Liên Hợp Quốc kêu gọi tiếp tục giảm nợ cho các nước đang phát triển do COVID-19

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres phát biểu tại cuộc họp báo ở New York, Mỹ ngày 29/9/2020. Nguồn: THX/TTXVN

* WB nỗ lực hỗ trợ giúp các nước nghèo tiếp cận vắcxin ngừa COVID-19

Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 29/9 kêu gọi tiếp tục giảm nợ cho các nước có thu nhập trung bình và nước nghèo nhằm giúp các nước này ứng phó với các tác động của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Phát biểu tại một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Thủ tướng Jamaica Andrew Holness sau "Hội nghị cấp cao về Tài chính cho Phát triển trong kỷ nguyên COVID-19 và sau đó", Tổng Thư ký Guterres bày tỏ hy vọng Sáng kiến Ngừng nghĩa vụ trả nợ (DSSI) của nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), vốn dành cho các quốc gia nghèo nhất, sẽ được gia hạn và mở rộng về quy mô tới tất cả các nước đang phát triển và có thu nhập trung bình, vốn đang rất cần được hỗ trợ.

Tổng thư ký cũng nhấn mạnh rằng: "Một giải pháp mang tính toàn diện sẽ phải bao gồm cam kết của khối tư nhân, các cơ quan xếp hạng tín nhiệm".

DSSI là sáng kiến tạm ngừng nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi cho 77 quốc gia có thu nhập thấp với khoảng 12 tỉ USD đến tháng 12/2020 nhằm mục tiêu chính là giúp các nước nghèo nhất tập trung nguồn lực để đối phó đại dịch và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Tổng Thư ký, các chính phủ cần có nguồn lực để đầu tư vào việc tạo việc làm và duy trì việc làm, cũng như khôi phục hoạt động giáo dục và kinh doanh trở lại bình thường và sắp xếp ngân sách cho các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) và Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, vì một tương lai hùng mạnh hơn, xanh hơn và tốt đẹp hơn.

Ông cảnh báo: "Chúng ta không thể đạt SDGs nếu không đạt các mục tiêu này ở châu Phi. Chúng ta cần đặc biệt chú ý đến nhu cầu tài chính cho phát triển ở châu Phi".

Bên cạnh đó, Tổng Thư ký cho rằng cộng đồng quốc tế cũng cần tăng nguồn lực cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Ông Guterres cho biết: "Đây chính là một kiểu khủng hoảng mà IMF ra đời để giải quyết - nhằm đưa các nền kinh tế đang loạng choạng có thể đứng vững trở lại trên đôi chân của mình".

Tổng Thư ký nhấn mạnh: "Chúng ta sẽ không thể thấy một sự phục hồi trên toàn cầu cho đến khi chúng ta ngăn chặn được virus".

Nhân dịp này, Tổng thư ký kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau hành động để cung cấp 35 tỉ USD cho cơ chế ACT-A, một nhóm điều phối toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đứng đầu nhằm phát triển vaccine, các hình thức điều trị cũng như chẩn đoán COVID-19.

Hiện toàn thế giới đã ghi nhận hơn 33 triệu ca nhiễm, và số ca tử vong đã vượt 1 triệu người. Tuy nhiên, Tổng Thư ký nhấn mạnh rằng: "Đến nay, chúng ta vẫn chưa đủ đoàn kết để đưa ra những hỗ trợ khẩn cấp và lớn cho các nước và các cộng đồng cần được hỗ trợ".

Tổng Thư ký cho biết COVID-19 là một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, nhưng các vấn đề của dịch đã tồn tại từ trước đó. Bở qua những dấu hiệu cảnh báo này sẽ là tự sát. Ông nhấn mạnh: "Chúng ta phải ngăn chặn virus, ứng phó, phục hồi và củng cố các hệ thống của chúng ta cho tương lai".

* Ban giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) đang xem xét gói trợ giúp 12 tỉ USD hỗ trợ các nước nghèo mua và phân phát vắcxin ngừa COVID-19.

Trong thông báo ngày 29/9, người phát ngôn WB cho biết thể chế tài chính đa phương này đã thực hiện nhiều chương trình ứng phó khẩn cấp tại 111 quốc gia.Nếu được thông qua, số tiền trên sẽ dành cho các nước có thu nhập trung bình và thấp với thời gian giải ngân trong vòng 12-18 tháng.

Theo ông này, một loại vắcxin an toàn và hiệu quả ngừa COVID-19 là cách triển vọng nhất để thế giới có thể mở cửa trở lại một cách an toàn. Nền kinh tế toàn cầu sẽ không thể phục hồi đầy đủ cho đến khi mọi người đều cảm thấy có thể sống, hòa nhập xã hội, làm việc và đi lại một cách tự tin.

Mặc dù phần lớn các loại vắcxin ngừa COVID-19 tiềm năng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm, nhưng Chủ tịch WB David Malpass cho rằng "tiến trình phân phối vắcxin khá phức tạp". Ông cho biết: "Chúng tôi muốn rằng các nước nghèo nhất có thể được tiếp cận vắcxin, và tại các nước này, chúng tôi muốn những người dễ bị tổn thương nhất và các nhân viên y tế sẽ được tiêm ngừa đầu tiên".

Theo ông Malpass, WB đã tiến hành nhiều chương trình tiêm chủng như chương trình phòng bệnh bại liệt và sởi, cũng như có nhiều kinh nghiệm trong việc xử lý các cuộc khủng hoảng dịch bệnh như dịch Ebola. Trong quý 2 vừa qua, WB đã giải ngân một số tiền tài trợ kỷ lục 45 tỉ USD khi nền kinh tế toàn cầu chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19.

L.H (tổng hợp từ Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/246168/lien-hop-quoc-keu-goi-tiep-tuc-giam-no-cho-cac-nuoc-dang-phat-trien-do-covid-19.html