Liên hoan phải vui!

Là một phụ huynh, nỗi bức xúc của người mẹ ở Hải Dương là có thể lý giải. Nhưng cách xử lý vấn đề khiến cho người thiệt thòi, chịu tổn thương nhiều nhất cuối cùng chính là con mình thì khó nhận được sự đồng tình của người khác.

Thời điểm cuối năm học các lớp thường tổ chức liên hoan chia tay. Tùy kinh phí tổ chức mỗi lớp dự định là bao nhiêu mà thực đơn mặn hay ngọt, gồm những món gì được quyết định bởi chính các phụ huynh.

Nhiều lớp chọn gà rán, khoai tây chiên để liên hoan. Ảnh: Vũ Nguyệt.

Nhiều lớp chọn gà rán, khoai tây chiên để liên hoan. Ảnh: Vũ Nguyệt.

Câu chuyện bé lớp 1 phải ngồi nhìn các bạn ăn liên hoan vì mẹ không đóng quỹ xảy ra ở Hải Dương đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Ở đây, không chỉ là chuyện một suất ăn cho một đứa trẻ trong tập thể lớp bị “lãng quên” mà phía sau đó là nhiều suy nghĩ về ứng xử giữa giáo viên và phụ huynh, giáo viên và học sinh cũng như việc thu chi quỹ lớp, quỹ hội phụ huynh vốn luôn có nhiều tranh cãi dường như không bao giờ chấm dứt.

Trẻ con hồn nhiên nên giữa một tập thể, trong khi các bạn khác được phát suất ăn có đùi gà, xúc xích, khoai tây chiên mà mình thì không có, tất nhiên em đó sẽ buồn dù có nói ra hay không. Em không thể lý giải tại sao mình lại không có suất riêng, liệu em có làm gì sai? Bởi cô giáo, phụ huynh tham gia buổi hôm đó chắc chắn cũng không nói với em lý do. Thương cho con trẻ bao nhiêu lại trách người lớn bấy nhiêu!

Sự việc sau đó đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức xác minh thông tin và đề nghị địa phương nơi xảy ra sự việc báo cáo. Cách xử lý thiếu linh hoạt, khéo léo của cả giáo viên và phụ huynh trong câu chuyện này đã được chỉ ra. Nói như TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, dù rằng đây là một “sơ suất không đáng có” nhưng cũng đồng thời là một hồi chuông cảnh báo về ứng xử trong môi trường học đường. Trẻ em không thể bị phân biệt đối xử bởi những hành vi của người lớn, cụ thể ở đây là phụ huynh học sinh.

Mặc dù buổi liên hoan đã được thống nhất bởi phần lớn các bậc phụ huynh trong lớp nhưng chỉ một thành viên không có ý kiến, ban phụ huynh đã không chủ động trao đổi lại với phụ huynh đó để đảm bảo quyền lợi cho đứa trẻ. Giáo viên có thể trước đó không biết nhưng khi có mặt tại buổi liên hoan, chứng kiến sự việc, cô giáo hẳn sẽ nhận ra một học trò của mình đang được đối xử khác biệt với những em khác. Công bằng trong đối xử với mọi học sinh không phải là khẩu hiệu mà được thể hiện ngay trong từng tình huống ứng xử mỗi ngày tại lớp học.

Về phía phụ huynh, khi trẻ về thắc mắc tại sao con không có suất ăn, đáng lẽ việc đầu tiên là phải trao đổi với giáo viên và ban phụ huynh mà không phải là đăng bài trên mạng xã hội.

Là một phụ huynh, nỗi bức xúc của người mẹ là có thể lý giải nhưng cách xử lý vấn đề khiến cho người thiệt thòi, chịu tổn thương nhiều nhất cuối cùng chính là con mình thì khó nhận được sự đồng tình của người khác.

Đó là chưa kể, nhìn rộng hơn trong một tập thể, mỗi một hành động quyết định của mình còn ảnh hưởng đến những thành viên khác. Việc phụ huynh này không có ý kiến khi lớp trao đổi về việc liên hoan cuối năm vốn sử dụng quỹ phụ huynh để tổ chức mà trước đó gia đình đã không đồng ý đóng cũng khiến ban phụ huynh khó xử.

Nhà trường cũng giống như một xã hội thu nhỏ. Không thể tránh được những vụ việc gây tranh cãi xảy ra, nhất là khi liên quan đến việc thu chi quỹ lớp, quỹ trường vốn chưa bao giờ là câu chuyện được tất cả mọi phụ huynh cùng đồng thuận mà không có ý kiến này, ý kiến kia.

Một phụ huynh có con đang học lớp 5 tại Thanh Trì, Hà Nội kể lại câu chuyện nhiều suy ngẫm ở lớp con mình. Vì là năm cuối cấp, ban phụ huynh đề xuất in áo đồng phục cho các con vừa để mặc trong năm thay đồng phục trường, vừa để các con lưu giữ kỷ niệm. Có một phụ huynh trong tổng số 52 phụ huynh trong lớp phản đối, nói rằng con nhà mình có rất nhiều quần áo đồng phục rồi và không muốn có thêm chiếc áo này, lãng phí.

Thậm chí, phụ huynh này còn nói cô giáo chủ nhiệm lớp và ban phụ huynh cố tình bày vẽ thêm khiến những phụ huynh khác rất bức xúc. Tuy nhiên, vì nghĩ cho đứa trẻ sẽ buồn khi tất cả bạn bè đều háo hức mặc áo đồng phục mà trẻ không có, một phụ huynh khác đề xuất sẽ tặng bé chiếc áo. Nhưng người bố kia lại từ chối, nói không cần. Đến ngày chụp ảnh kỷ yếu, ban phụ huynh vẫn đem theo chiếc áo đặt in thêm để cô bé mặc vào, không một mình lạc lõng trong bức ảnh cuối cùng của năm cấp 1, dù rằng em cũng không dám cầm áo về nhà…

Lâm An

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lien-hoan-phai-vui-10281025.html