Liên Hợp Quốc: 2 tỷ người đang sống ở các khu vực xung đột

Người đứng đầu Liên Hiệp Quốc cho biết hiện tại hơn 1/4 nhân loại - tương đương 2 tỷ người - đang sống trong các khu vực xung đột và thế giới đang phải đối mặt với số lượng các cuộc xung đột vũ trang cao nhất kể từ sau Thế chiến II .

Tổng thư ký Antonio Guterres trích dẫn các cuộc xung đột từ Yemen, Syria, Myanmar và Sudan đến Haiti, Sahel của châu Phi, “và bây giờ là cuộc chiến ở Ukraine - một thảm họa làm rung chuyển các nền tảng của trật tự quốc tế, tràn qua biên giới và khiến giá lương thực, nhiên liệu và phân bón tăng vọt, gây ra thảm họa cho các nước đang phát triển".

Các cuộc xung đột vũ trang đang ngày càng nhiều hơn trên thế giới. Ảnh: AP

Ông nói với Ủy ban Xây dựng Hòa bình Liên hợp quốc hôm thứ Tư rằng năm ngoái 84 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa vì xung đột, bạo lực và vi phạm nhân quyền. Điều đó không bao gồm cuộc chiến Ukraine đã khiến 4 triệu người phải rời bỏ đất nước và 6,5 triệu người khác phải di dời trong nước, theo các cơ quan của Liên Hợp Quốc.

Guterres cho biết Liên Hợp Quốc ước tính rằng năm nay “ít nhất 274 triệu người sẽ cần hỗ trợ nhân đạo”. Con số này tăng 17% so với năm 2021 và sẽ tiêu tốn 41 tỷ USD cho 183 triệu người được viện trợ, theo văn phòng nhân đạo của Liên Hợp Quốc.

Ông cũng trích dẫn con số 2 tỷ người sống ở các nước xung đột trong một báo cáo gửi ủy ban vào cuối tháng Một, trong đó cho biết có con số kỷ lục về 56 cuộc xung đột cấp nhà nước vào năm 2020. Nó không bao gồm cuộc chiến tại Ukraine, bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 và đã ảnh hưởng đến gần như tất cả 40 triệu người dân trong nước.

Ông cũng chỉ ra sự gia tăng của các cuộc đảo chính quân sự và chiếm đoạt quyền lực bằng vũ lực trên khắp thế giới, kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng, nhân quyền và luật pháp quốc tế bị tấn công, tội phạm và mạng lưới khủng bố “tiếp sức - thu lợi - chia rẽ và xung đột”.

Theo báo cáo của ông, thế giới đang chứng kiến sự quốc tế hóa ngày càng tăng của các cuộc xung đột trong các quốc gia. Điều này cùng với “sự phân mảnh và nhân rộng” của các mạng lưới tội phạm và khủng bố, “khiến việc tìm kiếm các giải pháp trở nên khó khăn”.

Do đó, người đứng đầu Liên Hợp Quốc nói, "đang có ít giải pháp chính trị cho các cuộc xung đột", với Colombia là một ngoại lệ đáng chú ý. Ông nói thêm: “Trong thập kỷ qua, thế giới đã chi 349 tỷ USD cho hoạt động gìn giữ hòa bình, cứu trợ nhân đạo và hỗ trợ người tị nạn. Trong khi đó, chi tiêu quân sự toàn cầu đã tăng lên gần 2 nghìn tỷ USD vào năm 2020”.

Ông Guterres nói thêm: “So với cái giá phải trả của chiến tranh, thì việc xây dựng hòa bình là một món hời, là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển và tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”.

Hoàng Hải (theo AP)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-hop-quoc-2-ty-nguoi-dang-song-o-cac-khu-vuc-xung-dot-post187968.html