Lịch sử nửa thế kỷ của Viện Virus học Vũ Hán
Áp dụng kỹ thuật của Pháp, phòng thí nghiệm P4 tân tiến của Viện Virus học Vũ Hán, Trung Quốc từng được kỳ vọng là nơi ngăn chặn một đại dịch khác, sau đợt bùng dịch SARS năm 2003.
Trong một buổi sáng se lạnh tháng 2/2017, nhà khoa học Trung Quốc, Yuan Zhiming, đã dẫn đường cho ông Bernard Cazeneuve, lúc đó là thủ tướng Pháp, vào bên trong phòng thí nghiệm mầm bệnh được đảm bảo an ninh cao tại Vũ Hán.
Áp dụng kỹ thuật của Pháp, đây là phòng thí nghiệm P4 đầu tiên của Trung Quốc, một trong số nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới được chỉ định bảo mật ở mức cao nhất. Ông Yuan, Giám đốc phòng thí nghiệm, đã làm việc hơn một thập niên để biến điều này thành hiện thực, theo Washington Post.
Ông Yuan và các đồng nghiệp tại Viện Virus học Vũ Hán (WIV) hy vọng họ có thể ngăn chặn một thảm họa khác như dịch SARS bùng phát năm 2003. Sự kiện năm đó đã khiến Bắc Kinh xấu hổ, dẫn đến việc bộ trưởng Y tế bị sa thải.
Tuy vậy, chỉ một vài năm sau khi cắt băng khánh thành phòng thí nghiệm P4, Trung Quốc lại chìm trong một đại dịch có sức tàn phá khủng khiếp hơn nhiều. Nhóm của ông Yuan đã không thể ngăn chặn thảm kịch này xảy ra.
Và tệ hơn, một số người còn nghi ngờ nhân viên phòng thí nghiệm có liên quan đến nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
Kho lưu trữ virus
WIV thành lập vào năm 1956, thuộc một nhánh của Viện Khoa học Trung Quốc (CAS). Mối quan tâm ban đầu của WIV là tập trung vào sâu bệnh gây hại tới ngành nông nghiệp.
Sau khi nhà lãnh đạo Trung Quốc Đặng Tiểu Bình hoan nghênh lĩnh vực nghiên cứu khoa học vào năm 1978, Bắc Kinh ra lệnh cho WIV xây dựng kho lưu trữ virus quốc gia đầu tiên, với 400 virus được thu thập trong một thập niên.
WIV đặt tầm nhìn cao hơn vào năm 2003, khi dịch SARS bùng phát. Chen Zhu, quan chức hàng đầu của CAS về khoa học sinh học, đã yêu cầu WIV xây dựng một phòng thí nghiệm P4.
Ông Yuan đã cùng ông Chen đến Pháp để thuyết phục các chuyên gia Pháp đảm nhận việc xây dựng. Chủ tịch khi đó, ông Hồ Cẩm Đào đã bay đến Paris vào tháng 1/2004 để ký kết thỏa thuận.
Phòng thí nghiệm P4 nằm trên con đường tám làn xe ở vùng ngoại ô khu công nghiệp phía nam của Vũ Hán. Theo một báo cáo vào tháng 6/2018, cơ sở phòng thí nghiệm rộng khoảng 2 sân bóng đá, trên một khu đất rộng gấp 12 lần.
Dựa trên phòng thí nghiệm P4 của Pháp ở Lyon, tòa nhà có bốn tầng: dưới cùng là nơi quản lý chất thải; khu chính gồm phòng thí nghiệm và phòng động vật; trên cùng là các thiết bị để đảm bảo thông luồng không khí an toàn.
Theo trí nhớ của Boris Klempa, nhà nghiên cứu của Học viện Khoa học Slovakia, người đã đến thăm WIV vào năm 2017, phòng thí nghiệm tại đây sở hữu “công nghệ mới nhất, là một khu phức hợp khổng lồ”.
Vào khoảng thời gian này, một nhân vật định mệnh khác trong câu chuyện của WIV đã xuất hiện. Đồng nghiệp của ông Yuan, bà Shi Zhengli (Thạch Chính Lệ), đang bắt đầu kiếm hang dơi để tìm ra nguồn gốc của bệnh SARS.
Bà Shi nhỏ hơn ông Yuan một tuổi và cũng từng học ở Pháp, có chuyên môn về virus thủy sinh. Giờ đây, bà chuyển sang dơi, hợp tác cùng với một nhà virus học nổi tiếng người Singapore, Linfa Wang. Năm 2004, nhóm của bà đã thu thập mẫu từ 408 con dơi trên khắp Trung Quốc.
Đây là một công việc khó khăn. Bà Shi và các đồng nghiệp phải nằm sấp qua những hang động hẹp, bắt dơi bằng lưới. Họ sẽ thả hầu hết dơi sau khi lấy mẫu, thi thoảng cũng đưa một vài con về phòng thí nghiệm.
Sau 7 năm tìm kiếm, vào năm 2011, bà Shi phát hiện ra một họ dơi mang loại virus gần với virus SARS trong một hang động ở tỉnh Vân Nam. Bài báo của nhóm bà được xuất bản vào năm 2013, đưa tên tuổi của bà khởi sắc, và gắn liền với biệt danh “Người phụ nữ dơi”.
Năm 2014, ở tuổi 50, bà Shi nhận được khoản trợ cấp quốc gia trị giá 58 triệu USD để tiếp tục nghiên cứu về virus corona ở miền Nam Trung Quốc. Ba năm sau, nhóm của bà thông báo tìm thấy tất cả mảnh gene của virus SARS ở dơi trong một hang động ở Vân Nam. Vì vậy, về cơ bản, bà Shi đã chứng minh nguồn gốc của căn bệnh này.
Trong khi đó, nỗ lực 13 năm của ông Yuan cuối cùng cũng hái trái ngọt, với phòng thí nghiệm P4 bắt đầu hoạt động. Phòng thí nghiệm trị giá 42 triệu USD chỉ dành cho một số ít trong số 300 nhà khoa học của WIV đã được đào tạo để sử dụng, bao gồm cả bà Shi.
Tuy nhiên, không phải mọi thứ đều được tiết lộ. Vào năm 2018, khi một phóng viên của Trung Quốc hỏi loại virus nào đang được lưu trữ trong viện, Phó giám đốc phòng thí nghiệm P4, Song Donglin, trả lời “việc tiết lộ thông tin này phải được kiểm soát”.
Ban lãnh đạo WIV đã nhắc nhở nhân viên giữ bí mật quốc gia trong nhiều năm, đồng thời cảnh giác với gián điệp nước ngoài.
Jean-Pierre de Cavel, chuyên gia người Pháp tiến hành đào tạo an toàn tại WIV vào năm 2010, cho biết các nhà nghiên cứu Trung Quốc hy vọng sử dụng phòng thí nghiệm mới để nghiên cứu các bệnh truyền nhiễm như Ebola, sốt xuất huyết Crimean-Congo và bệnh đậu mùa.
Tuy nhiên, phòng thí nghiệm P4 không được sử dụng để nghiên cứu virus corona khi những loại virus này được phân cấp độ bảo mật thấp hơn.
Bí ẩn chưa có lời giải
Bà Shi nhận được sự chú ý của dư luận quốc tế vào ngày 23/1/2020, cùng ngày chính quyền Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán để ngăn chặn sự lây lan của một căn bệnh mới. Trong một bài báo in trước, nhóm của bà thông báo tìm thấy một loại virus giống 96,2% với loại virus corona mới.
Ban đầu, bà Shi cũng lo sợ virus có thể đến từ phòng thí nghiệm. Tuy nhiên, sau đó bà kiên quyết khẳng định bà đã kiểm tra hồ sơ phòng thí nghiệm. Kết quả xét nghiệm của tất cả nhân viên đều âm tính với kháng thể SARS-CoV-2.
Những người ủng hộ bà Shi khẳng định nếu có gì mờ ám che đậy sự cố phòng thí nghiệm, chắc chắn sẽ có nhân viên tiết lộ ra ngoài.
Ông Yuan thẳng thừng phủ nhận sự liên quan của WIV tới nguồn gốc của đại dịch Covid-19.
“Phòng thí nghiệm P4 ở Vũ Hán chưa bao giờ xảy ra chuyện rò rỉ hoặc mắc bệnh ở người nào kể từ khi đi vào hoạt động vào năm 2018”, ông Yuan cho biết tại một cuộc họp báo vào tháng 7.
Ngoài ra, Yuan cho biết nhóm của ông đang phải chịu áp lực rất lớn từ những tin đồn.
Các cơ quan tình báo Mỹ kết luận vào tháng 8 rằng virus corona không phải là vũ khí sinh học. Tuy nhiên, họ chưa rõ liệu virus này có nguồn gốc tự nhiên hay là kết quả rò rỉ phòng thí nghiệm. Báo cáo cũng cho biết khó để đưa ra xác nhận nếu không có sự hợp tác của Trung Quốc, khi Bắc Kinh đã rút lui từ tháng 7.
Đối với nhóm của ông Yuan, điều này có nghĩa là đám mây nghi ngờ vẫn bay lơ lửng. Sau nhiều kỳ vọng, giờ họ chỉ nhận được sự thất vọng.
Ông Yuan và bà Shi đã rút lui giữa những cuộc tranh cãi.
“Sự hợp tác khoa học trong lĩnh vực virus học, giờ không còn nữa”, một nhà nghiên cứu nước ngoài làm việc nhiều năm với WIV cho biết. “Bây giờ, người Trung Quốc sẽ không chào đón người nước ngoài vì họ cho rằng cộng đồng quốc tế tới là để đào bới sai lầm”.
Christina Nielsen-LeRoux - Giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Nông nghiệp Quốc gia của Pháp và là người đã gặp ông Yuan ở châu Âu - tiết lộ lần cuối bà nhận được tin tức từ người bạn này là vào tháng 3/2020, trước khi Vũ Hán kết thúc phong tỏa.
"Chúng tôi đã có một thời gian khó khăn trong việc ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh ở Vũ Hán”, ông Yuan viết. “Virus đang lây lan ở đất nước của bạn. Thêm nhiều người bị nhiễm hơn trong những ngày qua. Tình hình khiến tôi lo lắng rất nhiều. Tôi tin tưởng cùng nhau chúng ta sẽ hạn chế sự lây lan của virus. Cuộc sống sẽ sớm trở lại bình thường”.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lich-su-nua-the-ky-cua-vien-virus-hoc-vu-han-post1260437.html