Liên hoan Chèo toàn quốc 2022: 'Giữ lửa' sân khấu thuần Việt

Từ ngày 12 đến ngày 28/10/2022, tại TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam diễn ra Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 với sự tham gia của 16 đơn vị nghệ thuật Chèo chuyên nghiệp từ trung ương tới địa phương. Đây là một trong các hoạt động nghệ thuật trọng tâm trong năm được Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch giao cho Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch Hà Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.

Nỗ lực “vượt khó”

Nhà văn hóa trung tâm tỉnh Hà Nam đang có những ngày sôi động với 27 vở diễn được lần lượt “trình làng”. Điều đáng mừng là, trong số 16 đơn vị nghệ thuật tham gia liên hoan lần này có nhiều nhà hát đem đến liên hoan 2 vở diễn đó là: Nhà hát Chèo Thái Bình với “Kỳ đồng Nguyễn Văn Cẩm” và “Thiên duyên huyền tích”; Nhà hát Chèo Ninh Bình với “Người hát gọi mặt trời” và “Truyện ngoài chính sử - Làm vua”; Nhà hát Chèo Hải Dương với “Thần tướng Yết Kiêu” và “Duyên nợ cùng chèo”; Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Nam Định với “Ông trạng kỳ tài” và “Trọn đời vì non nước”; Nhà hát Chèo Hưng Yên với “Ván cờ oan trái” và “Nguyễn Đình Nghị”; Nhà hát Chèo Bắc Giang với “Bến đợi” và “Hai giọt nước”; Nhà hát Nghệ thuật Vĩnh Phúc với “Tiết nghĩa thiên thu” và “Đèn trời”; Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Hà Nam với “Những vì sao không tắt” và “Khóc giữa trời xanh”; Nhà hát Chèo Quân đội với “Tình sử ngàn năm” và “Mật chỉ giữa hoàng cung”; Nhà hát chèo Hà Nội với “Linh từ quốc mẫu” và “Tình mẹ”; Nhà hát Chèo Việt Nam với “Hồng Hà nữ sĩ” và “Cánh diều lạc gió”.

Cảnh trong vở "Đất liền và biển cả" của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa (Ảnh: Mai Văn Lạng).

Cảnh trong vở "Đất liền và biển cả" của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Thanh Hóa (Ảnh: Mai Văn Lạng).

Các nhà hát có 1 vở diễn tham gia liên hoan như: Đoàn chèo Hải Phòng với vở “Vang bóng một thời”, Đoàn nghệ thuật Quảng Ninh với “Dấu thiêng Đông Hải”, Nhà hát Nghệ thuật Thanh Hóa với “Đất liền và biển cả”, Đoàn nghệ thuật tỉnh Phú Thọ với “Người kế vị ngai vàng”, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Thái Nguyên với “Lưu Xá một thời hoa lửa”.

Liên hoan Chèo toàn quốc là hoạt động nghệ thuật định kỳ, được tổ chức 3 năm một lần thu hút sự tham gia của đông đảo các nhà hát chèo và các nhà hát nghệ thuật truyền thống của các tỉnh có bộ môn chèo. Năm 2019, liên hoan được tổ chức tại Bắc Giang, cũng với 16 đơn vị tham gia và 26 vở diễn. Trong bối cảnh 2 năm liên tục sân khấu cả nước trong đó có sân khấu chèo rơi vào khó khăn, khủng hoảng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với những đợt giãn cách kéo dài, khó tập trung tập luyện và thưa vắng khán giả, thì việc Liên hoan Chèo toàn quốc được tổ chức với số đơn vị nghệ thuật tham gia và số lượng vở diễn không những không giảm mà thậm chí còn nhiều hơn 1 vở so với kỳ liên hoan trước, chính là một nỗ lực lớn của những nghệ sĩ gắn bó với sân khấu chèo. Chính vì thế, mặc dù sân khấu nói chung và sân khấu kịch hát nói riêng gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khán giả, song bộ môn nghệ thuật Chèo vẫn có một số lượng khán giả yêu thích, trung thành, bền bỉ và số lượng nghệ sĩ, nhạc công tham gia liên hoan đông đảo: khoảng 1.200 người.

Chia sẻ về Liên hoan, NSƯT Trần Ly Ly - Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết: “Con số 16 đoàn với 27 vở diễn tham gia liên hoan là một tín hiệu rất đáng mừng, khẳng định vẫn có những hoạt động chuyên nghiệp mạnh mẽ, thông qua đó chúng ta cũng đánh giá được nhân dân vẫn rất yêu chèo. Hiên nay trên toàn quốc, nhiều nơi tổ chức các Liên hoan nghệ thuật, nhưng riêng Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ có những liên hoan về ngành nghề chuyên nghiệp. Đặc biệt, Cục Nghệ thuật biểu diễn luôn quan tâm đến giá trị truyền thống.

Dưới góc nhìn quản lý Nhà nước, liên hoan không chỉ là “cuộc vui”, mà còn là những đánh giá về nghệ thuật, nhìn nhận các đoàn từ trung ương tới địa phương có bước phát triển gì, phát huy được giá trị truyền thống hay không, kế thừa và bảo tồn trong thời đại mới như thế nào?

Liên hoan chuyên nghiệp luôn có Hội đồng nghệ thuật để bình xét những tác phẩm có nội dung tư tưởng, vừa có tính tiếp biến với xã hội nhưng vẫn giữ gìn bản sắc dân tộc. Đó là điều vô cùng khó mà không phải nhà quản lý nào cũng hướng tới mục tiêu phối hợp như vậy. Đây cũng là dịp để chúng ta rà soát lại hướng đi của các đoàn nghệ thuật, tìm ra những năng lực mới, những tài năng mới.

Liên hoan lần này, chúng tôi mong muốn khán giả đến xem đông nhất có thể để nghệ thuật Chèo được tràn vào nhân dân những giá trị cốt lõi. Trong thời đại 4.0, các loại hình giải trí thời thượng lấn át, thì việc tổ chức liên hoan là một cách để “giữ lửa” những tinh túy văn hóa phi vật thể và điều đó đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, lưu giữ, truyền dạy lại các di sản văn hóa đó tới thế hệ kế cận”.

“Giữ lửa” cho sân khấu chèo trong đời sống đương đại

Phát biểu tại lễ khai mạc Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình cáp Việt Nam và Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã khẳng định: "Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 là đợt sinh hoạt nghệ thuật lớn, là dịp để các nghệ sĩ, diễn viên thể hiện tình yêu, sự gắn bó sắt son "nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê" với nghề, là sân khấu để các nghệ sĩ phô diễn tài năng, sức sáng tạo, khát khao cống hiến". Đồng thời, Bộ trưởng cũng nhấn mạnh: “Liên hoan là sự kiện quan trọng để các cơ quan quản lý nhà nước ghi nhận, vinh danh các tài năng nghệ thuật, từ đó có những đánh giá, nhìn nhận chính xác hơn, cụ thể hơn về thực trạng lực lượng nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật sân khấu truyền thống hiện nay…”.

Cảnh trong vở "Cánh diều lạc gió" của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Cảnh trong vở "Cánh diều lạc gió" của Nhà hát Chèo Việt Nam.

Điều này đã cho thấy, chủ trương của Đảng và Nhà nước, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch cũng như các cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa như Cục Nghệ thuật Biểu diễn đều dành sự quan tâm, những “ưu ái” nhất định dành cho bộ môn nghệ thuật chèo.

Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy rằng đang có nhiều nghịch lý xảy ra đối với bộ môn nghệ thuật chèo khi luôn tồn tại câu hỏi: “Làm sao để nghệ thuật chèo truyền thống đi vào cuộc sống đương đại mà không phá vỡ những nền tảng, giá trị thuần Việt mà chèo vốn có hàng trăm năm qua?”.

Có nhiều ý kiến cho rằng, để nghệ thuật chèo đi vào đời sống hiện đại, tiếp cận được với giới trẻ thì chèo phải kể được những câu chuyện đương đại, tức là về cuộc sống hôm nay. Đây là một quan điểm hoàn toàn đúng trong xu thế hiện nay. Tuy nhiên, với đặc trưng của mình là kịch hát, nghệ thuật chèo phù hợp với lối kể chuyện tự sự, phù hợp với những kịch bản về đề tài lịch sử, dã sử hơn.

Trong những năm qua, để tiệm cận với tiêu chí này, một số nhà hát chèo đã dàn dựng những vở diễn về đề tài đương đại. Tuy nhiên, bên cạnh số ít những vở diễn về đề tài đương đại có được thành công, nhiều vở diễn rơi vào tình trạng “ăn độn”, nôm na là giống như kịch nói được “cài cắm” vào đó những làn điệu chèo. Và như thế, tiêu chí “cải biên” hay “cách tân”, “thử nghiệm” chèo đều không đạt được sự thành công như mong đợi mà thậm chí còn ngược lại.

Trong một chia sẻ mới đây về vấn đề này, soạn giả Mai Văn Lạng cho rằng nguyên nhân của hiện tượng này là do những kịch bản về đề tài đương đại ngay từ ban đầu nó đã không đúng là môt kịch bản chèo, mà là những kịch bản kịch nói được chuyển thể. “Có tích mới dịch nên trò”, “có bột mới gột nên hồ”, chính vì yếu tố tiên quyết là kịch bản đã có những điều bất ổn, nên dù vở diễn ấy có được đầu tư công phu, tốn kém cũng rất khó đi vào lòng người. Bởi vì nghệ thuật chèo có những sắc thái riêng, cần có sự chỉn chu, lớp lang nhuần nhụy chứ không thể là món “ăn độn” được. Việc làm thế nào để có được một kịch bản sân khấu chèo đúng nghĩa về đề tài đương đại đang là nút thắt cần gỡ bỏ nhất hiện nay.

Đầu tháng 4/2022, Hội thảo khoa học “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo trong xã hội đương đại” đã được Nhà hát Chèo Việt Nam tổ chức thu hút sự quan tâm của nhiều nhà quản lý các đơn vị nghệ thuật chèo, nghệ sĩ, các nhà nghiên cứu… Có nhiều ý kiến, giải pháp đã được đưa ra bàn thảo, thậm chí là những tranh luận gay gắt và đầy những lo toan, trăn trở. Liên hoan Chèo toàn quốc 2022 này chắc hẳn sẽ là một đợt tổng kết, kiểm nghiệm lại những điều các nhà biên kịch, nhà nghiên cứu và các nghệ sĩ tâm huyết với sự sống còn của nghệ thuật chèo tiếp tục đem tài năng, trí tuệ, nhiệt huyết của mình để “chấn hưng”, “giữ lửa” và hiến kế cho sân khấu chèo truyền thống - loại hình nghệ thuật thuần Việt quý báu của nước nhà.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/lien-hoan-cheo-toan-quoc-2022-giu-lua-san-khau-thuan-viet-i671455/