Liên hợp quốc cảnh báo cam kết của Thủ tướng Israel về việc sáp nhập Bờ Tây
Trước việc Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu công khai ý định sáp nhập Thung lũng Jordan tại vùng lãnh thổ tranh chấp Bờ Tây nếu ông tái đắc cử trong cuộc bầu cử sắp tới, ngày 11/9, Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo bước đi này không những không có 'hiệu lực pháp lý quốc tế' mà còn đe dọa tới tiến trình hòa bình Trung Đông.
Phát biểu trước báo giới, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ), ông Stephane Dujarric khẳng định: "Quan điểm của TTK luôn rõ ràng: các hành động đơn phương không giúp ích cho tiến trình hòa bình (Trung Đông)".
Ông nhấn mạnh bất cứ quyết định nào của Israel nhằm áp đặt luật pháp hay sự quản lý tại khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng sẽ không có hiệu lực pháp lý quốc tế, thay vào đó sẽ hủy hoại triển vọng khôi phục các cuộc đàm phán, nền hòa bình trong khu vực và giải pháp hai nhà nước.
Trước đó cùng ngày, Thủ tướng Israel Netanyahu tuyên bố sẽ là một bước đi lịch sử nếu Israel áp đặt chủ quyền đối với vùng lãnh thổ tranh chấp tại Bờ Tây, đồng thời nói thêm rằng các khu định cư Do Thái sẽ là mục tiêu tiếp theo nếu đảng Likud của ông giành thắng lợi sau cuộc bầu cử vào ngày 17/9 tới.
Thủ tướng Netanyahu gọi bước đi này là "cơ hội lịch sử" để mở rộng chủ quyền của Israel đối với Bờ Tây. Tuyên bố gây tranh cãi này của nhà lãnh đạo Israel đã vấp phải sự chỉ trích của Palestine, Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cảnh báo rằng tất cả các thỏa thuận hòa bình sẽ chấm dứt nếu Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu sáp nhập Thung lũng Jordan.
Nhà lãnh đạo Palestine khẳng định "Chúng tôi có quyền bảo vệ các quyền lợi của mình và đạt được các mục tiêu của mình bằng mọi cách, bất kể kết quả là gì, vì các quyết định của Netanyahu trái với luật và tính hợp pháp của quốc tế".
Cùng ngày, Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL) Aboul-Gheit đã cảnh báo Israel đang "đùa với lửa" khi tiến hành các vụ tấn công gần đây nhằm vào lãnh thổ của một số nước Arab. Phát biểu trong cuộc họp Ngoại trưởng AL tại Cairo (Ai Cập), ông Aboul-Gheit nhấn mạnh những hành động này của Israel không mang lại lợi ích an ninh hay sự ổn định cho bất cứ bên nào.
Tối 24/8 vừa qua, quân đội Israel đã tấn công một căn cứ của Iran tại Syria, giết chết hai thành viên lực lượng Hezbollah tại Liban. Một ngày sau đó, Hezbollah tuyên bố vùng ngoại ô phía Nam của thủ đô Beirut ở Liban đã bị hai máy bay không người lái tấn công, trong đó một chiếc đã rơi xuống và một chiếc phát nổ, gây thiệt hại cho tòa nhà gần trung tâm thông tin của Hezbollah.
Nhóm này cáo buộc Israel tiến hành các vụ tấn công trên. Hezbollah đã đáp trả bằng cách tiến hành một vụ tấn công phá hủy một phương tiện quân sự Israel ở miền Bắc Israel, trong khi Israel nã pháo nhằm vào các mục tiêu của Hezbollah ở miền Nam Liban để trả đũa.
Máy bay không người lái của Israel thường xuyên xâm phạm không phận Liban nhưng rất hiếm khi quân đội Liban nổ súng bắn các máy bay này. Chính quyền Beirut đã nhiều lần phản đối lên LHQ về các vụ vi phạm không phận của Israel.