Thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp

Ngày 17/7/2025, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký ban hành Quyết định số 1548/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp, trên cơ sở hợp nhất Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Tiền Giang và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp.

Theo quyết định này, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Đồng Tháp, có tư cách pháp nhân, con dấu mang hình Quốc huy và tài khoản riêng.

Cơ quan này được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước trực tiếp đối với các khu công nghiệp, khu kinh tế bao gồm cả khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Ban Quản lý sẽ tổ chức cung cấp các dịch vụ hành chính công, hỗ trợ hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định pháp luật.

Ngoài ra, Ban Quản lý còn có trách nhiệm rà soát, đề xuất các giải pháp liên quan đến quản lý hạ tầng, thu hút đầu tư và thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của cơ quan có thẩm quyền. Quyết định này cũng chính thức bãi bỏ Quyết định số 1165/QĐ-TTg ngày 7/8/2009 quyết định thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Đồng Tháp trước đây.

Tại Đồng Tháp, trước khi hợp nhất, địa phương có 4 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 400 ha, thu hút 66 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 12.097 tỷ đồng.

Trong số này, có 12 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký đạt 232 triệu USD, và 54 dự án trong nước. Đến nay, 57 dự án đã đi vào hoạt động, trong khi 9 dự án còn lại đang hoàn thiện thủ tục pháp lý và triển khai xây dựng cơ bản.

Các lĩnh vực đầu tư chủ lực gồm chế biến thủy sản, sản xuất thức ăn chăn nuôi, may mặc, chế biến thực phẩm, trích ly dầu thực vật và vật liệu xây dựng.

Về phía Tiền Giang, tỉnh đã được phê duyệt quy hoạch 11 khu công nghiệp với tổng diện tích hơn 3.358 ha, bao gồm: Mỹ Tho, Tân Hương, Long Giang, Bình Đông, Soài Rạp và các dự án Tân Phước 1, Tân Phước 2 đang trong quá trình hoàn tất thủ tục. Các khu công nghiệp này chủ yếu định hướng phát triển công nghiệp chế biến, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics.

Việc hợp nhất hai đơn vị quản lý các khu công nghiệp và khu kinh tế nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, thống nhất đầu mối quản lý, đồng thời nâng cao hiệu quả điều hành, hỗ trợ đầu tư và phát triển kinh tế tại khu vực.

Đây là bước đi quan trọng trong việc thúc đẩy thu hút vốn đầu tư, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu phát triển hạ tầng công nghiệp và liên kết vùng đang ngày càng gia tăng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đ.T

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/thanh-lap-ban-quan-ly-khu-kinh-te-tinh-dong-thap-320115.html