Lịch sử phát triển phòng thủ dân sự ở New Zealand
Hệ thống phòng thủ dân sự có tổ chức đầu tiên của New Zealand được thúc đẩy do những lo ngại về các cuộc không kích, tấn công bằng khí độc trong Chiến tranh Thế giới lần thứ II hay tấn công hạt nhân vào những năm 1950. Kể từ năm 2004, thiên tai như lũ lụt, lở đất và động đất trở thành trọng tâm của các hoạt động và kế hoạch phòng thủ dân sự của đất nước kiwi.
Phòng vệ dân sự xuất hiện trong nhiều luật
Các cộng đồng ở New Zealand theo truyền thống phải tự bảo vệ mình trong các trường hợp khẩn cấp, mặc dù có nhận được một số hỗ trợ của Chính phủ sau những thảm họa lớn như trận động đất ở vịnh Hawke năm 1931.
Phòng thủ dân sự có tổ chức bắt nguồn từ Chương trình Phòng ngừa khẩn cấp (EPS) có từ thời Chiến tranh Thế giới lần thứ II, các cuộc không kích và tấn công bằng khí độc là những nỗi sợ hãi chính. Chính phủ điều phối EPS, sử dụng các tình nguyện viên địa phương được đào tạo về chữa cháy và sơ cứu. Tuy nhiên, lúc đó, các trường hợp khẩn cấp thực sự duy nhất là các trận động đất ở Wairarapa và Wellington năm 1942.
Trong những năm 1950, lo ngại về khả năng bị tấn công hạt nhân được đưa vào Đạo luật Quyền hạn khẩn cấp của chính quyền địa phương năm 1953, cho phép chính quyền địa phương tổ chức các dịch vụ cứu hộ và phúc lợi. Việc thừa nhận nhu cầu giám sát quốc gia là nguyên nhân giúp thành lập Bộ Quốc phòng năm 1959.
Những năm sau đó, Đạo luật Phòng vệ dân sự năm 1962 thiết lập một cơ cấu ba cấp, bao gồm Ủy ban Phòng vệ dân sự quốc gia, các ủy viên khu vực và các cơ quan địa phương. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí hỗ trợ, sự chỉ đạo chưa rõ ràng từ cấp trên nên việc tổ chức phòng thủ dân sự ở địa phương thường mang tính chắp vá.
Tháng 4.1968, một cơn bão lớn đã đổ bộ vào đất nước này, làm hư hại các tòa nhà và thông tin liên lạc. Một số người thiệt mạng vì các mảnh vỡ bay và 51 người thiệt mạng khi chiếc phà liên đảo Wahine bị chìm ở cảng Wellington. Một số chính quyền địa phương không thông báo tình trạng khẩn cấp và thông tin liên lạc giữa Bộ Quốc phòng với các khu vực rất kém. Điều này cho thấy một số cơ quan địa phương không có kế hoạch phòng thủ dân sự. Những thiếu sót này đã được thực hiện bắt buộc theo một sửa đổi trong Đạo luật Phòng vệ dân sự vào tháng 10.1968.
Trong giai đoạn những năm 1970, cụ thể vào tháng 2.1973, những thùng phuy làm rò rỉ chất làm rụng lá được dỡ khỏi một con tàu và được cất giữ ở Parnell, Auckland. Khói độc ảnh hưởng đến cư dân địa phương, buộc các khu vực của Parnell phải sơ tán, hàng trăm người cần được điều trị y tế. Sau đó, các ủy ban điều phối dịch vụ khẩn cấp đã được thành lập tại các thành phố lớn để bảo đảm thông tin liên lạc giữa dịch vụ cứu hỏa, cảnh sát và xe cứu thương.
Sau khi ngọn đồi bên dưới vùng ngoại ô Abbotsford ở Dunedin bắt đầu rung chuyển vào tháng 6.1979, có 69 ngôi nhà bị chôn vùi trong các vụ sụt đất lớn. Thảm họa này nhấn mạnh sự cần thiết phải ban bố tình trạng khẩn cấp khi có khả năng xảy ra thiệt hại về người và tài sản.
Làm rõ trách nhiệm giữa trung ương và địa phương
Đạo luật Phòng thủ dân sự năm 1983 đã làm rõ trách nhiệm của chính quyền trung ương và chính quyền khu vực. Nó cũng quy định việc bổ nhiệm các điều phối viên giám sát công việc khắc phục hậu quả sau trường hợp khẩn cấp. Các điều phối viên phục hồi sau thảm họa được kêu gọi để đối phó với hậu quả của một số sự kiện lớn trong thập kỷ đó, bao gồm lũ lụt ở Southland năm 1984, trận động đất ở vịnh Plenty năm 1987 và cơn bão Bola ở Bờ biển phía Đông (East Coast) năm 1988. Năm 1989, Ủy ban cố vấn khoa học được thành lập để cung cấp lời khuyên của chuyên gia về các hiểm họa tự nhiên.
Những thay đổi của chính quyền địa phương và cơ cấu lại dịch vụ công đã thúc đẩy sửa đổi luật liên quan đến phòng thủ dân sự vào năm 1989. Các cuộc đánh giá được thực hiện trong những năm 1990 kết luận rằng, cần có một cách tiếp cận tổng hợp hơn đối với quy hoạch quốc gia và địa phương. Do đó, Bộ Phòng vệ Dân sự và quản lý khẩn cấp được thành lập vào năm 1999.
Đến những năm 2000, Đạo luật Quản lý khẩn cấp phòng thủ dân sự 2002 vạch ra cách tiếp cận mới. Chính quyền địa phương được tập hợp thành các Nhóm Quản lý khẩn cấp phòng thủ dân sự (CDEM) trong khu vực, cùng với đại diện của các dịch vụ khẩn cấp và phúc lợi địa phương và các “cơ quan huyết mạch” như các công ty điện lực. Mỗi nhóm phải viết một kế hoạch có tính đến các rủi ro thiên tai cụ thể của khu vực. Các kế hoạch dựa trên các nguyên tắc được mô tả là “bốn R”: giảm thiểu, sẵn sàng, phản ứng và phục hồi (reduction, readiness, response và recovery). Các kế hoạch nhằm giảm thiểu rủi ro, quản lý sự phục hồi cũng như chuẩn bị và đối phó với các trường hợp khẩn cấp.