Liên hoan phát thanh 2024: Tác phẩm có nhiều góc tiếp cận mới, chuyển đổi số
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm tại vòng Sơ khảo Liên hoan Phát thanh lần thứ XVI năm nay, hội đồng giám khảo cho rằng, chất lượng các tác phẩm tương đối đồng đều, cách chọn đề tài rất trúng, đúng, mang tính thời sự, ứng dụng chuyển đổi số để đem tác phẩm đến gần hơn với công chúng.
Liên hoan Phát thanh lần thứ XVI – 2024 với chủ đề “Phát thanh Việt Nam – đa dạng trong chuyển đổi số” thu hút 81 đơn vị dự thi, gồm 63 Đài Phát thanh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, thành phố; 16 đơn vị của Đài Tiếng nói Việt Nam và 2 đơn vị Ban Phát thanh Công an nhân dân - Cục Truyền thông CAND và Ban Phát thanh Quân đội - Trung tâm Phát thanh - Truyền hình Quân đội, với 380 tác phẩm của 10 thể loại: Phóng sự, chương trình chuyên đề, phỏng vấn, chương trình phát thanh tiếng Dân tộc, câu chuyện truyền thanh, chương trình Phát thanh trực tiếp, ứng dụng nền tảng số, podcast, kỹ thuật dàn dựng xuất sắc và giọng vàng.
Đề tài đúng, trúng, mang tính thời sự
Đánh giá về các tác phẩm ở vòng Sơ khảo năm nay, nhà báo Tuyết Mai, Trưởng ban Văn hóa – Xã hội VOV2 cho biết, ở Tiểu ban Chuyên đề, trong số 65 tác phẩm của VOV và của các Đài Phát thanh – Truyền hình địa phương tham dự đều rất ấn tượng bởi cách chọn đề tài rất trúng, đúng, mang tính thời sự. Ở nhiều đề tài tưởng chừng quen thuộc nhưng vẫn có những cách tiếp cận rất mới, góc độ riêng tùy theo từng địa phương.
“Đối với các tác phẩm thời lượng lớn đòi hỏi những người thực hiện phải có ý tứ, kết cấu chương trình rất chặt chẽ để thính giả có thể nắm bắt được từ đầu đến phút cuối của chương trình.
Để tổ chức một chương trình dài hơi cũng đòi hỏi các tác giả có sự đầu tư nghiêm túc. Qua quá trình chấm giải có thể thấy rõ từ kỹ năng đến kiến thức của người làm nghề thể hiện qua mỗi tác phẩm.
Năm nay, BGK cũng thấy được sự quan tâm, tập trung đầu tư nhiều hơn cho các sản phẩm phát thanh của các Đài Phát thanh và Truyền hình địa phương, cập nhật kỹ thuật phát thanh hiện đại trong từng tác phẩm”, nhà báo Tuyết Mai cho biết.
Chủ đề của Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm nay là “Phát thanh Việt Nam – đa dạng trong chuyển đổi số”, giám khảo Tuyết Mai cho rằng, tác phẩm của các Đài khu vực phía Nam hay Đà Nẵng, Quảng Ninh tiếp cận khá nhanh chuyển đổi số trong phát thanh.
Song bên cạnh đó, cũng cần thẳng thắn thừa nhận rằng việc thể hiện tính chuyển đổi số chưa thực sự rõ nét ở thể loại chuyên đề này. Một số tác phẩm mới chỉ tập trung vào nội dung, chủ đề, mà chưa thực sự chú trọng đến cách thức triển khai tác phẩm phát thanh trên các nền tảng số. Việc chuyển đổi số ở một số đài địa phương mới chỉ ở mức độ ban đầu, chưa thực sự được đầu tư, phát triển mạnh mẽ để trở thành sản phẩm phát thanh trên nền tảng số.
Các tác phẩm chất lượng tương đối đồng đều
Còn theo nhà báo Trần Nhật Minh, Trưởng ban Văn học – Nghệ thuật VOV6, Trưởng Tiểu ban giám khảo Câu chuyện truyền thanh, thể loại câu chuyện truyền thanh là một trong những thể loại rất đặc thù của phát thanh.
“Đây là thể loại không thể thiếu ở mỗi kỳ liên hoan phát thanh, không chỉ ở Đài Trung ương, các đài địa phương đều sản xuất các chương trình Câu chuyện truyền thanh, thậm chí có những đơn vị nâng thành vở kịch truyền thanh, chất lượng rất tốt. Ở vòng sơ khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc năm nay, các tác phẩm tham gia hạng mục này có chất lượng tương đối đồng đều.
Về mặt đề tài, các Đài đều chọn ra những chủ đề, nội dung thiết thực với đời sống của người dân địa phương, phản ánh những vấn đề nóng, những vấn đề xã hội, văn hóa, lịch sử được mọi người quan tâm. Nhiều chủ đề gây bức xúc dư luận thời gian qua như chống tham nhũng, đấu tranh với các tệ nạn xã hội, tiêu cực cũng được phản ánh chân thực, sinh động. Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng chọn ra được những đề tài phù hợp với câu chuyện ở địa phương như biến đổi khí hậu ở các tác phẩm của khu vực miền Tây Nam Bộ, miền Nam, hay vấn đề chất lượng cán bộ trong cơ quan nhà nước… Vấn đề có thể lớn có thể nhỏ, nhưng điều quan trọng nhất là gần gũi, thiết thực, chạm đúng những gì người dân đang quan tâm”, nhà báo Trần Nhật Minh nói.
Nói về những điểm mới trong các tác phẩm ở hạng mục Câu chuyện truyền thanh năm nay, theo nhà báo Trần Nhật Minh, một số Đài Phát thanh – Truyền hình đã nâng cao khả năng dàn dựng, diễn xuất, tạo nên một kết cấu câu chuyện rành mạch, có cấu tứ và tính nghệ thuật cao, qua đó truyền tải thông điệp, nội dung tới đông đảo công chúng một cách hiệu quả.
Song bên cạnh đó cũng không tránh khỏi những hạn chế, một số tác phẩm vẫn có cách viết cũ, cách thể hiện, đồ họa chưa hấp dẫn; nội dung phản ánh chính sách, chủ trương của địa phương đậm tính hàn lâm, thông tấn, chưa mang tính nghệ thuật. Về mặt diễn xuất ở một số tác phẩm cũng còn hạn chế, sử dụng âm nhạc còn nhiều chỗ cần điều chỉnh.
Kỹ thuật trong phát thanh được thể hiện rất điêu luyện, tinh tế
Còn theo nhà báo Tạ Đức Toàn, Trưởng ban Dân tộc VOV4, năm nay các chương trình phát thanh tiếng dân tộc của các đài địa phương có nhiều khởi sắc. Nhiều chương trình phát thanh tiếng dân tộc của các đài địa phương rất xuất sắc. Về chủ đề năm nay cũng rất phong phú, phản ánh tình hình phát triển kinh tế xã hội, văn hóa, đặc biệt các chương trình gắn với chủ đề chuyển đổi số một cách nhuần nhuyễn.
“Nhiều chương trình được trình bày rất công phu, đầu tư nhiều công sức, thậm chí phóng viên phải vào Nam, ra Bắc để lấy được những tiếng động của nhân chứng. Đây là những tác phẩm được chúng tôi đánh giá rất cao.
Về kỹ thuật, các chương trình, các tác phẩm cũng đầu tư rất công phu, rất bài bản. từ kỹ thuật nền, tiếng động, âm lượng,… kỹ thuật trong phát thanh được thể hiện rất điêu luyện, tinh tế. Tôi cho rằng chất lượng của cuộc chơi này ngày càng bình đẳng giữa các đài địa phương và trung ương, giữa các bộ ngành với nhau. Trình độ của các đơn vị không ngừng được nâng lên. Tôi hy vọng rằng vòng chung kết còn rất nhiều kịch tính vì sẽ khó đoán định được tác phẩm nào về nhất vì có quá nhiều tác phẩm hay, xuất sắc”, nhà báo Tạ Đức Toàn cho biết.
Bên cạnh những đổi mới về hình thức thể hiện, kỹ thuật làm phát thanh, Trưởng ban VOV4 cũng đánh giá cao các tác phẩm đi sâu phản ánh những vấn đề cốt lõi của đồng bào dân tộc thiểu số cả nước như bảo tồn, phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa từ tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán…
Phó Tổng Giám đốc Đài TNVN Trần Minh Hùng, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo nhấn mạnh:
"Qua đánh giá sơ bộ các tác phẩm dự thi của 81 đơn vị lần này về chủ đề khá tốt, đề tài phong phú, đa dạng, dàn dựng công phu và có nhiều đổi mới cách làm mới mẻ".
Tại vòng Sơ khảo Liên hoan Phát thanh toàn quốc lần thứ XVI, Hội đồng giám khảo sẽ chấm và chọn ra những tác phẩm phát thanh xuất sắc nhất tham dự Vòng Chung khảo Liên hoan phát thanh lần thứ 16 dự kiến diễn ra tại tỉnh Thanh Hóa từ ngày 9-14/7 tới.