Lịch sử Phật giáo Trung Quốc – Phần 12
Lịch sử Phật giáo Trung Quốc - Phật giáo Đài Loan tuy dung hợp cả 4 hệ phái Phật giáo lớn, nhưng thế lực chủ đạo vẫn là Phật giáo Hán truyền, trong xã hội Đài Loan vẫn quan niệm có trì chay trường hay không để làm tiêu chuẩn phán định tâm từ bi rộng hẹp.
Mục lục bài viết
Lịch sử Phật giáo Trung Quốc – Phật giáo Đài Loan tuy dung hợp cả 4 hệ phái Phật giáo lớn, nhưng thế lực chủ đạo vẫn là Phật giáo Hán truyền, trong xã hội Đài Loan vẫn quan niệm có trì chay trường hay không để làm tiêu chuẩn phán định tâm từ bi rộng hẹp.
Chương XVPHẬT GIÁO TẠI ĐÀI LOAN(45)
1. Dẫn nhập
2. Sơ kỳ phát triển của Phật giáo Đài Loan và sự truyền nhập của Phật giáo thời Minh – Thanh
3. Chịu ảnh hưởng của Phật giáo Nhật Bản thời kỳ (1895-1945)
4. Phật giáo Đài Loan sau năm 1945
4.1 Sự truyền bá Phật giáo Trung Quốc
4.2 Phật giáo bản địa Đài Loan
4.3 Đoàn thể Phật giáo
4.4 Phật giáo Đài Loan với công tác giáo dục và văn hóa
5. Phật giáo Đài Loan thế kỷ XXI mang tính chất dung hợp6. Phật giáo Đài Loan mang đặc sắc đa nguyên
6.1 Chính trị thay đổi tác động đến Phật giáo mang tính đa nguyên
6.2 Các diễn đàn giao lưu Phật giáo mang tính quốc tế hóa
6.3 Trung tâm Tỳ kheo ni quốc tế
6.4 Trung tâm văn hóa đồ chay quốc tế
7. Nhận định sơ bộ
Lịch sử Phật giáo Trung Quốc – Phật giáo Đài Loan tuy dung hợp cả 4 hệ phái Phật giáo lớn, nhưng thế lực chủ đạo vẫn là Phật giáo Hán truyền, trong xã hội Đài Loan vẫn quan niệm có trì chay trường hay không để làm tiêu chuẩn phán định tâm từ bi rộng hẹp.
Chương XV
PHẬT GIÁO TẠI ĐÀI LOAN(45)
1. Dẫn nhập
Sự truyền bá tôn giáo luôn gắn liền với các mối quan hệ trong xã hội như các hoạt động thương mại, văn hóa, di cư. Những người buôn bán, hoặc chạy nạn, hoặc di trú tại một vùng đất mới thường mang theo mình những hình tượng thần Phật, bài vị tổ tiên… để đáp ứng lại nhu cầu tâm linh bức thiết là mong cầu che chở mọi sự bình an.
Sau khi định cư, những mối quan hệ với đất đai, nhà cửa, làm ăn buôn bán cũng dần dần được tạo ra, tiếp đó là nảy sinh ra yêu cầu mong mọi sự thuận lợi, công thành danh toại, cũng cần nơi tụ họp để trao đổi làm ăn, hội đồng hương, cùng dòng họ, gia tộc. Chùa, miếu, từ đường cũng do vậy mà được xây tạo để làm nơi tổ chức các hoạt động đó, cũng trở thành nơi gửi gắm những mong cầu về sinh tồn, quyền lợi và nghĩa vụ của từng cá nhân, gia đình, cho đến xã hội. Trên phương diện vật chất, thì cần thông qua các mối quan hệ, phương pháp, phúc đức, vốn liếng mà hợp thành; sự tìm cầu về phương diện tinh thần cũng cần thông qua sự tương tác giữa con người với con người và tôn giáo để đạt được.
Từ lịch sử, nhìn Phật giáo được truyền từ vùng Giang Nam, Mân, Việt tới Đài Loan, thì vùng Bắc Cảng – Gia Nghĩa là nơi tụ họp trao đổi thương mại giữa người Hán và người bản địa ở đó(46). Từ thời Tam Quốc tới nay, Phật giáo được truyền bá ở Đài Loan, đặc biệt là tín ngưỡng Di Đà Tịnh Độ từ sau thời Tùy Đường, dần
được phát triển phổ cập tới tầng lớp thứ dân. Đến thời Tống, mô hình kết xã niệm Phật được thịnh hành ở vùng Giang Nam, dần dần dung hợp với tín ngưỡng dân gian. Phật giáo có khả năng theo sự di cư của người Hán mà được truyền đến Đài Loan trước thời Trịnh Thành Công, hoặc sớm hơn nữa là trước thời kỳ Hà Lan chiếm đóng hoặc thời Nam Tống. Những chùa Phật đầu tiên là do tăng đồ xây dựng, chỉ để tăng lữ cư trú, không tiến hành bố giáo, nhưng có diễn ra các hoạt động mai táng theo nghi thức dân gian(47). Nhưng Phật giáo chịu ảnh hưởng của vùng Mân Việt thì phải vào sau tháng 12 năm Vĩnh Lịch (1661), sau khi Trịnh Thành Công đánh đuổi Hà Lan, mới theo di dân dần dần truyền đến Đài Loan.
Phật giáo truyền vào Đài Loan thời cận hiện đại có thể chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn một là từ thời Minh, Thanh đến khi Đài Loan bị cắt cho Nhật (1895), giai đoạn này chủ yếu giới thiệu về vấn đề Phật giáo Mân Việt, Phật giáo dân gian truyền đến Đài Loan. Giai đoạn hai là khoảng 50 năm thời kỳ Nhật trị, từ 1895-1945, chủ yếu giới thiệu về sự truyền nhập của Phật giáo Nhật Bản. Giai đoạn ba là khoảng từ khi Đài Loan quang phục đến nay (1945-2010), chủ yếu giới thiệu về Phật giáo Trung Quốc được truyền tới Đài Loan, đồng thời cũng có sự truyền nhập Phật giáo Nhật Bản, Phật giáo Nam truyền và Tạng truyền.
2. Sơ kỳ phát triển của Phật giáo Đài Loan và sự truyền nhập của Phật giáo thời Minh – Thanh
Những tộc người bản địa ở Đài Loan là những bộ phận người Philippines, người Trung Quốc đại lục, người Indonesia, trải qua quá trình di cư lâu dài hàng nhiều thế kỷ mà dần tới định cư ở Đài Loan. Thời Tam Quốc, năm Hoàng Long thứ hai (năm 230), trong bộ “Tam Quốc Chí” đã đề cập đến Di Châu, Di Châu tức Đài Loan ngày nay. Thời Tùy, năm Đại Nghiệp thứ nhất (605), trong “Tùy Thư. Đông Di Lưu Cầu Truyện”, thì Lưu Cầu chính là chỉ Đài Loan. Thời Tùy, năm Đại Nghiệp thứ ba (607), Tùy Dương Đế phái Châu
Khoan đến chiêu hàng, vỗ về dân chúng ở Lưu Cầu. Thời Tùy, năm Đại Nghiệp thứ sáu (610), Dương Đế lại phái Trần Lăng, Trương Trịnh Châu đánh Lưu Cầu. Thời Tống, năm Càn Đạo thứ bảy (1171), Uông Thái Du để binh đồn trú ở đảo Bành Hồ. Thời Nguyên, trong khoảng năm Chí Nguyên (1335-1349), lập Ty tuần kiểm Bành Hồ. Thời Minh, năm Gia Tĩnh thứ 23 (1544), người Bồ Đào Nha phát hiện ra đảo Đài Loan, gọi tên là Formosa. Thời Minh, năm Vạn Lịch thứ tám (1580), hội giáo sĩ Giê-su Tây Ban Nha đến Ma Cao, trên đường về gặp bão đổ bộ vào Đài Loan.
Thời Minh, năm Vạn Lịch thứ 18 (1590), dân xây dựng đình Quán Âm An Bình để thờ Bồ Tát Quán Thế Âm(48). Năm Vạn Lịch thứ 21 (1593), cũng là thời kỳ Edo (cũng gọi là thời kỳ Giang Hộ, thời kỳ Mạc phủ Tokugawa) ở Nhật Bản, Phong-thần-tú-cát (Toyotomi Hideyoshi) trong cuộc xâm lược Triều Tiên (sau đó có dã tâm chinh phục Trung Hoa) đã phái gia thần của mình là Nguyên-điền-tôn-thất-lang đến Đài Loan đòi cống nạp nhưng không thành. Năm 1615, Nhật Bản năm Nguyên Hòa thứ nhất: Thôn-sơn- đẳng-an (Murayama Tōan Antonio) theo lệnh của chính quyền mạc phủ đem 4000 lính trên 13 thuyền đến chinh phục Đài Loan, nhưng trên đường đi gặp bão đánh chìm. Thời Minh, năm Thiên Khải thứ nhất (1621), Nhật Bản năm Nguyên Hòa thứ bảy: Hải tặc Nhan Tư Tề dẫn theo băng đảng cư trú ở Đài Loan, Trịnh Chi Long (cha của Trịnh Thành Công) đi cùng. Thời Minh, năm Vạn Lịch thứ 32, Tư lệnh Wijbrandt(49) của công ty Đông Ấn Hà Lan gặp bão, đổ bộ lên Bành Hồ, phái người đi Phúc Kiến để tìm bàn việc thương mại. Chính quyền Phúc Kiến phái Đô ty Thẩm Hữu Dung đem 50 thuyền binh đến đảo Bành Hồ, hội ngộ Wijbrandt ở Cung Nương Mã (nay là Cung Thiên Hậu) yêu cầu phía Hà Lan rút lui. Việc thương mại không thành, Wijbrandt rút khỏi đảo Bành Hồ vào tháng 12 năm đó. Thời Minh, năm Thiên Khải thứ hai (1622), hạm đội Hà Lan lại đổ bộ lên đảo Bành Hồ, hai năm sau đổ bộ lên gần vùng Đài Nam, người Hà Lan lại yêu cầu chính phủ nhà Minh việc buôn bán qua lại. Năm Thiên Khải thứ sáu (1626), hạm đội Tây Ban Nha đổ bộ lên Kê Lung (nay là Cơ Long). Thời Minh, năm Sùng Trinh thứ 15 (1642), hạm đội Tây Ban Nha rời khỏi Đài Loan sau 17 năm đóng chiếm Bắc Đài Loan.
Phật Quang Sơn, Đài Loan. Nguồn: St
Theo ghi chép(50), năm 1642 có tăng nhân ở Tuyền Châu là pháp sư Triệu Thiện, có tạc tượng Quán Âm muốn hiến tặng Phổ Đà Sơn, nhưng trên đường đi gặp mưa gió nên dạt đến Lộc Cảng (Chương Hóa), rồi quyết định khổ tu ở đây, đến năm 1653 lập chùa Long Sơn, đến năm 1667 mới hoàn thành.
Năm 1662 (Minh-Vĩnh Lịch thứ 16, Thanh-năm đầu Khang Hy), Trịnh Thành Công đánh bại người Hà Lan, kết thúc 38 năm quân Hà Lan chiếm cứ Đài Loan (1624-1662). Năm 1666, cho xây dựng Văn Miếu ở Đài Nam. Năm 1683, tướng nhà Thanh là Thi Lang đem quân đi thu phục Đài Loan, Trịnh Khắc Sảng (cháu nội Trịnh Thành Công) đầu hàng nhà Thanh. Năm 1684, đem Đài Loan quy về tỉnh Phúc Kiến, từ đó cư dân ở Phúc Kiến dần dần đến Đài Loan.
Theo nhà sử học Đài Loan Lư Gia Hưng khảo chứng thì ngôi chùa đầu tiên tại Đài Loan là chùa Trúc Khê ở Đài Nam, xây dựng vào năm 1661, do có bài thơ của Thẩm Quang Văn đề cập đến. Thứ đến là chùa Di Đà (năm 1662), thứ nữa là Long Hồ nham (nay là đầm San Hô, Ô Sơn Đầu, huyện Đài Nam), các sử liệu đều ghi chép do Trần Vĩnh Hoa(51) xây dựng(52). Theo Trần Thanh Cáo, Tạ Thạch Thành biên bộ “Đài Loan Tỉnh Đài Nam Huyện Thị Tự Miếu Đại Quan”, thì Trịnh Kinh đã xây bảy ngôi chùa, tám ngôi miếu. Bảy chùa gồm: Chùa Trúc Khê (1661), chùa Di Đà (1662), chùa Khai Nguyên (1680), chùa Pháp Hoa (1683), chùa Hoàng Bách (1688), chùa Long Sơn (1715), chùa Trùng Khánh (1721). Tám miếu gồm: Miếu Phủ Thành Hoàng (1669), miếu Đông Nhạc (1673), cung Đại Thiên Hậu (1684), cung Thủy Tiên (1715), miếu Đại Quan Đế (1715), miếu Long Thần (1716), miếu Dược Vương (1718), miếu Phong Thần (1739).
Phụ nữ Đài Loan đa phần trì chay vào các ngày Quán Âm(53), ngày phùng cửu(54), ngày rằm và mồng một, ngày tết. Phật giáo thời kỳ đầu, bộ phận tín đồ mê tín tương đối đông, đa phần đến với mục đích cầu phúc tiến tài, tín đồ không hiểu rõ giáo nghĩa Phật giáo, thậm chí còn hiểu sai lệch. Theo như ghi chép trong Tôn Giáo Chí bộ “Đài Loan Thông Sử”, thì các chùa được xây dựng từ thời Minh Thanh gồm:
Phủ Đài Nam có: Chùa Thanh Thủy (không rõ năm), chùa Di Đà (Trịnh Kinh), Quán Âm đình (họ Trịnh), chùa Hải Hội (họ Trịnh), chùa Long Sơn (Thanh – Ung Chính), chùa Hoàng Bách (Thanh – Khang Hy 27), chùa Trúc Khê (Thanh – Khang Hy 30), chùa Pháp Hoa (Thanh – Khang Hy 22), am Quảng Từ (Thanh – Khang Hy 31), các Từ Vân (Thanh – Khang Hy 35), chùa Vạn Thọ (Thanh – Khang Hy 50), điện Đại Sĩ (Thanh – Quang Tự 12).
Huyện Gia Nghĩa có: Chùa Bích Vân (Thanh – Khang Hy 14).
Huyện Phượng Sơn có: Chùa Thanh Thủy (Thanh – Đạo Quang 14), chùa Siêu Phong (do Thiền sư Thiệu Quang kết thảo am thời Ung Chính, xây dựng năm Càn Long 28), chùa Hưng Long (Thanh – Khang Hy 33), chùa Nguyên Hưng (Thanh – Càn Long 8).
Bành Hồ có: Miếu Địa Tạng (không rõ niên đại), đình Quán Âm (Thanh – Khang Hy 35), miếu Tổ Sư (Thanh – Khang Hy).
Huyện Chương Hóa có: Chùa Khai Hóa (Thanh – Ung Chính 10), nham Thanh Thủy (khoảng đầu niên hiệu Thanh – Càn Long), nham Hổ Sơn (Thanh – Càn Long 12), miếu Định Quang (Thanh – Càn Long 27).
Phủ Đài Bắc có: Cung Quảng Tế (Thanh – Ung Chính), chùa Long Sơn (Thanh – Càn Long 3), chùa Tây Vân (Thanh – Càn Long 33), chùa Kiếm Đàm (Thanh – Càn Long 38), chùa Long Sơn (ở Hỗ Vĩ – Thanh – Quang Tự 12), nham Bảo Tạng (Thanh – Khang Hy).
Huyện Tân Trúc có: Chùa Trúc Liên (Thanh – Đạo Quang 5), am Địa Tạng (Thanh – Đạo Quang 8), cung Từ Thiên (Thanh – Hàm Phong 3), chùa Kim Sơn (kết thảo am thời Thanh – Càn Long, xây thời Thanh – Hàm Phong).
Sau khi nhà Thanh diệt nhà Minh ở đại lục và diệt họ Trịnh ở Đài Loan, lệnh đem tất cả quan viên và quyến thuộc của họ Trịnh dời về nguyên quán, rồi lệnh cấm dân không được tự ý di cư đến Đài Loan. Các chùa do cha con họ Trịnh xây dựng có ích lợi với chính quyền nhà Thanh hoặc có sắc thái Minh – Trịnh được giao cho quan phủ tu sửa và tiếp quản. Những chùa cho các quan lại thuộc chính quyền họ Trịnh xây dựng như chùa Pháp Hoa, thì được các quan lại triều Thanh tiếp tục hỗ trợ. Những chùa không liên quan như chùa Di Đà hoặc những chùa do dân gian xây dựng thì được giao cho dân gian quản.
Năm Khang Hy thứ 33, tăng nhân Thụ Bích đem thần tượng Ma Tổ(55) đến Bổn Cảng (thuộc huyện Gia Nghĩa), năm thứ 39 xây dựng miếu Thiên Phi, là ngôi miếu đầu tiên từ vùng sông Bát Chưởng về phía Bắc Đài Loan (ranh giới giữa Gia Nghĩa và Đài Nam về Bắc). Năm Khang Hy 51, quan thông sự(56) là Lại Khoa tập hợp dân chúng xây dựng miếu Thiên Phi ở cửa Cam Đậu (gọi khác là Quan Độ) ở Đạm Thủy; năm thứ 54 xây lại, tri huyện là Chu Chung Tuyên đổi gọi miếu là “Linh Sơn”, là ngôi chùa miếu đầu tiên từ khe Trạc Thủy về Bắc(57). Miếu đầu do một vị tăng nhân xây dựng, miếu sau do người Hán và người nguyên trú cùng xây dựng, thời kỳ đầu do người coi miếu Lâm Trụ trông giữ(58), sau do tăng nhân Thạch Hưng thuộc tông Lâm Tế trụ trì, trải qua sáu đời chúng xuất gia và bốn đời chúng tại gia trông giữ, hơn 210 năm, gần đây trao lại cho tăng đồ quản lý(59). Ngôi chùa đầu tiên ở huyện Chư La(60) là đình Quán Âm do Trần Vĩnh Hoa thời họ Trịnh xây dựng. Sau khi lập huyện, do quan thông phán Hà Đình Phượng quyên đất, năm Khang Hy 37 quyên tiền xây dựng đình Quán Âm. Theo ghi chép trong “Chư La Huyện Chí” soạn sửa năm Khang Hy 56 thì toàn huyện Chư La có 14 ngôi chùa(61).
Phật giáo Đài Loan thời kỳ đầu cũng dần hình thành một số pháp mạch chủ yếu như: Pháp phái chùa Khai Nguyên ở Đài Nam (Thích Truyền Phương, Thích Huyền Tinh khai lập ở chùa Khai Nguyên tại Đài Nam); pháp phái chùa Pháp Vân ở Đại Hồ, Miêu Lật (Thích Giác Lực, Thích Diệu Quả khai lập ở chùa Pháp Vân tại Miêu Lật); pháp phái chùa Linh Tuyền ở núi Nguyệt Mi tại Cơ Long (Thích Thiện Trí, Thích Thiện Huệ khai lập ở chùa Linh Tuyền tại Cơ Long); pháp phái chùa Siêu Phong ở núi Đại Cương, Cao Hùng (Thích Nghĩa Mẫn, Thích Vĩnh Định khai lập ở chùa Siêu Phong, Cao Hùng), và pháp phái Lăng Vân Thiền Tự ở núi Quán Âm, Đài Bắc (Thích Bảo Hải, Thích Bản Viên khai lập ở chùa Lăng Vân, Đài Bắc). Các vị tổ sư khai sơn hoặc trùng hưng những tông phái này đều là người Đài Loan, đa số đều qua thọ giới tại chùa Dũng Tuyền ở Cổ Sơn, Phúc Kiến. Xét về pháp mạch truyền đăng thì đều có gốc nguồn sâu xa với Thiền tông, Lâm Tế, và Tào Động. Phật giáo Đài Loan nguồn gốc từ vùng Mân Việt truyền sang, đường hướng phát triển và điểm đặc sắc của Phật giáo Mân Nam lấy tông phong của Thiền Lâm Tế, Tào Động, kết hợp lối Thiền Tịnh song tu của Tịnh Độ tông làm chủ lưu, dung hợp với những yếu tố bối cảnh đương thời di dân vượt biển tới Đài Loan mở mang khai khẩn, mà phát triển thành Phật giáo hình thức cầu phúc lộc cát tường. Lại bắt đầu từ thời Càn Long, Gia Khánh, phái Phật giáo cải cách – bạch y Phật giáo (Trai giáo(62), cùng với sự biến đổi trong xã hội di dân, sáng tạo ra những đặc sắc, dung hợp để tạo thành Phật giáo Đài Loan mà không còn giống với Phật giáo Mân Nam trước kia. Thời kỳ đó, các vị tăng lữ ngoài hoạt động bố giáo hoằng pháp còn kiêm đảm nhận sự nghiệp từ thiện xã hội, do đó người tín phụng dần nhiều, Phật giáo sau đó cũng dần hưng thịnh.
Thời kỳ nhà Thanh quản lý Đài Loan (1683-1895), điểm đặc sắc của Phật giáo ở Đài Loan thể hiện ở chỗ hỗn hợp giữa hai luồng “Phật giáo chính tín” chính thống và “Phật giáo tương tự” phát sinh (Bạch y Phật giáo). Do bối cảnh thời đại dân chúng nhu cầu về an toàn di cư, cầu bình an (vượt biển đến Đài Loan, khai khẩn đất hoang), và nhu cầu tiêu tai giải ách, tiếp dẫn Tây phương, mà khiến Phật giáo có phần hỗn tạp với các loại đạo tương tự với Phật giáo, trở thành một tín ngưỡng mang “tính sinh hoạt” trong dân gian(63).
3. Chịu ảnh hưởng của Phật giáo Nhật Bản thời kỳ (1895-1945)
Năm Quang Tự 21 (1895), chiến tranh Giáp Ngọ Trung Nhật, nhà Thanh chiến bại, cắt đảo Đài Loan cho Nhật. Thời sơ kỳ thực dân Nhật trị (1895-1914), chính phủ Nhật Bản thực thi chính sách tự do tôn giáo, cũng không chủ động can thiệp vào nội dung tín ngưỡng của dân chúng Đài Loan. Căn cứ vào thống kê của Hoàn- tỉnh-khuê-trị-lang “Báo cáo điều tra tôn giáo Đài Loan(64)”, tính đến năm Đại Chính thứ bảy (1918), các chùa miếu của cả Nho, Phật, Đạo trên toàn Đài Loan là 3304 ngôi, trong đó chùa Phật giáo chỉ chiếm 77 ngôi, Nho giáo 165 ngôi, Đạo giáo 3062 ngôi. Nếu tính cả cơ sở của Trai giáo thì là 172 ngôi, cũng nhiều hơn số chùa Phật gần trăm ngôi. Tăng lữ toàn đảo có 789 vị, nhưng tăng lữ ở chùa thuần túy chỉ có 156 người, số khác hoặc ở Trai đường, hoặc là tăng lữ kiêm đạo sĩ. Số lượng các Trai hữu khoảng 8663 người, ngoài ra Trai hữu ở chùa Linh Tuyền còn có 35 vị, Lăng Vân Thiền tự 3 vị, chùa Pháp Vân 64 vị(65). Thống kê trên tuy trong thời gian từ năm Đại Chính thứ tư đến thứ bảy, nhưng chủ yếu đại biểu cho giai đoạn cuối sơ kỳ thời Nhật trị. Tình hình phát triển của Phật giáo thời đầu trung kỳ so với Trai giáo thì rõ ràng Trai giáo đã phát triển lớn mạnh hơn, đồng thời số lượng tăng lữ thuần túy cũng tương đối ít, tỉ lệ không bằng ¼ lượng tăng lữ trong đăng lục, ¾ còn lại được Hoàn-tỉnh xếp thành loại không thuần chất Phật giáo hoặc người tại gia trông giữ chùa miếu.
Thời trung kỳ (1915-1930) trải qua một loạt các sự vụ kháng Nhật khắp các vùng, lại nổ ra kháng chiến vũ trang chống Nhật do Từ Thanh Phương, Giang Định, La Tuấn lãnh đạo khiến người Đài Loan bị quân Nhật giết hại rất nhiều, bị bắt hơn 2000 người, tử hình gần 700 người. Kháng chiến chống Nhật của nhóm
Từ Thanh Phương đặt trung tâm liên lạc ở am Tây Lai (Đài Nam), sau sử gọi là sự kiện am Tây Lai. Chính quyền Nhật Bản sau vụ việc đó đem tất cả các cơ sở chùa miếu của nhà Thanh hoặc chính phủ cũ đập bỏ hoặc đổi mục đích sử dụng. Các chùa miếu ở dân gian cũng lấy cớ cũ hỏng (ở ngoại đô) hoặc quy hoạch đô thị (nội thị) để phá bỏ. Chùa chiền cũng thường bị quân đội giao chiếm dụng(66). Tuy chính phủ Nhật Bản có quy định quân đội không được làm các hành vi phá bỏ lệ cũ, cũng không được hủy bỏ kinh tượng, làm thất lạc khí cụ trong chùa miếu, trong bối cảnh không rõ vận mệnh ngôi chùa ra sao, vì cầu bình an mà các chùa nghĩ đến phương pháp để có được sự bảo hộ nên đều gia nhập dưới danh nghĩa thuộc Phật giáo Nhật Bản để tránh nạn(67).
Ví dụ như Đài Nam thành lập “Ái quốc Phật giáo hội Đài Nam trai tâm xã tôn giáo liên hợp hội”, có hơn 40 Trai đường gia nhập. Trong “phép tắc ước thúc khi gia nhập” trừ việc yêu cầu giữ giới pháp, nộp thuế, không tham gia các đảng phái ngoài giáo hoặc kết nạp người bừa bãi, còn đặc biệt yêu cầu các Trai đường lập bản tự khai tư liệu chi tiết của mỗi cá nhân khi đăng ký để tiện việc kiểm tra. Trai giáo Đài Loan từ đó đi vào xu hướng bảo thủ khép mình, các Trai hữu dần chuyển hướng tiếp xúc với Phật giáo hoặc xuất gia, hình thành một hiện tượng dung hợp tự nhiên khá phổ biến.
Giai đoạn hậu kỳ thực dân Nhật trị (1931-1945), sau sự biến cầu Lư Câu(68), Trung Quốc và Nhật Bản tuyên chiến, chính phủ Nhật Bản càng quản lý Đài Loan gay gắt hơn. Sau đó, xuất hiện các phong trào như Vận động Nhật Bản hóa, nổ ra chiến tranh Thái Bình Dương, trong bối cảnh chiến loạn cần dồn mọi lực lượng cho tiền tuyến, kinh tế bị đình đốn, khiến các chùa buộc phải cầu viện sự trợ giúp của các tông phái Phật giáo Nhật Bản, số chùa hoặc trai đường còn lại cũng bị đổi thành miếu, thần xã. Như chùa Lăng Vân núi Quan Âm, chùa Khai Nguyên ở Đài Nam chùa Siêu Phong ở Cao Hùng đều bị nhập vào hệ thống tông Lâm Tế Nhật Bản. Chùa Linh Tuyền ở Cơ Long, chùa Pháp Vân ở Miêu Lật, chùa Nguyên Quang ở núi Sư Đầu, chùa Viên Quang ở Trung Lịch bị nhập vào hệ thống tông Tào Động Nhật Bản. Cũng có thể nói chính sách Nhật Bản hóa tôn giáo đã khiến Phật giáo Đài Loan hoàn toàn bị Nhật Bản hóa, những lễ nghi, nội dung của Phật giáo Trung Quốc truyền từ Phúc Kiến sang đã bị hủy bỏ gần như toàn bộ. Phật giáo Đài Loan dưới thời Nhật trị có những điểm đặc sắc như sau:
Một là, do vì các nhân sĩ truyền giáo của các tông phái Nhật Bản đến Đài Loan khá chú trọng đến việc giáo dục tăng tài, khoảng năm Đại Chính thứ 6 cho lập trường trung học tông Tào Động tại Đài Loan(69) (nay là trường trung học Thái Bắc), trường Trấn Nam tông Lâm Tế(70), học viện Thương nghiệp Đài Nam Tịnh Độ tông. Năm đại chính thứ 10, lại thành lập hội Phật giáo Nam Doanh và lập các cơ quan giáo dục ở các chùa trực thuộc, do đó đã bồi dưỡng ra không ít tăng tài của Phật giáo Đài Loan. Do chính phủ Nhật Bản thi hành chính sách chỉnh lý chùa viện trong phong trào Vận động Nhật Bản hóa, quy định mỗi một chùa bắt buộc phải cử ra một vị tăng lữ đến Nhật Bản hoặc các trường trung học Phật giáo tại Đài Loan để học tập, chính những người đó sau này góp phần rất lớn trong công tác hoằng truyền Phật pháp. Do đó, trình độ học Phật của tăng lữ và Phật giáo đồ Đài Loan thời kỳ này vượt xa mặt bằng chung thời Thanh. Chính sách đó đã thúc đẩy quá trình Nhật Bản hóa hoặc hiện đại hóa Phật giáo Đài Loan sâu rộng hơn.
Hai là, những nghi thức của các học phái Phật giáo Nhật Bản được truyền nhập vào Đài Loan. Theo ghi chép trong bản “Phật giáo Đại Niên Giám” Chiêu Hòa năm 1969, thì các tông phái Phật giáo Nhật Bản trong thời kỳ Nhật trị gồm: Phái Tịnh Độ Chân Tông chùa Bản Nguyện, phái Chân Tông Đại Cốc, tông Tào Động, tông Tịnh Độ, tông Nhật Liên, phái chùa Diệu Tâm thuộc tông Lâm Tế, và Cao Dã Sơn Chân Ngôn tông, đã theo quân Nhật và Nhật kiều đến Đài Loan làm các công tác xã hội và hoằng pháp đồng thời cũng tự thành lập các nơi hoằng pháp và chùa chiền.
Ba là, năm tông phái lớn được kiến lập từ sơ kỳ Phật giáo Đài Loan vẫn được tiếp tục bồi dưỡng thế hệ đệ tử và phát triển hệ thống chùa chiền ở các nơi tại Đài Loan, hình thành mạng lưới truyền bá Phật giáo Hán truyền trong suốt thời kỳ Nhật trị. Năm tông phái lớn sau đó được gộp lại với hệ thống tông Lâm Tế và Tào Động, hoặc các tông phái khác của Phật giáo Nhật Bản. Dưới sự lãnh đạo của các đạo tràng Phật giáo Nhật bản, một mặt tiến hành truyền dạy Nhật văn và Phật pháp, một mặt khác là tạo sự ảnh hưởng ở một số vùng dưới sự hỗ trợ về kinh tế và tổ chức vận hành, thậm chí đến những năm 2000 vẫn còn thấy bóng dáng sự ảnh hưởng đó.
Bốn là, theo “Sách báo cáo điều tra tôn giáo Đài Loan(71)”, có thể thấy Đài Loan thời kỳ thực dân không có đạo tràng truyền pháp thọ giới, tăng lữ ở Đài Loan muốn được xuất gia chỉ có cách tới Cổ Sơn(72) để thọ giới. Những vị pháp sư thọ giới ở Cổ Sơn quay lại Đài Loan thường được sự tín nhiệm của đại chúng trong xã hội, cũng như sẽ thường đảm nhận vị trí trụ trì một ngôi chùa(73). Cho tới tận trung kỳ thực dân Nhật trị, tăng lữ Đài Loan tiếp nhận giáo dục theo Nhật, tố chất tăng lữ dần dần được nâng cao, điều đó thúc đẩy giới Phật giáo Đài Loan dần có năng lực cử hành đại hội truyền giới. Tháng 11 năm Đại Chính thứ tám (1919), chùa Khai Nguyên ở Đài Nam mở đại hội truyền giới cho tứ chúng đệ tử, đại hòa thượng truyền giới là hòa thượng Truyền Phương, tự Thanh Nguyên, hiệu Bố Văn(74). Đó cũng đánh dấu bước đầu tiên giới Phật giáo Đài Loan bước hướng độc lập tự chủ.
Năm là, tháng Ba năm Đại Chính thứ tám (1919), xuất bản “Sách báo cáo điều tra tôn giáo Đài Loan”, là báo cáo điều tra về tình hình giới Phật giáo Đài Loan tồn tại các Trai cô (nữ cư sỹ) mà không có tăng ni trong chùa. Theo báo cáo, có thể biết trước năm Đại Chính thứ bảy, tại Đài Loan thực tế tồn tại những Trai cô để tóc tu hành, mà không có những vị cạo tóc và thọ cụ túc giới. Hiện tượng đáng chú ý đó cũng tương đồng với vùng Mân Nam(75). Nhưng tới tháng 11 năm Đại Chính thứ tám thì có sự thay đổi, căn cứ bộ “Khai Nguyên tự đồng giới lục(76)” chép lúc đó có 84 vị Tỳ kheo và 79 vị Tỳ kheo ni, do đó biết được đến năm 1919 thì giới Phật giáo Đài Loan đã xuất hiện Tỳ kheo ni. Sau đó là giới đàn truyền giới tại Lăng Vân thiền tự núi Quán Âm năm 1923, truyền giới cho 83 vị Tỳ kheo và 58 vị Tỳ kheo ni. Giới đàn chùa Dũng Tuyền ở Cổ Sơn năm 1924 truyền giới cho 8 vị Tỳ kheo 50 vị Tỳ kheo ni. Giới đàn truyền giới tại chùa Linh Tuyền năm 1940 truyền giới cho 60 vị Tỳ kheo và 41 vị Tỳ kheo ni. Từ những con số bên trên có thể thấy sự tăng lên về số lượng khá nhanh chóng, cho đến hiện nay Đài Loan là nơi có tỷ lệ Tỳ kheo ni trên tổng dân số cao nhất thế giới. Ba đạo tràng ni giới thời đó gồm: Am Long Hồ núi Đại Cương, Tỳ Lư Thiền tự tại Hậu Lý – Đài Trung, và Viên Thông Thiền tự ở núi hồ Thạch Bích – Đài Bắc.
Sáu là, Trai giáo sáp nhập vào Phật giáo: Tức khoảng năm Đại Chính thứ năm (1916), viện chủ biệt viện tông Tào Động tại Đài Loan là Đại-thạch-kiên-đồng, lãnh tụ Trai giáo là Hoàng Ngọc Giai, hòa thượng Giang Thiện Huệ – trụ trì chùa Linh Tuyền núi Nguyệt My, Thẩm Bản Viên – trụ trì chùa Lăng Vân núi Quan Âm thương nghị cùng với đại biểu các chùa, trai đường, và quan dân có chung ý nguyện trong toàn Đài Loan, sáng lập “Đài Loan Phật giáo thanh niên hội”. Lần sáp nhập tổ chức giữa Phật giáo và Trai giáo lần này là kết quả ngoài dự kiến, bởi năm Đại Chính thứ năm cũng chính nhân dịp Phủ tổng đốc Đài Loan kỷ niệm chính phủ Đài Loan tròn 20 năm và khánh thành tân sảnh phủ tổng đốc, tổ chức “Đài Loan khuyến nghiệp cộng tiến hội”, là một sự kiện văn hóa lớn nhất Đài Loan tính đến thời điểm đó. Cùng lúc, Ki-tô giáo cũng đăng ký thiết lập cơ sở truyền đạo lâm thời, trước tình hình đó, giới Phật giáo cũng nhận thấy cần thiết tổ chức “Phật giáo đại giảng diễn hội”. Trong thời gian 40 ngày hội giảng, đã mời hầu hết các nhân vật chủ yếu của giới Phật giáo và Trai giáo tới diễn giảng, đối trọng kịch liệt với bước đi mới của Ki-tô giáo(77). Ngày 14 tháng 3 năm Đại Chính thứ chín (1920), kết hợp toàn bộ 120 vị đại biểu Trai giáo Đài Loan, thành lập tổ chức “Phật giáo Long Hoa hội”(78). Ngày 4 tháng 4 năm Đại Chính thứ mười (1921), mời hơn 60 vị đại biểu tăng lữ và trai hữu toàn đảo tại chùa Long Sơn(79), sáng lập “Nam Doanh Phật giáo Hội(80)”, chính thức trở thành cơ quan lãnh đạo Phật giáo toàn Đài Loan(81).
4. Phật giáo Đài Loan sau năm 1945
4.1 Sự truyền bá Phật giáo Trung Quốc
Theo nguyệt san “Phật giáo Đài Loan(82)” ghi chép, tính đến năm 1947, Đài Loan có 150 ngôi chùa tăng, hơn 100 chùa ni, hơn 250 trai đường, tổng cộng khoảng hơn 500 ngôi. Số lượng tăng ni hơn 3.000 người, nam nữ cư sỹ khoảng hơn 30.000 người. Phật giáo Trung Quốc ồ ạt truyền vào Đài Loan theo chính phủ Quốc Dân đảng từ sau năm Dân Quốc thứ 38 (1949). Hiến pháp quy định nhân dân có quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng, cũng do thế lực Phật giáo Nhật Bản theo chính phủ Nhật về nước nên chùa chiền trước kia đa số được Phật giáo Hán truyền từ đại lục tiếp quản, Phật giáo Đài Loan đánh dấu một bước chuyển biến mới. Các vị pháp sư đến Đài Loan tục thừa pháp mạch các danh sơn từ đại lục, trong đó các vị hoạt động mạnh nhất có trưởng lão Ấn Thuận, lão hòa thượng Đông Sơ, lão hòa thượng Quảng Khâm, Chương-gia-hồ-đồ-khắc-đồ, pháp sư Đạo Nguyên, pháp sư Từ Hàng, pháp sư Lạc Quán, trưởng lão Bạch Thánh, pháp sư Bân Tông, pháp sư Hiển Minh, lão hòa thượng Nam Đình, trưởng lão Ngộ Minh, trưởng lão Diệu Liên, trưởng lão
Siêu Trần, pháp sư Liễu Trung, pháp sư Hiểu Vân, pháp sư Thánh Bác, pháp sư Thánh Nghiêm, pháp sư Tinh Vân, thiền sư Bạch Vân, pháp sư Giới Đức, pháp sư Sám Vân…
Đặc biệt là lão hòa thượng Quảng Khâm, tục thừa hương khói Thừa Thiên cổ tự, hoằng truyền pháp môn Tịnh Độ, được Tổng hội pháp giới Phật giáo tôn là vị tổ sư cuối cùng trong cuốn Phật Tổ Đạo Ảnh(83). Các vị đệ tử gồm có pháp sư Truyền Bân ở Thừa Thiên Thiền tự và Quảng Thừa nham tự; pháp sư Truyền Văn ở chùa Diệu Thông làng Lục Quy; pháp sư Truyền Khánh chùa Hòa Nam ở Thọ Phong, Hoa Liên; pháp sư Truyền Nghĩ ở giảng đường Mộ Khâm tại Đài Bắc, đều là các vị đại sư hoằng truyền Thiền – Tịnh bất nhị môn của tổ sư Quảng Khâm(84).
Phật giáo Đài Loan sau giai đoạn hoằng dương của các vị thầy tổ thế hệ đầu từ đại lục qua, đến thế hệ thứ hai cũng có nhiều vị hoạt động trung kiên đảm nhận trọng trách thừa tiên khởi hậu như pháp sư Thành Nhất, pháp sư Tịnh Lương, pháp sư Pháp Trí, pháp sư Chứng Nghiêm, pháp sư Viên Tông, pháp sư Hoành Ấn, pháp sư Hoành Vinh, pháp sư Bản Giác, pháp sư Bản Tĩnh, pháp sư Minh Định, pháp sư Tịnh Không…
Năm Dân Quốc thứ 76 (1987), chính phủ Dân Quốc (Đài Loan) tuyên bố giải trừ lệnh giới nghiêm, nền chính trị Đài Loan chính thức bước vào thời kỳ thể chế dân chủ, Phật giáo từ bên ngoài dần dần truyền vào Đài Loan như một số tôn giáo mới hưng khởi ở Nhật Bản, tứ đại giáo phái lớn của Phật giáo Tây Tạng, thậm chí Phật giáo Nam truyền cũng xây dựng đạo tràng tại Đài Loan.
4.2 Phật giáo bản địa Đài Loan
Năm đại pháp mạch của Phật giáo bản địa Đài Loan dưới thời Nhật trị vẫn được tiếp tục phát triển. Pháp mạch chùa Linh Tuyền núi Nguyệt My, từ lão hòa thượng Thiện Huệ (1881-1945) khai sơn, pháp mạch nơi chùa Dũng Tuyền ở Cổ Sơn và chùa Pháp Vũ ở núi Phổ Đà, chùa Linh Tuyền ở núi Nguyệt My thời kỳ đầu cũng từng nhiều lần tổ chức đại hội truyền giới. Pháp mạch chùa Lăng Vân núi Quán Âm từ pháp sư Bản Viên (1881-1947) khai sơn về sau theo dòng mạch chùa Nga My núi Ngũ Đài. Pháp mạch chùa Pháp Vân núi Quán Âm, Đại Hồ, Miêu Lật từ lão hòa thượng Diệu Quả (1883-1963) khai sơn, đón ân sư lão hòa thượng Giác Lực (1881-1933) về trụ trì, tiếp thừa tâm pháp nơi Thiền sư Vạn Thiện chùa Dũng Tuyền ở Cổ Sơn. Chùa Khai Nguyên ở Đài Nam, sau sự kiện Cao Chứng Quang trở đi, bị các sự kiện chính trị ảnh hưởng sự phát triển của chùa Khai Nguyên, sau đó do sự trung hưng của pháp sư Ngộ Từ và sự phát triển của chùa Nguyên Hanh tại Cao Hùng của pháp sư Bồ Diệu, mà pháp mạch cũng được truyền rộng. Sau đó, sư đồ hai vị pháp sư Nghĩa Mẫn (1875-1947) và pháp sư Vĩnh Định (1877-1939), xây dựng một ngôi chùa Khai Nguyên khác tại thôn A Liên, huyện Cao Hùng, truyền pháp mạch núi Siêu Phong. Năm pháp mạch lớn sau khi Đài Loan độc lập về sau dần dần đi vào suy yếu, chỉ còn sức ảnh hưởng mang tính khu vực, dần bị sức ảnh hưởng của bốn thế lực Phật giáo lớn tại Đài Loan vượt qua.
Bốn thế lực Phật giáo lớn tại Đài Loan gồm: Hội công đức Từ Tế do Sư Bà Chứng Nghiêm chủ trì, Phật Quang Sơn do Hòa Thượng Tinh Vân chủ trì, Pháp Cổ Sơn do Hòa Thượng Thánh Nghiêm chủ trì, và Trung Đài Thiền tự do Hòa Thượng Duy Giác chủ trì. Đó là bốn đoàn thể Phật giáo lớn nhất Đài Loan, mỗi tổ chức hoạt động có nét đặc sắc và con đường phát triển khác nhau nhưng phạm vi hoạt động đều rộng khắp Đài Loan và phát triển mạnh ra quốc tế. Ngoài ra các chùa có khá đông tăng chúng như chùa Bồ Đề núi Thiên Phật, giáo đoàn Phật giáo núi Linh Thứu, chùa Phượng Sơn huyện Tân Trúc, Linh Nham sơn tự ở Phố Lý, chùa Nghĩa Đức ở Gia Nghĩa, chùa ni Hương Quang ở Gia Nghĩa, chùa Đại Tiên ở Đài Nam, chùa Nguyên Hanh ở Cao Hùng, chùa Siêu Phong ở Cao Hùng. Nhiều tín đồ Trai giáo chuyển sang Phật giáo, số ít chuyển sang Nhất Quán đạo, hoặc các tín ngưỡng dân gian hoặc đoàn thể cư sỹ.
4.3 Đoàn thể Phật giáo
Sau khi tổng hội Phật giáo Trung Quốc dời đến Đài Loan, năm 1952 cử hành cải tổ, đồng thời thông báo phân hội Phật giáo tỉnh Đài Loan thành lập các chi hội ở các huyện thị, đa số chùa ở các vùng đều gia nhập tổ chức chi hội, trở thành hội viên. Đứng đầu là Hội Phật giáo Trung Quốc, bên dưới là phân hội tỉnh Đài Loan và các chi hội huyện thị khác, trở thành hệ thống tổ chức ba cấp. Nhưng do vì tình hình tài chính chùa tự các chi hội vận hành tương đối độc lập nên chi hội không phát huy được nhiều tác dụng, thực chất tổng hội Phật giáo cũng không có nhiều quyền hạn, các chùa ngoài việc truyền giới hoặc hoạt động tương đối lớn mới báo cáo tổng hội, còn lại về cơ bản thì mối liên hệ và sức kết hợp của tổng hội khá nhỏ yếu. Nhưng vì thời kỳ này giáo giới đang trong giai đoạn điều chỉnh cơ cấu tổ chức nên vẫn giữ được sự thống nhất tổ chức nội bộ, mãi đến sau năm 1970, nội bộ mới dần dần có hiện tượng bị chia rẽ.
Sự xác lập địa vị chủ yếu của Phật giáo đại lục được thấy qua những hiện tượng trên. Hội Phật giáo Trung Quốc là tổ chức Phật giáo cao nhất toàn quốc, là đoàn thể tôn giáo được Quốc Dân Đảng ủng hộ, những lãnh đạo tuyệt đại đa số thuộc hệ thống từ đại lục, có sức ảnh hưởng tương đối lớn đối với sự phát triển của Phật giáo Đài Loan, cho dù cũng có nhiều chức sắc trong ban giám sự và phân hội cấp tỉnh thuộc vào hệ thống Phật giáo bản địa Đài Loan. Năm Dân Quốc thứ 42 (1953), Hội Phật giáo Trung Quốc tổ chức pháp hội tam đàn đại giới lần đầu tiên từ sau 1945 tại chùa Đại Tiên, Đài Nam. Từ đó về sau, mỗi năm cử hành một lần. Phật Quang Sơn cũng bắt đầu giới đàn từ năm Dân Quốc thứ 66 (1977), sau đó, chùa Nông Thiền – núi Pháp Cổ và các chùa lớn ở Đài Loan cũng tổ chức(85), đến năm 1993 mới dần trở thành một năm nhiều lần. Các vị xuất gia thọ tam đàn đại giới mới chính thức được Hội Phật giáo Trung Quốc thừa nhận là các Tỳ kheo và Tỳ kheo ni xuất gia. Truyền thống mỗi năm một lần pháp hội tam đàn đại giới đã mang quy phạm truyền giới từ núi Bảo Hoa ở đại lục từ thời Thanh đến nay truyền tới Đài Loan, cũng xác lập một tiêu chuẩn vững chắc cho Phật giáo Đài Loan, cũng đánh dấu nét chủ đạo của truyền thống Phật giáo Trung Quốc tại Đài Loan.
Sau khi lệnh giới nghiêm kết thúc(86), sức chủ đạo của Hội Phật giáo Trung Quốc dần bị suy giảm, sức ảnh hưởng không còn như trước. Ví dụ như pháp hội truyền giới, trước lệnh giải nghiêm thì phải được hội phê chuẩn mới được tổ chức, hơn nữa toàn Đài Loan chỉ được mỗi năm một lần, nhưng sau khi giải nghiêm thì quy định đó không còn sức ước thúc nữa. Thêm vào là các đoàn thể Phật giáo trong nhân dân dần dần được công nhận thành lập như: Hội Phật quang quốc tế, Học hội Hán tạng văn hóa Trung Hoa, Hội Phật giáo thanh niên Trung Quốc, Hội cư sỹ Phật giáo Trung Hoa, Hội Phật học hiện đại Trung Hoa Dân Quốc, Hiệp hội giáo dục tôn giáo Trung Hoa Dân Quốc, Hội Phật học Huệ Cự Trung Hoa, Hiệp hội truyền bá Phật giáo Trung Hoa, Hiệp hội chùa Phật Trung Hoa, Hội Tăng già Phật giáo Trung Hoa, Hiệp hội hộ tăng Phật giáo Trung Hoa, Hội đồng tu Phật giáo Trung Hoa, Hội Phật học bi nguyện Trung Hoa, Hiệp hội Phật giáo Hoa Nghiêm Trung Hoa Dân Quốc, Hiệp hội công đức viên thông thành phố Đài Bắc… dần khiến Hội Phật giáo Trung Quốc trở thành một thành viên trong các đoàn thể Phật giáo, đã không còn khí thế và quyền lực của cơ quan Phật giáo chính phủ trung ương như thời giới nghiêm.
Căn cứ theo thống kê của Hội Phật giáo Trung Quốc tính đến năm Dân Quốc thứ 78 (1989), Đài Loan có số lượng giáo đồ Phật giáo vào khoảng 485.600 người, 4.011 ngôi chùa, gần 8.905 vị tăng ni. Nhưng số lượng vị thọ giới cùng với số lượng xuất gia ngắn hạn, tu bát quan trai, cộng tu Thiền giảm đi tương đối. Xét về tình hình phát triển Phật giáo Đài Loan đương đại thì sự tăng trưởng các Phật sự của chúng tại gia rõ nét hơn chúng xuất gia. Nói cách khác, “cư sỹ Phật giáo” dần được hưng thịnh, thậm chí phát triển vượt qua truyền thống từ xưa lấy “tăng đoàn Phật giáo” làm chủ thể, mà phát triển thành một dòng chủ lưu khác(87). Các vị cư sỹ hoằng pháp như: Cư sỹ Lý Tử Khoan sáng lập “Hội Phật giáo Trung Quốc”(88); cư sỹ Dương Bạch Y luận Duy Thức; cư sỹ Lý Bỉnh Nam y chỉ tổ thứ 13 Tịnh tông là đại sư Ấn Quang, năm Kỷ Sửu sáng lập Liên xã Phật giáo ở Đài Trung hoằng dương pháp môn Tịnh Độ; lão cư sỹ Chu Bang Đạo, năm 39 tuổi phát tâm hộ pháp, hoằng pháp Tịnh Độ, đến năm 93 tuổi xả báo vãng sinh(89); lão cư sỹ Lý Kiển học chí cư sỹ Duy Ma Cật, sáng lập Hội cư sỹ Phật giáo Trung Hoa; cũng có cư sỹ Diệp A Nguyệt là giáo sư trường đại học Đài Loan đem tất cả sở học tích lũy của mình thành lập Hội văn giáo thiện hữu tịnh pháp giới(90), dạy Phật học và tư tưởng Duy Thức miễn phí, nhiệt tâm hoằng truyền Phật pháp.
4.4 Phật giáo Đài Loan với công tác giáo dục và văn hóa
Vị đề xướng trước tiên sự nghiệp giáo dục Phật giáo tại Đài Loan thời kỳ đầu sau năm 1945 là pháp sư Từ Hàng, sau pháp sư Từ Hàng có pháp sư Đại Tỉnh tổ chức hội giảng học ngắn hạn ở chùa Linh Ẩn tại Tân Trúc. Khi pháp sư Ấn Thuận đến Đài Loan, lập tinh xá Phúc Nghiêm tại Tân Trúc, đồng thời cũng lập học viện nữ chúng ở chùa Đại Đồng, chùa Linh Ẩn cũng tổ chức hai khóa Phật học viện sơ cấp. Sau đó, có các Phật học viện chùa Bảo Giác và Phật học viện chùa Từ Minh ở Đài Trung, Phật học viện chùa Khai Nguyên ở Đài Nam, Phật học viện chùa Linh Tuyền ở Cơ Long, Phật học viện Nam Phổ Đà ở Đài Trung. Ngoài ra, pháp sư Bạch Thánh tổ chức hai khóa Phật học viện sơ cấp kiêm nhận cả hai chúng nam nữ tại chùa Thập Phổ ở Đài Bắc, và Phật học viện sơ cao cấp cho nam chúng tại chùa Lâm Tế. Cũng có pháp sư Nam Đình tổ chức hai khóa Phật học viện cho nữ chúng tại Hội quán Phật giáo tại Đài Trung, hai vị pháp sư Đạo Nguyên và Chân Hoa tổ chức Phật
học viện cho nữ chúng tại chùa Đông Sơn ở Bình Đông, chùa Thiên Long ở Gia Nghĩa tổ chức một khóa Phật học viện, pháp sư Tinh Vân tổ chức Phật học viện cao cấp cho nữ chúng tại chùa Thọ Sơn ở Cao Hùng, pháp sư Ngộ Minh lập Phật học viện Hải Minh tại Đài Bắc, Xích Sơn ở Đài Nam tổ chức Phật học viện sơ cấp cho nữ chúng, pháp sư Tịnh Tâm tổ chức Phật học viện Sa-di sơ cấp tại Cao Hùng, chùa Linh Sơn tại Đài Trung cũng từng tổ chức Phật học viện. Sau đó, giảng đường Huệ Nhật ở Đài Bắc lập Phật học viện cao cấp Thái Hư kiêm nhận cả hai chúng nam nữ. Lúc ban đầu còn khó khăn, nguồn lực giảng sư còn chưa cao, nhiều khi tiêu chuẩn nhận học viên chỉ yêu cầu viết được tên mình bằng chữ Hán, trình độ học viên đào tạo ba năm cũng khó có thành quả khả quan.
Sau khi giải nghiêm, trình độ học Phật được cải thiện và nâng cao mạnh mẽ, nhiều các trường đại học và đài truyền hình Phật giáo nối nhau được thành lập, cũng thường tổ chức các hội thảo Phật học quốc tế, cho ra đời các bộ đại từ điển Phật học, đều là những thành quả hiếm có, rất đáng mừng và đáng khích lệ. Hiện tại, Đài Loan đã thành lập các trường đại học Phật giáo như: Đại học Hoa Phạm tiền thân là học viện kỹ thuật Hoa Phạm do pháp sư Hiểu Vân sáng lập, Đại học Từ Tế tiền thân là Học viện y học Từ Tế và cao đẳng hộ lý do pháp sư Chứng Nghiêm sáng lập, Đại học Nam Hoa tiền thân là Học viện quản lý Nam Hoa và Đại học Phật Quang do pháp sư Tinh Vân sáng lập, Đại học Huyền Trang do pháp sư Liễu Trung sáng lập, và Học viện xã hội nhân văn Pháp Cổ Sơn do pháp sư Thánh Nghiêm sáng lập. Cũng có các đài truyền hình như: Truyền hình Đại Ái (Từ Tế), Phật Quang, và Pháp giới vệ tinh. Các hội thảo khoa học quốc tế mỗi năm đều tổ chức nhiều lần. Các bộ từ điển Phật học lớn như: Đại Từ Điển Phật Quang (8 quyển, 7 triệu chữ), Bách Khoa Toàn Thư Phật giáo Trung Hoa (10 quyển, 10 triệu chữ), Đại Từ Điển Triết Học Phật giáo (1 quyển, 3.2 triệu chữ), Đại Từ Điển Tư Tưởng Phật giáo (1 quyển, 1 triệu chữ)(91). Hoặc từ sự lưu hành bộ Đại Tạng Kinh – tượng trưng cho Phật pháp cũng có thể thấy sự phổ cập kinh sách Phật giáo tại Đài Loan. Ngoài ra, công tác biên soạn, in ấn các thư tịch Phật giáo cũng được thịnh hành trong giới Phật giáo mấy chục năm qua(92).
5. Phật giáo Đài Loan thế kỷ XXI mang tính chất dung hợp
Phật giáo Đài Loan từ sau 1945 đến nay dung nhập thêm các truyền thống Hán truyền, Tạng truyền, Nam truyền, và bốn hệ phái lớn của Phật giáo Nhật Bản. Sau khi giải nghiêm, các tông phái Phật giáo Nhật Bản mới hưng khởi, Phật giáo Nam truyền, Tạng truyền càng tích cực được truyền nhập tới Đài Loan, các tông phái bản địa cũng dần được hình thành. Ví dụ các tông phái bản địa mới hưng khởi như: Phái Thiền hiện đại; tông phái mới hưng khởi ở Nhật Bản như: Sáng giá học hội, Lập thành giảo chính hội, Linh hữu hội.
Bốn đại giáo phái của Phật giáo Tạng truyền cũng chính thức (tức có đăng ký với bộ nội chính) được hoằng truyền ở Đài Loan trên quy mô lớn. Phật giáo Nam truyền cũng được các vị danh sư từ Thái Lan, Miến Điện, đến Đài Loan truyền dạy phương pháp tu trì và thiết lập đạo tràng. Phật giáo Đài Loan đương đại bao hàm cả bốn hệ phái Phật giáo lớn lưu truyền ở các vùng ở Châu Á, nhưng hệ Hán truyền vẫn là thế lực lớn nhất trong bốn hệ phái. Một vài năm trước, trong giới Phật giáo Đài Loan lưu hành bộ “Thế giới Phật giáo thông tấn lục(93)”, nội dung chủ yếu là danh sách các chùa Phật giáo tại Đài Loan. Căn cứ vào bản lần thứ 13 năm 1996 và kết hợp với bộ “Trung Hoa Phật giáo tự viện thông tấn lục(94)” năm 1997 ghi chép thì số lượng các chùa và nơi hoằng pháp Phật giáo trên toàn Đài Loan là 2299 ngôi. Trong đó, chủ yếu bao gồm cơ sở của hai hệ phái Hán truyền và Tạng truyền, chưa có thống kê số lượng các đạo tràng Phật giáo Nhật Bản và Nam truyền. Nhưng cho dù có tính cả các cơ sở của Phật giáo Nhật Bản và Nam truyền thì ước lượng số lượng cơ sở của Phật giáo Hán truyền vẫn chiếm hơn 90%. Tính riêng các chùa viện cơ sở Phật giáo Hán truyền ở Đài Loan vào khoảng hơn 2200 ngôi.
Ba hệ phái Tạng truyền, Nam truyền và Nhật Bản tuy không được mạnh như Phật giáo Hán truyền, nhưng từ sau khi giải nghiêm cũng được phát triển nhanh chóng. Phật giáo Tạng truyền mới bắt đầu được truyền vào Đài Loan từ sau 1945, nhưng những vị thượng sư truyền pháp thời kỳ đó đa số vẫn là người Hán. Trong đó có một số vị hoạt động tương đối hiệu quả như: Khuất Ánh Quang, Ngô Nhuận Giang, Thân Thư Văn, Lưu Duệ. Các vị thượng sư người Mông Cổ, người Tây Tạng như Chương-gia, Cam-châu, Cách-lại- đạt-cát, Minh-châu tương đối nổi danh. Nhưng hai vị đầu mất sớm, hai vị sau hoạt động hoằng pháp cũng không được như các vị thượng sư người Hán. Đến khoảng sau năm 1980, mới có càng nhiều vị danh sư người Tây Tạng từ Nê-Pan, Ấn Độ, Tích Lan đến Đài Loan, hoặc hoằng pháp ngắn hạn, hoặc xây lập các tinh xá. Lại thêm lúc đó có hành giả Trần Kiện Dân tu Mật tông Tây Tạng, viết bộ “Khúc Quăng Trai Tùng Thư” lưu hành rộng rãi ở Đài Loan tạo thành một trào lưu thịnh hành Phật giáo Tạng truyền. Hiện ở Đài Loan có khoảng 90 cơ sở hoằng pháp, chủ yếu thuộc vào hai hệ phái Ninh Mã (Nyingmapa) và Cát Cử (Kagyupa), phái Cách Lỗ (Gelupa) xếp thứ ba, ít nhất là phái Tát Ca (Sá̄kyapa).
Trọng điểm truyền đạo của Phật giáo Nam truyền tại Đài Loan nghiêng về hoằng dương giáo nghĩa và phương pháp tu trì, chứ không tập trung vào việc xây dựng đạo tràng. Về niên đại giáo pháp truyền tới Đài Loan cũng tương đối muộn, đến những năm 1970, do các nhà sách Đài Loan in ấn bản Nhật dịch “Nam truyền Đại Tạng Kinh”, dần dần một vài điển tịch nhập môn của Phật giáo Nam truyền cũng được lưu hành. Sau thập niên 1980, Phật giáo Nam truyền cũng được biết đến tương đối rộng rãi trong giáo đồ giới Phật giáo. Sau thập niên 1990, thì tương đối phổ cập. Các sách về tôn giả người Thái Lan như truyện ký A-ca-man (Ajahn Maha Boowa), giáo pháp của Phật sử (Buddhadasa) và A-khương-tra (Ajahn Chah), cũng có Cát-ấn-ca (Goenka) người Ấn Độ cư trú tại My-an-ma đề xướng “Thiền 10 ngày”, và các truyện ký hay phương pháp tu trì của các danh sư từ My-an-ma như: Mã-ha-hy (Mahāsi), Ô-ba-khánh (Ubakhin), Phách-áo (Pa-Auk) đều được lưu hành rộng rãi ở Đài Loan.
Trên phương diện tư liệu, nhiều trước thuật về phương pháp tu trì của Phật giáo Nam truyền (cơ bản lấy pháp môn Tứ Niệm Xứ là chủ yếu) cũng được dịch sang tiếng Hoa, như bộ “Thanh Tịnh Đạo Luận” nổi tiếng do học giả người Trung Quốc đại lục Diệp Quân dịch cũng được đưa vào làm tư liệu giảng dạy trong một số Phật học viện. Đặc biệt, sau khi chùa Nguyên Hanh ở Cao Hùng dịch “Nam truyền Đại Tạng Kinh” ra Hán văn lưu hành, điều đó có ý nghĩa lịch sử khá rõ nét đối với giáo đồ Phật giáo Trung Quốc xưa nay vẫn nghiêng trọng Phật điển Bắc truyền.
Phật giáo Nhật Bản tuy thời kỳ Nhật trị được hưng thịnh nhưng từ sau năm 1945, gần như toàn bộ đã bị tan rã không còn tung tích. Mãi đến năm 1977, Hội cư sỹ Phật giáo Trung Hoa liên kết với Hội linh hữu tôn giáo mới hưng khởi Nhật Bản(95), mới đánh dấu bước giao lưu chính thức đầu tiên giữa Đài Loan và Nhật Bản từ sau 1945. Sau đó, các tôn giáo mới hưng khởi tại Nhật Bản dần được truyền đến Đài Loan. Trong đó, các đoàn thể phát triển từ Phật giáo mới hưng khởi, trừ Hội linh hữu ra còn có: Sáng giá học hội, Bản môn Phật lập tông, Lập chính giảo thành hội, A Hàm tông, Chân Như uyển, Tịnh Độ chân tông thân loan hội. Các tông phái truyền thống của Phật giáo Nhật Bản như: Tịnh Độ chân tông, Chân ngôn tông, Nhật liên tông cũng dần dần hoạt động hoằng truyền tại Đài Loan.
Phật giáo Đài Loan hiện nay cũng xuất hiện xu hướng phát triển từ bản địa hướng tới quốc tế, khiến Đài Loan gần như được thế giới chú ý như một trung tâm Phật giáo. Đó là nhờ sự hoạt động năng nổ của các đoàn thể như Phật Quang sơn, Từ Tế, Pháp Cổ sơn và Trung Đài sơn thiết lập các phân hội, hiệp hội và hệ thống đạo tràng trên khắp thế giới. Nhưng điều đáng chú ý ở đây là hình thái “quốc tế hóa” này vẫn chỉ hạn chế ở một vài đoàn thể Phật giáo lớn, bởi các
đoàn thể Phật giáo lớn mạnh mới có đủ nguồn lực khả quan để tiến hành các hoạt động giao lưu mang tính quốc tế (như Pháp Cổ sơn và Phật Quang sơn đều từng tổ chức riêng biệt các hội thảo Phật giáo quốc tế), hoặc có khả năng huy động từ bên ngoài (như hội Từ Tế).
Pháp Cổ sơn, Đài Loan. Nguồn: St
Ở một phương diện khác, những giáo đoàn Phật giáo này được kiến lập trên cơ sở sự sùng tín cá nhân, khiến tổ chức được mở rộng nhanh chóng, dẫn đến kết quả liên đới là sự lớn mạnh của tổ chức khiến họ dùng những phương thức phi chính thống để hoạt động vượt qua phạm vi hạn chế ở Đài Loan. Giống như sự thành lập của Hội Phật Quang quốc tế ở nhiều nơi trên thế giới, đồng thời cũng đăng ký gia nhập hội viên Tổ chức phi chính phủ liên hợp quốc, để tham dự các hoạt động giao lưu quốc tế. Hoặc giống như các hoạt động mang tính quốc tế như: Hội tăng già Phật giáo thế giới, Hội Hoa tăng Phật giáo thế giới, Hội hữu nghị Phật giáo thế giới, Đại hội Phật giáo đồ thế giới cũng đều được tổ chức tại Đài Loan, thể hiện được phần nào khả năng tổ chức của giới Phật giáo Đài Loan(96). Pháp sư Chứng Nghiêm và hoạt động của hội Từ Tế được triển khai tích cực tại Đài Loan và nhiều nơi trên thế giới, tại Hoa Liên (ĐL) xây dựng bệnh viện đa khoa Từ Tế, học viện cao đẳng hộ lý Từ Tế, và Đại học Từ Tế, đã hoàn toàn đem tinh thần tứ vô lượng tâm tâm từ bi hỷ xả của Phật giáo Đại Thừa dung nhập phụng sự xã hội, đồng thời cũng đem tư tưởng tâm niệm đó thông qua các hoạt động của Hội công đức Từ Tế truyền bá đến các nơi trên thế giới.
6. Phật giáo Đài Loan mang đặc sắc đa nguyên
6.1 Chính trị thay đổi tác động đến Phật giáo mang tính đa nguyên
Quá trình phát triển của Phật giáo Đài Loan chủ yếu diễn tiến từ “Phật giáo dân gian hóa”, “Mân Nam hóa”, “Trai giáo hóa”, “Nhật Bản hóa”, “Phật giáo đại lục Hán truyền hóa”, cho đến “quốc tế hóa”. Nguyên nhân của sự diễn tiến đó có nhiều nhưng tựu chung chủ yếu là do sự ảnh hưởng của chính trị thay đổi. Thời nhà Thanh, Phật giáo Đài Loan thuộc thời kỳ manh nha, lúc đó Phật giáo dân gian và Trai giáo là chủ đạo. Thời kỳ Nhật trị, là thời kỳ Phật giáo Nhật Bản và Phật giáo Mân Nam truyền nhập có liên quan chặt chẽ đến sự thay đổi chính quyền thống trị. Sau năm 1945, Phật giáo Nhật Bản rời khỏi Đài Loan, đồng thời Phật giáo Hán truyền từ Trung Quốc đại lục theo chính phủ Quốc Dân đảng đến Đài Loan và đóng vai trò chủ đạo trong Phật giáo Đài Loan. Sau khi giải nghiêm năm 1987 đến nay, Phật giáo Đài Loan trăm hoa đua nở, các truyền thống Phật giáo khác truyền vào, khiến Phật giáo bản địa phát triển theo xu thế quốc tế hóa, cũng là do ảnh hưởng từ sự giải tỏa sức khống chế của chính trị tạo thành. Cục diện Phật giáo Đài Loan hiện tại, do các lực lượng chính trị không can thiệp vào lĩnh vực tôn giáo nên hệ sinh thái Phật giáo được cạnh tranh tự do. Những tổ chức, cá nhân hoạt động với các điều kiện về hệ thống giáo nghĩa, nội dung tu trì, sức ảnh hưởng xã hội, tài lực vật lực và cơ sở quần chúng ưu việt hơn cũng tự nhiên dần trở thành dòng chủ lưu của Phật giáo Đài Loan. Luôn có khả năng bị lịch sử đào thải nếu không đáp ứng được nhu cầu của thời đại và quần chúng trong xã hội.
6.2 Các diễn đàn giao lưu Phật giáo mang tính quốc tế hóa
Phật giáo dân gian và Trai giáo truyền nhập thời sơ kỳ, sau thay đổi dần trở thành Phật giáo bản địa Đài Loan, trải qua mấy trăm năm dung nhập các truyền thống Phật giáo Hán truyền, Tạng truyền, Nam truyền và Nhật Bản dần xác lập định hình Phật giáo Đài Loan. Trải qua quá trình nỗ lực vun bồi dần nâng cao nội hàm Phật giáo, nhiều đạo tràng Phật giáo Đài Loan đến nay đã không ngừng phát triển thêm các phân hội hoặc phân viện hoạt động rộng rãi trên thế giới khiến Phật giáo Đài Loan dần có sức ảnh hưởng mang tính quốc tế. Những phương diện hoằng pháp phát triển tại hải ngoại chủ yếu nhằm vào đối tượng người Hoa; trên phương diện cứu tế nhân quần thì đại đa số là thuộc về phương diện từ thiện. Đồng thời trong khi xác lập chỗ đứng cho Phật giáo Đài Loan, duy phải chú trọng bồi dưỡng tăng tài đảm nhận công việc hoằng pháp quốc tế, mới có thể truyền ra quốc tế những kinh nghiệm và đặc sắc của mình, để cân bằng lại những sắc thái và hiện tượng đậm màu từ bên ngoài truyền vào, đó cũng chính là vấn đề quan trọng trong việc cân bằng của Phật giáo Đài Loan trong bối cảnh quốc tế hóa hiện nay.
6.3 Trung tâm Tỳ kheo ni quốc tế
Thời kỳ đầu sau 1945, số lượng chùa và trai đường trên toàn Đài Loan có khoảng hơn 1000 ngôi, nhưng số nhiều chùa viện còn hỗn tạp với tín ngưỡng dân gian, mang đậm chất thần đạo, hoặc thuộc phái Long Hoa của Trai giáo, tín chúng cũng trong cảnh thần Phật bất phân mà ít có nhận thức đúng đắn và niềm tin thuần túy Chính pháp chân Phật giáo. Trong hàng xuất gia, số lượng tăng chúng lại càng ít ỏi, số ít tăng ni được đi học chứ chưa bàn đến việc giáo dục tăng tài và phát triển văn hóa Phật giáo. Thời kỳ Nhật trị và sau năm 1945, văn hóa và giáo dục Phật giáo dần được nâng cao, khiến bộ phận lớn các trai cô (nữ cư sỹ tu ở các trai đường) xuất gia mà trở thành Tỳ kheo ni, qua nhiều lần tổ chức tam đàn pháp giới, số lượng Tỳ kheo ni dần được tăng lên và vượt qua số lượng Tỳ kheo nhiều. Năm 1998, lại do Phật Quang sơn đến Bồ-đề-ca-da (Bodh Gaya – Bồ Đề đạo tràng) tại Ấn Độ, khôi phục pháp mạch Tỳ kheo ni Nam truyền và Tạng truyền. Đến nay, số lượng Tỳ kheo ni ngoài việc gia tăng đáng kể thì trình độ Phật học và giáo dục văn hóa cũng được nâng cao, xác lập được địa vị của giới Tỳ kheo ni Đài Loan trên quốc tế.
6.4 Trung tâm văn hóa đồ chay quốc tế
Phật giáo Đài Loan tuy dung hợp cả 4 hệ phái Phật giáo lớn, nhưng thế lực chủ đạo vẫn là Phật giáo Hán truyền, trong xã hội Đài Loan vẫn quan niệm có trì chay trường hay không để làm tiêu chuẩn phán định tâm từ bi rộng hẹp. Hàng trăm năm nay vẫn duy trì tập quán Phật giáo vốn dùng chay và Trai giáo trì chay, lại thêm một bộ phận Trai giáo dung nhập vào Nhất Quán Đạo, do đó Nhất Quán Đạo cũng bắt đầu kinh doanh các nhà hàng chay, khiến ăn chay ngày càng trở nên thuận tiện và khá phổ biến trong xã hội Đài Loan. Các nhà hàng chay dụng tâm sáng tạo nhiều món ăn chay đa dạng, khiến các cửa hàng chay trở nên phổ biến, nơi nơi đều có thể tìm thấy, thậm chí phát triển kinh doanh ra hải ngoại. Đài Loan trở thành trung tâm văn hóa đồ chay có tiếng trên quốc tế.
7. Nhận định sơ bộ
Lịch sử phát triển của Phật giáo Đài Loan có mối quan hệ mật thiết với xã hội, chính trị, thương mại, văn hóa, di dân. Phật giáo Đài Loan do vị trí địa lý gần Phúc Kiến, Trung Quốc, mà từ cuối Minh đầu Thanh theo chính phủ, thương nhân và di dân từ Phúc Kiến truyền sang, thời kỳ ban đầu là truyền nhập Phật giáo Đại Thừa và Phật giáo dân gian. Nhưng sau do vì bị Nhật Bản chiếm đóng 50 năm cũng có chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo Nhật Bản. Căn cứ theo “Nhật Bản Phật giáo tông phái sự điển” ghi chép thì các tông phái dung nhập vào Phật giáo Đài Loan gồm: Thiên Thai Pháp Hoa, Tịnh Độ Chân Tông, Nhật Liên Tông, Tịnh Độ Tông, Tào Động, Lâm Tế, và tư tưởng Cao-dã-sơn Chân Ngôn Tông. Sau năm 1945 lại chịu sự ảnh hưởng của Phật giáo Trung Quốc do nhiều vị tăng theo Quốc Dân đảng đến Đài Loan truyền bá các tư tưởng Thiền, Tịnh, Mật, Luật lưu truyền phổ biến cuối thời Thanh. Sau lệnh giải nghiêm mở cửa năm 1987, lại truyền nhập thêm Phật giáo Tạng truyền, Nam truyền và Phật giáo mới hưng khởi từ Nhật Bản sang. Phật giáo Đài Loan từ thuở đầu qua nhiều lần cải biến, dung hợp, phát triển cùng với nền kinh tế Đài Loan, lại thêm chú trọng nâng cao trình độ giáo dục văn hóa, nên được sự tiếp nhận và hộ trì của xã hội, khiến Phật giáo Đài Loan tùy biến theo tiến bộ thời đại mà bước vào quốc tế hóa trở thành một quốc gia Phật giáo quan trọng.
Nhưng công tác hoằng pháp lợi sinh là công việc truyền nối các thế hệ chung tay nên việc giáo dục tăng tài là công tác vô cùng quan trọng, do đó đề xướng nghiên cứu học thuật, thiết lập Phật học viện, nghiên cứu Phật học… để đưa nghiên cứu Phật học trở thành một ngành nghiên cứu đi kịp với các tôn giáo bạn trên thế giới. Hiện tại, chính phủ Đài Loan đã đưa chương trình giáo dục tôn giáo vào chế độ giáo dục chính thức và cấp học vị quốc gia chính thức. Từ giáo dục, cửa “Giải” (học nghĩa) để nâng cao tố chất nhân văn Phật giáo trở thành nhiệm vụ quan trọng trong bối cảnh thời đại mới để trợ lực và hộ trì cho Chính pháp được hoằng truyền. Tôn giáo là vì mục tiêu truy cầu chân lý mà có chỗ không giống với quy phạm của thế nhân thông thường, nhưng cũng nên cần có quy phạm về hành chính, như sự cho phép thành lập một tôn giáo mới của bộ nội vụ, hoặc như giấy phép đăng ký tài đoàn pháp nhân của tổ chức tôn giáo, nên mở hội nghị tôn giáo hoặc trưng cầu ý kiến tôn giáo hữu quan để tránh các tình trạng quái lực loạn thần lừa đảo phát sinh, để duy trì sự lưu truyền của Chính pháp.
Đối với Phật giáo Đài Loan nên đề xướng tu hành và thực tiễn Phật giáo nguyên thủy, Thiền tông, Tịnh tông, Mật tông, Luật tông. Chú trọng nội dung các “hành” môn, chú trọng hành động thực tiễn thông qua các công tác giáo dục, y tế, từ thiện… đóng góp cho xã hội, mưu lợi cho nhân quần; đồng thời mời thỉnh các bậc tôn sư chân tu từ bi thị hiện để quảng hóa quần luân, làm rường cột đạo đức cho xã hội và chốn nương để thắp sáng ngọn đèn Phật giáo tịnh hóa nhân tâm và tịnh hóa nhân gian. Ngoài ra, cũng cần đề xướng các hoạt động văn hóa Phật giáo và truyền rộng giáo nghĩa ra quốc tế hóa, bao gồm công tác hoằng pháp tới các nước Âu Mỹ và các vùng khác. Sau cùng, Phật giáo Đài Loan vẫn cần thực thi các sự nghiệp từ thiện, bố thí, chăm sóc xã hội để góp sức và cầu cho xã hội an tường, quốc thái dân an, thế giới hòa bình không chướng nạn.
Còn tiếp…
Tác giả: Thượng tọa TS Thích Giải Hiền soạn dịch
Trích sách: Lịch sử Phật giáo Trung Quốc
***
PDF PRINT
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/lich-su-phat-giao-trung-quoc-phan-12.html