Lịch sự, khéo léo mới được lòng người

Thông thường, lịch sự thể hiện qua lời nói. Vậy lời nói như thế nào mới được coi là lịch sự, mới lấy được lòng người khác?

Khả năng diễn đạt tốt không chỉ giúp người ta thành công mà còn mang lại hạnh phúc. Có nghiên cứu cho thấy, những người tính cách vui vẻ, biết ăn nói, thường hài lòng với cuộc sống hơn những người ăn nói vụng về.

Nhưng rốt cuộc, làm thế nào có được khả năng diễn đạt tốt? Trên thực tế, khả năng biểu đạt của tuyệt đại đa số mọi người không hề kém, chỉ là họ chưa biết cách vận dụng. Cuốn Biết ăn nói chẳng lo thua thiệt của tác giả Li Jing sẽ giúp bạn xử lý khéo léo các tình huống khó xử.

Được sự đồng ý của Nhã Nam, Zing trích một phần cuốn sách gửi tới độc giả.

Thông thường, lời nói lịch sự bao hàm những đặc điểm như: Khéo léo, khiêm tốn... Nếu đi sâu vào nghiên cứu sẽ thấy rằng bản chất những lời khách sáo chính là lễ tiết và lịch sự.

Khéo léo chừa chỗ cho quan hệ đôi bên

Danh tướng nhà Tây Hán tên Tiêu Hà rất giỏi xử lý chính sự, nhưng không biết cách góp ý. Ông nhìn thấy ruộng đất ở Trường An rất ít, bách tính thiếu ăn thiếu mặc, mà Thượng Lâm Uyển của hoàng gia lại có rất nhiều đất trống để nuôi thả súc vật.

Vì thế mới đề nghị Lưu Bang chia khu đất hoang này cho người dân cày cấy. Ai ngờ Lưu Bang đọc tấu chương của Tiêu Hà xong rất tức giận, cho người bắt Tiêu Hà nhốt vào ngục. Mọi người cứ tưởng Tiêu Hà đã phạm tội gì đó rất nghiêm trọng, không ai dám nói đỡ.

Lúc này, có một thị vệ tên là Vương Vệ Úy, bình thường rất kính phục Tiêu Hà, trong lúc nói chuyện với Lưu Bang, bèn nhân tiện hỏi thăm: “Tiêu tướng quốc đã phạm tội tày đình gì vậy ạ?”.

Lưu Bang vẫn chưa nguôi cơn giận, bèn nói: “Đừng có nhắc đến hắn ta, cứ nhắc đến hắn là ta bực mình. Nhớ năm xưa Lý Tư làm thừa tướng nhà Tần, hễ làm chuyện tốt là nhớ đến tâm huyết và công lao của quân vương, có sai sót thì tự gánh trách nhiệm. Bây giờ Tiêu Hà yêu cầu ta mở cửa Thượng Lâm Uyển cho bách tính trồng trọt cày cấy, không lẽ chỉ có hắn là người tốt, còn ta là hôn quân vô đạo chắc?”.

Vương Vệ Úy nghe xong, mới biết nguyên do khiến Lưu Bang nổi giận, liền nói: “Bệ hạ, có vẻ như ngài đã trách nhầm tướng quốc rồi. Tướng quốc nếu có lòng ấy thì năm xưa bệ hạ chinh phạt bên ngoài bao nhiêu năm, ông ấy đã dễ dàng chiếm lấy ngai vàng rồi, cần gì phải lấy cái vườn ngự uyển bé xíu ấy để thể hiện với bách tính, mua chuộc lòng người chứ?”.

Lưu Bang nghe lời Vương Vệ Úy nói cũng hợp lý, tuy trong lòng không vui, nhưng vẫn cảm kích tấm lòng vì nước của Tiêu Hà, liền lệnh cho lính thả Tiêu Hà ngay hôm đó.

Lúc đó, Tiêu Hà đã hơn sáu mươi tuổi, vừa trong ngục ra, trên người vẫn còn đeo gông đeo cùm, đầu bù chân đất lấm lem cả người cũng không dám về phủ tắm gội, mà vội vàng lên điện để tạ ơn.

 Tiêu Hà vì góp ý thiếu khéo léo mà suýt mất mạng. Ảnh: Happy Live.

Tiêu Hà vì góp ý thiếu khéo léo mà suýt mất mạng. Ảnh: Happy Live.

Lưu Bang thấy bộ dạng tiều tụy của Tiêu Hà trong lòng lấy làm áy náy, vội vỗ về Tiêu Hà: “Tướng quốc, ông không cần đa lễ! Lần này ông cầu xin cho dân, ta không đồng ý, là lỗi của ta. Ta là thiên tử vô đạo, ông là thừa tướng hiền đức. Sở dĩ giam ông lại, là vì muốn bách tính biết được đức độ của ông và lỗi lầm của ta đó!”.

Lời của Lưu Bang có ẩn ý rất rõ ràng. Tiêu Hà nghe xong, cũng hiểu ra vấn đề của mình, liền quỳ rạp xuống đất, mắt ngấn lệ thỉnh tội Lưu Bang. Trong câu chuyện này, vì Tiêu Hà không biết cách đưa ra góp ý, nên suýt bị mất mạng. Lời nói của Lưu Bang rất khéo léo, đầy ẩn ý, nhưng lại đáng để chúng ta xem xét.

Ẩn ý của Lưu Bị

Tương tự, Lưu Bị trước khi mất cũng nói những lời đầy ẩn ý. Ông bảo Gia Cát Lượng rằng: “Nếu Lưu Thiện có khả năng thì ông hãy phò trợ cho nó; còn nếu nó bất tài thì ông hãy thay thế nó đi”.

Nghe xong những lời này, phản ứng của Gia Cát Lượng không phải tạ ơn mà là toát mồ hôi hột quỳ vội xuống dập đầu thật mạnh thưa: “Thần nguyện dốc hết sức lực phò trợ chúa công đến hơi thở cuối cùng”.

Nếu chúng ta không hiểu nghệ thuật ăn nói khéo léo, đầy ẩn ý thì có thể sẽ không nghe ra thâm ý của Lưu Bị. Cứ thử nghĩ mà xem, quân vương thời cổ đại đều là những bậc dã tâm hơn người, vất vả cả cuộc đời gây dựng được cơ nghiệp, sao có thể hai tay dâng nó cho người ngoài chứ?

Gia Cát Lượng thông minh hiểu ngay câu nói của Lưu Bị có ý thăm dò, cũng có thể còn có ý cảnh cáo nữa. Có những chuyện không tiện nói thẳng ra, lúc này cách nói uyển chuyển vô cùng quan trọng.

 Lưu Bị tỏ ra cẩn thận khi gửi gắm con cho Gia Cát Lượng. Ảnh: Film.

Lưu Bị tỏ ra cẩn thận khi gửi gắm con cho Gia Cát Lượng. Ảnh: Film.

Giống như Lưu Bang, tuy lòng nghĩ: “Tiêu Hà lấy lòng bách tính như vậy, muốn làm gì đây?” Nhưng ông không nói thẳng với Tiêu Hà như vậy. Tương tự, Lưu Bị cũng lựa chọn cách nói tránh đi, giả sử Lưu Bị nói thẳng với Gia Cát Lượng: “Nhà ngươi hãy thề rằng nếu như đoạt ngôi của con ta, thì sẽ chết không toàn thây!”, nếu là Gia Cát Lượng, bạn sẽ nghĩ thế nào?

Chắc chắn sẽ rất không vui. Khéo léo thổ lộ là một cách chừa đường lùi cho mình, có lợi cho việc cải thiện quan hệ của hai người. Chỉ có những người ngây thơ chưa trải đời mới nói thẳng ra là mình không tin đối phương, khiến cho quan hệ hai bên bị dồn vào ngõ cụt mà không có khả năng xoay chuyển.

Lưu Bị không nói thẳng, mà nói tránh đi. Câu nói đó rất cao minh, nghe thì có vẻ cảm động, nhưng khi lọt vào tai một người thông minh lại giống như “sét đánh giữa trời quang”, ý cảnh cáo rành rành. Đây chính là ưu điểm của việc ăn nói khéo léo.

Đến tận bây giờ, chúng ta nói chuyện vẫn rất uyển chuyển, có những lời thậm chí còn ẩn ý đến mức khiến người ta khó hiểu. Ví dụ như, chúng ta hay nói: “Tôi không chắc như vậy có được hay không”, thực ra ý của chúng ta chính là “cái này chắc chắn không được”.

Hoặc như, “Hay là anh thử đi hỏi ý kiến người khác xem?”, thực ra ý muốn nói: “Anh hỏi tôi cũng chả có tác dụng gì”. Những lời uyển chuyển như vậy nếu bạn không hiểu, sẽ rất khó lĩnh hội ý của người khác.

Trích "Biết ăn nói chẳng lo thua thiệt"

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lich-su-kheo-leo-moi-duoc-long-nguoi-post1205674.html