Liên hợp quốc kêu gọi dồn lực hỗ trợ các nước đang phát triển

QĐND - Đại dịch Covid-19 đã và đang để lại hậu quả nặng nề về nhiều mặt trên quy mô toàn cầu, song các quốc gia đang phát triển, các nước nghèo và có thu nhập trung bình được đánh giá là bị ảnh hưởng nhiều hơn cả. Trước tình hình đó, Liên hợp quốc (LHQ) đang nỗ lực thúc đẩy các biện pháp nhằm giúp các quốc gia này vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.

Hãng tin AP cho hay, phát biểu với các nhà lãnh đạo của Canada và Jamaica sau một hội nghị cấp cao nhằm huy động các nguồn lực để giải quyết cuộc khủng hoảng do Covid-19 vào ngày 29-9, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã lên tiếng kêu gọi tiếp tục giảm nợ cho các nước có thu nhập trung bình và nước nghèo nhằm giúp các nước này ứng phó với tác động của đại dịch.

Người dân Ghana xếp hàng nhận đồ cứu trợ trong giai đoạn một số thành phố bị phong tỏa để hạn chế đại dịch lây lan. Ảnh: Reuters

Người dân Ghana xếp hàng nhận đồ cứu trợ trong giai đoạn một số thành phố bị phong tỏa để hạn chế đại dịch lây lan. Ảnh: Reuters

Theo ông Antonio Guterres, đến nay, Mỹ, Canada, châu Âu và hầu hết các quốc gia phát triển đã thông qua các gói cứu trợ lớn nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng do Covid-19 cũng như những ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu này. Tuy nhiên, người đứng đầu LHQ nhấn mạnh: “Vấn đề là phải huy động các nguồn lực để các nước đang phát triển làm được điều tương tự”.

Đáng chú ý, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ hy vọng, Sáng kiến Ngừng nghĩa vụ trả nợ (DSSI) của nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) sẽ được gia hạn và mở rộng về quy mô tới tất cả các nước đang phát triển và có thu nhập trung bình. Đây là sáng kiến tạm ngừng nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi cho 77 quốc gia có thu nhập thấp nhằm mục tiêu chính là giúp các nước nghèo nhất tập trung nguồn lực để đối phó với đại dịch và phát triển kinh tế-xã hội.

Trong bối cảnh thế giới đã ghi nhận hơn 33 triệu ca nhiễm và hơn 1 triệu ca tử vong vì virus SARS-CoV-2, Tổng thư ký LHQ cho rằng, điều quan trọng trước mắt là phải ứng phó, ngăn chặn loại virus nguy hiểm này rồi sau đó mới có thể bắt đầu giai đoạn phục hồi và củng cố các hệ thống cho tương lai. Ông nói: "Chúng ta sẽ không thể thấy một sự phục hồi trên toàn cầu cho đến khi chúng ta ngăn chặn được virus".

Song song với lời kêu gọi của người đứng đầu tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh, Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây cũng công bố gói cứu trợ trị giá lên tới 12 tỷ USD nhằm giúp các nước nghèo mua và phân phát vaccine ngừa Covid-19. Trong thông báo đưa ra ngày 29-9 vừa qua, một phát ngôn viên của WB nêu rõ: "Một loại vaccine ngừa Covid-19 hiệu quả và an toàn là con đường hứa hẹn nhất để thế giới mở cửa trở lại một cách an toàn. Nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi hoàn toàn cho đến khi mọi người cảm thấy họ có thể tự tin sống, hòa nhập xã hội, làm việc và du lịch".

AFP cho biết thêm, đến nay, WB đã triển khai các chương trình ứng phó khẩn cấp ở 111 quốc gia và chỉ trong các tháng 4 và 6 vừa qua, WB đã đã giải ngân một số tiền tài trợ kỷ lục lên tới 45 tỷ USD khi nền kinh tế toàn cầu chịu tác động nặng nề của đại dịch. Và nếu được phê duyệt, khoản tiền 12 tỷ nói trên sẽ hướng tới các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình với thời gian giải ngân trong vòng 12 đến 18 tháng. “Chúng tôi muốn các nước nghèo nhất có thể được tiếp cận với vaccine, và tại các nước này, chúng tôi muốn những người dễ bị tổn thương nhất và các nhân viên y tế sẽ được tiêm chủng đầu tiên", Chủ tịch WB David Malpass khẳng định.

ANH VŨ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=79&modid=465&itemid=151988