Liên Hợp Quốc: 3 triệu người dân Myanmar cần viện trợ giữa xung đột gia tăng
Phó Tổng thư ký LHQ Martin Griffiths cảnh báo về tình hình nhân đạo ở Myanmar, khi hơn ba triệu người cần viện trợ do xung đột gia tăng và nền kinh tế suy thoái.
Theo hãng tin Reuters, Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Martin Griffiths ngày 8-11 cảnh báo về tình hình nhân đạo ở Myanmar, khi hơn ba triệu người cần viện trợ do xung đột gia tăng và nền kinh tế suy thoái.
Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc hôm 8-11 cũng đã họp kín để thảo luận về tình hình tại Myanmar.
Reuters dẫn lời ông Stephane Dujarric – người phát ngôn của Liên Hợp Quốc – hôm 8-11 cho biết: "Liên Hợp Quốc nhắc lại lời kêu gọi chính quyền quân sự (Myanmar) tôn trọng ý nguyện của người dân và đưa đất nước trở lại con đường chuyển đổi dân chủ".
Trao đổi với báo giới, ông James Kariuki - phó đại sứ của Anh tại Liên Hợp Quốc – cho biết Anh đề xuất cuộc họp hội đồng vì "chúng tôi đặc biệt lo ngại về việc gia tăng các hành động quân sự ở phía tây bắc Myanmar”.
“Chúng tôi lo ngại rằng điều này phản ánh hoạt động mà chúng tôi đã thấy bốn năm trước ở Rakhine đối với người tị nạn Rohingya" – ông Kariuki nói thêm.
Theo Reuters, ông Griffiths cho biết tình hình ở khu vực tây bắc Myanmar đang trở nên "cực kỳ đáng lo ngại", trong bối cảnh giao tranh leo thang giữa quân đội Myanmar và Lực lượng Phòng vệ Chinland ở bang Chin, cũng như với “lực lượng phòng vệ nhân dân” ở các khu vực Magway và Sagaing.
“Hơn 37.000 người, gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã phải di tản và hơn 160 ngôi nhà bị đốt cháy, trong đó có nhà thờ và văn phòng của một tổ chức nhân đạo” – ông Griffiths cho hay.
Theo ông Griffiths, các cuộc tấn công vào dân thường và cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm nhân viên và cơ sở nhân đạo, bị cấm theo luật nhân đạo quốc tế và "phải dừng lại ngay lập tức".
Trước đó, các phương tiện truyền thông địa phương cuối tháng trước đưa tin quân đội Myanmar đã nã pháo vào thị trấn Thantlang tại bang Chin.
Một đám cháy sau đó đã bùng lên tại Thantlang, phá hủy hàng chục ngôi nhà và công trình kiến trúc - gồm cả văn phòng Save the Children, tổ chức từ thiện (có trụ sở tại London) này xác nhận.
Liên Hợp Quốc hồi cuối tháng 10 cũng đã bày tỏ lo ngại về nguy cơ xảy ra một thảm họa bạo lực rộng lớn hơn trong bối cảnh có báo cáo về việc hàng nghìn binh sĩ quân đội hiện tập trung ở khu vực phía bắc và phía tây Myanmar.
Hồi tháng 5, chính quyền quân sự đã sử dụng pháo binh để đối phó các nhóm vũ trang phản đối chính quyền tại thị trấn Mindat ở phía nam bang Chin.
Myanmar rơi vào tình trạng bất ổn kể từ cuộc chính biến ngày 1-2, với hơn 1.200 người phản đối chính biến đã thiệt mạng, theo số liệu từ một tổ chức theo dõi tình hình Myanmar. Tuy nhiên, phía chính quyền quân sự không xác nhận con số này.
Một loạt lãnh đạo dân sự Myanmar, trong đó có Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi, đã bị bắt giữ và đối mặt các cáo buộc tham nhũng.