Liên đoàn Luật sư hướng dẫn các Đoàn Luật sư thực hiện việc hợp nhất
Kể từ thời điểm UBND tỉnh, TP có quyết định thành lập Đoàn Luật sư mới, các Đoàn Luật sư trước khi được hợp nhất sẽ chấm dứt hoạt động.
Mới đây, Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã ban hành văn bản hướng dẫn các Đoàn Luật sư thực hiện hợp nhất, theo đề nghị của Bộ Tư pháp.

Các luật sư đang tư vấn pháp luật miễn phí cho người dân. Ảnh: YC.
Sau khi hợp nhất, chỉ định Ban Chủ nhiệm lâm thời
Theo đó, Đoàn Luật sư tại các tỉnh, TP thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh kể từ ngày 1-7-2025 sẽ triển khai công tác hợp nhất theo chỉ đạo của cơ quan có thẩm quyền và quyết định của UBND tỉnh, TP cho phép hợp nhất các Đoàn Luật sư để thành lập Đoàn Luật sư (mới) và chỉ định Ban Chủ nhiệm, Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật lâm thời.
Ban Chủ nhiệm các Đoàn Luật sư được hợp nhất có trách nhiệm phối hợp xây dựng đề án hợp nhất theo chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền để trình UBND tỉnh, TP quyết định thành lập Đoàn Luật sư (mới).
Đề án hợp nhất bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây: (1) Phương án nhân sự, trong đó dự kiến Ban Chủ nhiệm lâm thời của Đoàn Luật sư (mới), bao gồm Chủ nhiệm, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên; dự kiến Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật lâm thời của Đoàn Luật sư (mới); (2) Phương án giải quyết, quản lý trụ sở, tài sản, tài chính, lao động, quản lý thành viên của các Đoàn Luật sư được hợp nhất; (3) Dự kiến thời gian tổ chức Đại hội Đoàn Luật sư; (4) Các nội dung khác về tổ chức, hoạt động của Đoàn Luật sư (mới).
Việc xây dựng phương án nhân sự trong đề án hợp nhất cần đảm bảo tiêu chuẩn theo quy định, kế thừa về cơ cấu, thành phần Ban Chủ nhiệm, Hội đồng Khen thưởng, kỷ luật của các Đoàn Luật sư được hợp nhất.
Tổ chức đại hội trong thời hạn 60 ngày làm việc
Ban Chủ nhiệm lâm thời Đoàn Luật sư (mới) đã được UBND tỉnh, TP chỉ định cần xây dựng đề án tổ chức đại hội và phương án xây nhân sự của Đoàn Luật sư (mới) để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền, Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và UBND tỉnh, TP cho ý kiến và phê duyệt.
Từ đó, Đoàn Luật sư tiến hành tổ chức Đại hội Đoàn Luật sư theo quy định của Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam để bầu Ban Chủ nhiệm, Chủ nhiệm và Hội đồng Khen thưởng - kỷ luật của Đoàn Luật sư (mới) trong thời hạn 60 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định cho phép hợp nhất các Đoàn Luật sư hoặc trong khoảng thời gian ấn định theo yêu cầu của UBND tỉnh, TP.
Kể từ thời điểm UBND tỉnh, TP có quyết định thành lập Đoàn Luật sư mới, các Đoàn Luật sư trước khi được hợp nhất sẽ chấm dứt hoạt động, thực hiện việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho Đoàn Luật sư mới thành lập sau hợp nhất kế thừa.
Việc sử dụng con dấu, tài khoản, quản lý tài chính, tài sản và trụ sở của Đoàn Luật sư sau khi hợp nhất được thực hiện theo quy định của pháp luật, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và sự chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền.
Nhiệm kỳ đại hội của Đoàn Luật sư (mới) được tính từ ngày tổ chức Đại hội của Đoàn Luật sư (mới) khi hợp nhất (theo điểm c khoản 5 Điều 19 của Nghị định số 126/2024/NĐ-CP).
Trong thời gian chuyển tiếp chờ thực hiện hợp nhất và sau khi thành lập Đoàn Luật sư (mới) sau hợp nhất, các Đoàn Luật sư thực hiện chức năng nhiệm vụ theo quy định của Luật Luật sư, Điều lệ Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các văn bản pháp lý có liên quan; đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt, liên tục, không gián đoạn, không bỏ sót nhiệm vụ. Đồng thời, chú trọng việc phân công luật sư tham gia các vụ án chỉ định theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng, giải quyết các thủ tục trong quản lý luật sư, quản lý người tập sự hành nghề luật sư...
Quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát sinh những vấn đề mới hoặc có khó khăn, vướng mắc, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư cần có văn bản xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền ở địa phương và Ban Thường vụ Liên đoàn để có hướng dẫn, phối hợp giải quyết kịp thời.