Lịch trở lại trường của học sinh lao đao vì dịch COVID-19
Đến nay, một số địa phương kiểm soát tốt dịch COVID-19 đã lên lịch cho học sinh trở lại trường đầu tháng 11. Trước đó, tình trạng học sinh ở một số địa bàn trở lại trường gặp F0 gây ra không ít lo ngại trong cộng đồng.
Đi học trực tiếp theo diễn tiến dịch bệnh
Ngày 20/10, hai trường đầu tiên của TP Hồ Chí Minh cho học sinh đi học trở lại. Được biết, trước đó, UBND huyện Cần Giờ đề xuất cho học sinh 2 trường Tiểu học Thạnh An và THCS - THPT Thạnh An đi học. Theo đó, giai đoạn đầu, 243 học sinh các khối lớp 1, 2, 6, 9, 12 đi học lại từ ngày 20/10. Sau đó, nhà trường sẽ rút kinh nghiệm và nếu thấy an toàn sẽ tiếp tục cho học sinh các khối lớp còn lại đến trường.
Các khối lớp THCS, THPT tại cơ sở thuộc địa bàn các huyện Vạn Ninh, Diên Khánh và thành phố Cam Ranh (Khánh Hòa) đi học trực tiếp từ ngày 18/10. Đối với các trường học khi đánh giá nguy cơ chưa an toàn, báo cáo UBND huyện, thị xã, thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) xem xét, cho phép học trực tuyến. Đối với các cơ sở giáo dục ở thành phố Nha Trang tiếp tục triển khai dạy học trực tuyến đến hết ngày 24/10. Các cơ sở giáo dục cấp mầm non, tiểu học, dự kiến dạy và học trực tiếp từ ngày 1/11.
Một số địa phương như: Đà Nẵng, Bạc Liêu, Đồng Nai..., học sinh đi học lại từ ngày 1/11. Tuy nhiên, các cấp học được chia lộ trình để đến trường và địa phương không tổ chức học đồng loạt.
Cụ thể, tại TP Đà Nẵng tổ chức cho học sinh phổ thông trên địa bàn xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang đi học từ ngày 18/10 và học sinh lớp 12 Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đi học từ ngày 25/10. Các cấp học khác trên địa bàn toàn thành phố về cơ bản đi học lại từ ngày 1/11.
Đến thời điểm này, để chuẩn bị cho học sinh trở lại trường, nhiều địa phương tích cực vệ sinh trường, lớp, bàn ghế… sẵn sàng cho học sinh trở lại học. Nếu tình hình dịch còn diễn biến phức tạp thì tỉnh sẽ tính toán lại.
Tại Hà Nội, do UBND Thành phố chưa phân cấp độ dịch nên Sở GD&ĐT Hà Nội vẫn chưa có phương án mới về ngày học sinh trở lại trường.
Đi học phải cách ly vì gặp F0
Trong những ngày qua, một số địa phương cho học sinh trở lại trường gặp phải F0 khiến không ít phụ huynh lo lắng.
Tại Quảng Ngãi, huyện Mộ Đức đã cho học sinh tạm dừng học trực tiếp, chuyển sang học trực tuyến vì gặp phải F0. Địa phương phải đưa đi cách ly tập trung 70 F1 là học sinh, giáo viên các trường cấp 1, cấp 2. Hiện tại, tỉnh chuyển toàn bộ trạng thái học trực tuyến và qua truyền hình.
Trước đó, Quảng Ngãi có 8 huyện dạy học trực tiếp trong trạng thái vừa dạy học, vừa phòng, chống dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn cho học sinh và giáo viên.
Cũng trong dịp này, thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) ghi nhận 86 ca mắc COVID-19, trong đó có 37 học sinh và giáo viên. Ngành giáo dục thị xã Bỉm Sơn đã cùng các đơn vị liên quan truy vết được 2.455 F1 là học sinh và 304 F1 là giáo viên.
Sở GD&ĐT Phú Thọ cũng vừa có thông báo cho học sinh nghỉ học đến cho đến khi có thông báo mới. Do Phú Thọ đã xác định có 2 ca bệnh là học sinh Tiểu học Chu Hóa và THCS Chu Hóa mắc COVID-19. Qua lấy mẫu xét nghiệm test nhanh cho kết quả có thêm 45 học sinh của Trường THCS Chu Hóa có kết quả nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2.
Trước tình hình này, Bộ GD&ĐT có hướng dẫn địa phương về việc học sinh đi học trực tiếp. Cụ thể, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở GD&ĐT rà soát tình hình đội ngũ giáo viên, nhân viên của các trường sau ảnh hưởng của dịch bệnh; bổ sung cơ sở vật chất theo yêu cầu an toàn trường học trong tình hình mới. Đồng thời, căn cứ phân loại đánh giá, xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn cấp phường/xã, cấp quận/huyện, cấp tỉnh/thành phố, để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh.
Việc phân địa bàn phải dựa theo nguyên tắc: Khu vực nào kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường học tập; chỉ đạo thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 theo quy định. Trong đó, đối với các địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1, 2 (nguy cơ thấp và trung bình) tổ chức dạy học trực tiếp; củng cố các điều kiện hạ tầng công nghệ thông tin, trang thiết bị, phương tiện để sẵn sàng chuyển sang các hình thức dạy học khác khi dịch bệnh diễn biến phức tạp.