Lịch sử tỉnh Ninh Thuận: Những lần sáp nhập, chia tách của thủ phủ năng lượng

Lịch sử hình thành tỉnh Ninh thuận gắn với sự phát triển đi lên của đất nước, từ vùng đất của nắng và gió, Ninh Thuận đã biến khó khăn thành động lực, trở thành thủ phủ năng lượng sạch của Việt Nam.

Dải ven biển tỉnh Ninh Thuận đang thu hút các doanh nghiệp đến nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Dải ven biển tỉnh Ninh Thuận đang thu hút các doanh nghiệp đến nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch. (Ảnh: Công Thử/TTXVN)

Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Khánh Hòa, phía Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây giáp tỉnh Lâm Đồng và phía Đông giáp biển Đông. Dân số Ninh Thuận là 609.820 người tính đến ngày 1/4/2024 theo kết quả điều tra dân số giữa kỳ năm 2024, đứng thứ 59 cả nước.

Diện tích tự nhiên 3.358 km2, có 7 đơn vị hành chính gồm 01 thành phố và 6 huyện. Thành phố Phan Rang-Tháp Chàm là thành phố loại II thuộc Tỉnh, trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của Tỉnh, cách Thành phố Hồ Chí Minh 350 km, cách sân bay Cam Ranh 60 km, cách Thành phố Nha Trang 105 km và cách Thành phố Đà Lạt 110 km, thuận tiện cho việc giao lưu phát triển kinh tế-xã hội.

 Bản đồ hành chính Tỉnh Ninh Thuận

Bản đồ hành chính Tỉnh Ninh Thuận

Lịch sử hình thành tỉnh Ninh Thuận

Trước năm 1975

Ninh thuận là một phần lãnh thổ của nước Chiêm Thành thời xa xưa.

Năm 1653 Chúa trấn giữ Đàng Trong là Nguyễn Phúc Tần (1620-1687) đem quân đánh chiếm Phan Lang (sau này là Phan Rang) đặt làm doanh Thái Khang.

Năm 1692, Chúa Nguyễn Phúc Chu cho sáp nhập Phan Rang và vùng đất còn lại vào nước ta và đặt tên là trấn Thuận Thành.

Đến năm 1832, trấn Thuận Thành đổi thành tỉnh Bình Thuận, gồm hai phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận.

Năm 1901, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập tỉnh Phan Rang, tỉnh lị cũng là Phan Rang.

Năm 1913, tỉnh Phan Rang bị xóa bỏ, phần phía bắc nhập vào tỉnh Khánh Hòa, còn phần phía nam gọi là đại lý hành chính, thuộc tỉnh Bình Thuận.

Năm 1922, tỉnh Phan Rang, còn gọi là tỉnh Ninh Thuận, được tái lập. Tỉnh gồm phủ Ninh Thuận và huyện An Phước (nơi người Chăm cư trú), do một Công sứ Pháp cai trị. Dưới Công sứ còn có một Quản đạo.

Năm 1958, tỉnh Ninh Thuận gồm có 3 quận (24 xã): Thanh Hải (quận lị Khánh Hải), An Phước (quận lị Hậu Phước), Bửu Sơn (quận lị An Sơn).

Năm 1960, thành lập quận Du Long, do tách một phần đất quận Bửu Sơn và một phần đất của quận Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Quận lị đặt tại Karom, xã Cam Ly.

Trước ngày 16/4/1975, tỉnh Ninh Thuận gồm có 5 quận: Thanh Hải, An Phước, Bửu Sơn, Du Long và Sông Pha.

Sau năm 1975

Sau tháng 4/1975, Ninh Thuận được sáp nhập với Bình Thuận, Tuyên Đức, Lâm Đồng thành tỉnh Thuận Lâm.

Tháng 2/1976, ba tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Bình Tuy hợp nhất thành tỉnh Thuận Hải. Trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận cũ có một thị xã (Phan Rang) và 3 huyện (Ninh Sơn, Ninh Hải, An Phước).

Từ 1977 đến 1981, địa bàn tỉnh Ninh Thuận từ một thị xã và ba huyện hợp nhất thành hai huyện là huyện An Sơn với thị trấn huyện lỵ Tháp Chàm và huyện Ninh Hải (mới) với thị trấn huyện lỵ Phan Rang.

Từ 1981 quay lại các đơn vị hành chính cũ là 1 thị xã và 3 huyện.

Ngày 26/12/1991, Theo nghị quyết của Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ 10, tỉnh Thuận Hải được chia tách thành hai tỉnh Bình Thuận và Ninh Thuận.

Ngày 1/4/1992, tỉnh Ninh Thuận chính thức đi vào hoạt động, gồm có 1 thị xã (Phan Rang) và 3 huyện (Ninh Sơn, Ninh Hải, Ninh Phước).

Ngày 6/11/2000, huyện Bác Ái được thành lập.

Ngày 1/10/2005, huyện Thuận Bắc được thành lập.

Ngày 10/6/2009, huyện Thuận Nam được thành lập.

 Vẻ đẹp nên thơ của cánh đồng rong biển ở thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Vẻ đẹp nên thơ của cánh đồng rong biển ở thôn Từ Thiện, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận). (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận thành phố Phan Rang -Tháp Chàm là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Ninh Thuận. Thành phố có một số lĩnh vực phát triển như chế biến gỗ, vật liệu xây dựng, thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch và xuất khẩu có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho tỉnh Ninh Thuận và khu vực lân cận.

Ngày 1/11/2024, Ủy ban Nhân dân thành phố Phan Rang-Tháp Chàm tổ chức Lễ công bố Nghị quyết số 1198 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã giai đoạn 2023-2025 tỉnh Ninh Thuận. Theo đó, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm tổ chức nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của phường Mỹ Hương và phường Tấn Tài vào phường Kinh Dinh. Sau khi sắp xếp, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm có 13 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 12 phường và 1 xã.

Ngày 12/4/2025, Nghị quyết số 60-NQ/TW Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã quyết định hợp nhất tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa, lấy tên là tỉnh Khánh Hòa, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại tỉnh Khánh Hòa hiện nay.

 Một góc của trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. (Ảnh: TTXVN phát)

Một góc của trung tâm thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. (Ảnh: TTXVN phát)

Thủ phủ năng lượng Việt Nam

Từ vùng đất nắng và gió trở thành trung tâm năng lượng sạch

Trong những năm qua, Ninh Thuận đã chuyển những khó khăn, bất lợi, thách thức thành cơ hội và lợi thế để phát triển; khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên từ nắng, gió để phát triển công nghiệp năng lượng, năng lượng tái tạo sản xuất điện năng. Công nghiệp năng lượng ngày càng góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nguồn thu ngân sách ổn định, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 44 dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện được đầu tư hoàn thành, hòa lưới điện quốc gia, tạo ra sản lượng điện 3.500 triệu kWh, tăng 2.313 triệu kWh so với năm 2015, tăng bình quân giai đoạn 2016-2020 là 24,1%/năm.

Giai đoạn 2021-2025, mặc dù trong bối cảnh nhiều khó khăn, nhất là tác động của đại dịch COVID-19, suy giảm kinh tế thế giới và trong nước, ngành năng lượng vẫn tiếp tục khẳng định là động lực cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã thu hút đầu tư, đưa vào vận hành và hòa lưới 57 dự án điện gió, điện mặt trời, thủy điện, với tổng công suất 3.749,942MW; tỷ trọng ngành năng lượng năm 2024 chiếm 17,2% trong GRDP và đóng góp lớn cho tăng trưởng chung của tỉnh.

Hằng năm tổng sản lượng điện phát lên hệ thống điện quốc gia ước đạt 8,7 tỷ kWh, chiếm 6,69% trong tổng sản lượng điện phát của năng lượng tái tạo cả nước (130 tỷ kWh) góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; triển khai xây dựng hoàn thành và tổ chức thực hiện Đề án phát triển Ninh Thuận thành trung tâm năng lượng, năng lượng tái tạo của cả nước.

 Dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời tại xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Dự án điện gió, điện năng lượng mặt trời tại xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo quy hoạch điện đến 2030, tỉnh Ninh Thuận có tiềm năng phát triển điện gió hơn 1.400 MW, điện gió ven biển 4.30 MW, điện gió ngoài khơi 2.000 MW, điện gió mặt trời 11.200 MW

Tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận

Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt lần đầu vào năm 2009 với tổng công suất 4.000 MW, chia thành 2 nhà máy trên diện tích 1.642 ha. Tuy nhiên, đến năm 2016, Quốc hội ra nghị quyết tạm dừng dự án vì nhiều yếu tố khách quan.

 Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) nằm trong khu vực dự án dừng chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh (huyện Thuận Nam, Ninh Thuận) nằm trong khu vực dự án dừng chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 được đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu. (Ảnh: Nguyễn Thành/TTXVN)

Ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.

Tại phiên bế mạc chiều 30/11/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung đồng ý tiếp tục chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Trước đó, Luật Điện lực (sửa đổi) quy định một số chính sách phát triển điện hạt nhân cũng được Quốc hội thông qua, tạo cơ sở pháp lý cho việc hiện thực hóa chủ trương này.

Ngày 5/12, Tổng Bí thư Tô Lâm đã khảo sát địa điểm Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và yêu cầu chuẩn bị tốt các điều kiện để tái khởi động dự án điện hạt nhân. Trước đó một ngày, tại phiên họp chuyên đề pháp luật, Chính phủ cũng đã xem xét đề nghị xây dựng Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi).

Có thể nói, tái khởi động điện hạt nhân Ninh Thuận là minh chứng cho việc Việt Nam đã sẵn sàng cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lich-su-tinh-ninh-thuan-nhung-lan-sap-nhap-chia-tach-cua-thu-phu-nang-luong-post1023098.vnp