theo lịch Gregory được sử dụng ở những nơi khác, phụ nữ Nga cũng đã tổ chức biểu tình hàng loạt. Những người tham gia biểu tình bao gồm các góa phụ, vợ và mẹ của những người đàn ông đã thiệt mạng hoặc bị thương trong Thế chiến thứ nhất.
Ngày Quốc tế Phụ nữ được Liên Hợp Quốc kỷ niệm lần đầu tiên vào năm 1975. Sau đó, vào tháng 12/1977, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã thông qua nghị quyết tuyên bố Ngày Liên Hợp Quốc về Quyền Phụ nữ và Hòa bình Quốc tế sẽ được các quốc gia thành viên tuân thủ vào bất kỳ ngày nào trong năm phù hợp với truyền thống lịch sử và dân tộc của mình.
Năm 2011 chứng kiến kỷ niệm 100 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ Tại Mỹ, Tổng thống Barack Obama tuyên bố tháng 3/2011 là "tháng lịch sử của phụ nữ", đồng thời kêu gọi người Mỹ đánh dấu ngày này bằng cách phản ánh về "những thành tựu phi thường của phụ nữ" trong việc định hình lịch sử đất nước. Ngoại trưởng Mỹ lúc bấy giờ là bà Hillary Clinton cũng đã phát động "Sáng kiến 100 phụ nữ: Trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái thông qua trao đổi quốc tế".
Tại Vương quốc Anh, nhà hoạt động nổi tiếng Annie Lennox dẫn đầu một cuộc tuần hành qua một trong những cây cầu mang tính biểu tượng của London nhằm nâng cao nhận thức và thể hiện sự ủng hộ tổ chức từ thiện toàn cầu Women for Women International. Các tổ chức từ thiện khác như Oxfam đã thực hiện hoạt động kỷ niệm ngày Quốc tế Phụ nữ rộng rãi.
Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/lich-su-dang-sau-ngay-quoc-te-phu-nu-83-post32395.html