Liên Hợp Quốc: Âu lo tuổi 75

LHQ được đánh giá là đón tuổi 75 trong bối cảnh tổ chức quốc tế đa phương lớn nhất thế giới này phải đối mặt với những thách thức chưa từng có. Một thế giới ngày càng xung đột, chia rẽ, những mưu đồ cạnh tranh ngày càng rõ rệt giữa các nước lớn, chủ nghĩa đơn phương… đang đe dọa vị thế và vai trò của LHQ...

Từ “kỳ họp sinh nhật” đặc biệt chưa từng có tiền lệ

Tuần lễ Cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) bao gồm Phiên Thảo luận chung Cấp cao Khóa 75 Đại hội đồng LHQ và các sự kiện cấp cao bên lề (từ 21/9 - 2/10/2020) diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt: LHQ tròn 75 năm tuổi. Càng đặc biệt hơn nữa khi lần đầu tiên trong vòng 75 năm kể từ ngày ra đời, LHQ lần đầu tiên có phiên họp Đại hội đồng LHQ trực tuyến bởi lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19.

Khoảng 180 nguyên thủ các nước đã lần lượt có phát biểu trực tuyến tại hội nghị và mỗi nước thành viên LHQ chỉ được phép cử một đại diện ngoại giao từ phái đoàn thường trực của mình tham dự trực tiếp tại phòng họp Đại Hội đồng LHQ, khác hẳn với thông lệ hằng năm kỳ họp Đại Hội đồng thường đón khoảng hơn 2.000 khách ngoại giao cấp cao và đại diện từ nhiều lĩnh vực tới sự kiện thường niên này. Thay vì hiện diện trực tiếp, năm nay, các nhà lãnh đạo gửi bài phát biểu ghi hình của họ để phát ở phòng họp của Đại hội đồng LHQ.

Không ngạc nhiên khi Covid-19 là nội dung bao trùm trong phiên thảo luận. Chủ đề của phiên thảo luận chung năm nay theo đó cũng là “Tương lai chúng ta muốn, LHQ chúng ta cần: tái khẳng định cam kết tập thể về chủ nghĩa đa phương - đối phó Covid-19 thông qua hành động đa phương hiệu quả”. Căng thẳng Mỹ - Trung Quốc cũng là chủ đề được đề cập nhiều trong phiên thảo luận chung.

Đến bộn bề những thách thức bủa vây

Không có quốc gia nào có quyền kiểm soát các vấn đề toàn cầu, kiểm soát vận mệnh của nước khác hay giữ các lợi thế trong phát triển cho riêng mình… Không một ai nên được phép làm bất cứ điều gì họ thích và trở thành bá chủ, kẻ bắt nạt hoặc ông chủ của thế giới. Chủ nghĩa đơn phương là một ngõ cụt” - tuyên bố của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong sự kiện kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ ngày 21/9 mà giới quan sát dễ dàng đoán được là nhắm vào Mỹ - cũng chính là một trong những thách thức nóng bỏng hiện nay của LHQ.

Trung Quốc bấy lâu không thể không cảm thấy “nóng mắt” khi bản thân họ lâu nay tự cho mình là dẫn đầu trong việc thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, trong khi đó, chính quyền của Tổng thống Trump lại “chẳng coi ai ra gì”, xem nhẹ hợp tác quốc tế khi liên tiếp thẳng thừng tuyên bố rút khỏi các thỏa thuận toàn cầu về khí hậu, hạt nhân Iran, rời khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

Cũng từ xung đột tưởng chừng riêng tư giữa Mỹ và Trung Quốc này, từ câu chuyện đa phương hay đơn phương, nhiều nước đã lên tiếng kêu gọi LHQ đã đến lúc cần cải cách mạnh mẽ, trong đó, một trong những “việc cần làm ngay” nhất, theo quan điểm của Thủ tướng Đức Angela Merkel là tăng cường đoàn kết hơn giữa các thành viên. “Cuối cùng, Liên Hợp Quốc chỉ có thể tốt khi các thành viên của nó đoàn kết”, bà Angela Merkel nhấn mạnh. Làm được điều này, theo quan điểm của nhiều nhà lãnh đạo thế giới, LHQ mới có thể giúp giải quyết hàng loạt vấn đề nóng bỏng hiện nay, từ đại dịch Covid-19, biến đổi khí hậu cho đến bất bình đẳng kinh tế và căng thẳng gia tăng giữa một số nước. Đơn cử như chỉ khi có sự hợp tác, đoàn kết quốc tế thì lời kêu gọi của LHQ về một quỹ trị giá 10,3 tỷ USD nhằm giúp các nước nghèo ứng phó dịch Covid-19 mới có thể được hồi đáp mạnh mẽ. Thực tế cho đến nay, sau rất nhiều kêu gọi từ LHQ, quỹ này chỉ mới nhận được cam kết đóng góp 25% số tiền cần thiết, nếu vậy mọi nỗ lực bảo đảm vắc-xin Covid-19, nếu có, đến được mọi người trên thế giới, sẽ đổ xuống sông xuống biển.

Không có tổ chức toàn cầu nào có tính hợp pháp và ảnh hưởng cũng như mang lại hy vọng cho mọi người về một thế giới tốt đẹp hơn như LHQ” - nhận định ấy của Chủ tịch Đại hội đồng LHQ khóa 75 Voncan Bozkir tại lễ kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ hoàn toàn có cơ sở và thực tế lịch sử hơn 7 thập kỷ qua cũng chứng minh, LHQ ngày càng chứng tỏ là một tổ chức không thể thiếu trong nền chính trị thế giới. 87% người được hỏi vẫn “tin rằng hợp tác toàn cầu là tối quan trọng để đối phó với thách thức ngày nay”, và 74% tin rằng LHQ có vai trò thiết yếu trong việc đối phó các thách thức.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận, LHQ vẫn còn những khiếm khuyết và để giữ vững vị thế, LHQ không còn con đường nào khác là phải cải tổ mạnh mẽ. Và sự cải tổ mạnh mẽ ấy, phải bắt đầu ngay từ câu chuyện đoàn kết.

Chúng ta đang đứng trước thời khắc 1945 của chính chúng ta. Chúng ta phải làm chủ được thời khắc đó. Chúng ta phải đoàn kết như chưa từng có để vượt qua sự nguy cấp hiện nay, để thế giới hoạt động và thịnh vượng trở lại. LHQ chỉ mạnh khi các nước thành viên cam kết mạnh mẽ với nhau và với các lý tưởng của LHQ” - nhận định ấy của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres nhận được sự đồng tình của nhiều quốc gia thành viên của ngôi nhà chung lớn nhất hành tinh này.

Hà Trang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-hop-quoc-au-lo-tuoi-75-post98270.html