Lịch sử đối đầu giữa hai khối quân sự hàng đầu thế giới
Sự ra đời của khối Hiệp ước Warsaw và NATO đánh dấu sự xuất hiện của thế hai cực trong Chiến tranh Lạnh, với Mỹ và Liên Xô là trung tâm.
Trong bối cảnh Chiến tranh Lạnh bước vào cao trào, ngày 11/6/1948, Quốc hội Mỹ thông qua dự luật Vandenberg cho phép chính phủ nước này có quyền kí kết liên minh quân sự với các nước ngoài châu Mỹ.
Sau đó, tại Washington bắt đầu các cuộc đàm phán giữa Mỹ, Canada với Anh, Pháp, Mỹ, Hà Lan, Bỉ, Lucxemburg về việc thành lập khối quân sự Bắc Đại Tây Dương.
Sự ra đời của hai khối
Ngày 4/4/1949, Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương được đại diện 12 nước (gồm các nước tham gia đàm phán và Na Uy, Đan Mạch, Bồ Đào Nha, Iceland) kí ở Washington. Hiệp ước có hiệu lực từ 4/8/1949, thời hạn hiệu lực 20 năm và có thể gia hạn thêm. Tháng 9/1949, khóa họp đầu tiên của nguyên thủ các nước kí hiệp ước tiến hành tại Washington đã thành lập Ủy ban phòng thủ và Ủy ban quân sự. Như vậy, Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã ra đời.
Năm 1952, NATO kết nạp Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ làm thành viên. Năm 1954, Hiệp ước Paris cho phép Tây Đức thành lập quân đội quốc gia có các bộ tham mưu, quân, binh chủng, sư đoàn độc lập. Tây Đức gia nhập NATO, trở thành lực lượng xung kích và “tiền đồn” của NATO.
Trước tình hình đó, từ 11-14/5/1955, các nước Albania, Bulgaria, Hungary, Cộng hòa Dân chủ Đức, Ba Lan, Romania, Liên Xô, Tiệp Khắc đã nhóm họp ở Warsaw (Ba Lan). Hội nghị nhận định trong tình hình hiện nay, biện pháp gìn giữ hòa bình và ngăn chặn chiến tranh tốt nhất là tổ chức hệ thống an ninh tập thể gồm tất cả các nước châu Âu có chế độ xã hội khác nhau.
Các nước tham gia hội nghị đã quyết định ký kết Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ Warsaw. Bản hiệp ước có hiệu lực từ 5/6/1955 với thời hạn 20 năm (sau này có thể tiếp tục gia hạn) nhằm duy trì hòa bình, an ninh châu Âu, củng cố tình hữu nghị, sự hợp tác và sức mạnh của các nước XHCN anh em.
Các nước thỏa thuận, trong trường hợp một hay nhiều nước thành viên bị tấn công thì các nước tham gia hiệp ước có nhiệm vụ giúp đỡ nước bị tấn công bằng mọi phương tiện có thể có, kể cả lực lượng vũ trang. Trụ sở của khối đặt tại thủ đô Warsaw của Ba Lan với các bộ phận chuyên trách, điều hành hoạt động. Hội nghị cũng thành lập Bộ Chỉ huy các Lực lượng vũ trang chung, Nguyên soái Liên Xô I. S. Konev được chỉ định làm Tổng tư lệnh.
Năm 1961, do những bất đồng với Liên Xô, Albania rút khỏi hiệp ước.
Warsaw kết thúc vai trò lịch sử
Sự ra đời của khối Hiệp ước Warsaw đánh dấu sự xuất hiện của thế hai cực trong Chiến tranh Lạnh, trong đó Mỹ và Liên Xô là trung tâm. Sau khi thành lập, cả hai khối quân sự đều ra sức chạy đua vũ trang, trang bị những vũ khí hiện đại để tăng cường sức mạnh.
Mỹ tiếp tục thành lập các liên minh quân sự ở các khu vực khác nhau để hỗ trợ cho NATO và bao vây Liên Xô, các nước XHCN. Đó là khối SEATO ở Đông Nam Á (9/1954), khối CENTO ở Trung Cận Đông (1959). Mỹ thiết lập trên 2.000 căn cứ quân sự, đưa hàng chục vạn quân đóng rải rác ở khắp mọi nơi trên thế giới. Phía Liên Xô cũng đưa hàng chục vạn quân ra đóng ở các nước Đông Âu (chủ yếu ở CHDC Đức), ở Mông Cổ và biên giới Xô-Trung.
Cuộc chạy đua vũ trang giữa hai nước Xô-Mỹ cũng như giữa hai khối quân sự lớn nhất thế giới lên tới đỉnh cao vào những năm 1970. Theo ước tính của các nhà quân sự, chỉ cần phóng ra 1/2 số vũ khí hạt nhân của Mỹ hoặc của Liên Xô, cũng đủ để hủy diệt toàn bộ sự sống của con người và nền văn minh của toàn nhân loại. Tuy nhiên, trong suốt 36 năm đối đầu, chưa bao giờ có một cuộc chiến tranh trực tiếp nào giữa hai khối xảy ra.
Đây là đặc điểm cơ bản của Chiến tranh Lạnh, vốn chỉ có những cuộc chiến tranh, xung đột cục bộ, cho thấy những cuộc thử nghiệm, thử lòng nhau này thiên về yếu tố tâm lý nhiều hơn. Hành động chung duy nhất của Lực lượng vũ trang hỗn hợp thuộc Hiệp ước Warsaw là việc đưa quân vào Tiệp Khắc tháng 8/1968 nhằm dập tắt cuộc bạo loạn chống nhà nước XHCN ở đây.
Như một hệ quả của quá trình khủng hoảng khối XHCN, ngày 1/7/1991, tại Praha, Tổng thống Tiệp Khắc Vaclav Havel tuyên bố chấm dứt Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và tương trợ 1955, giải tán khối Warsaw sau 36 năm tồn tại. Khối Warsaw đã kết thúc vai trò lịch sử. Trong khi đó, NATO vẫn tồn tại và liên tiếp mở rộng, hiện có 29 thành viên.