Liên hợp quốc lo ngại đảo chính ở Myanmar

Liên hợp quốc và các chính phủ phương Tây đã lên tiếng cảnh báo vào thứ Sáu (29/1) về các mối đe dọa của quân đội Myanmar đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc đảo chính sau khi quân đội nước này cho rằng đã có gian lận trong bầu cử.

Thượng tướng quân đội Myanmar Min Aung Hlaing. Ảnh: Reuters

Bài liên quan

Bầu cử Myanmar lu mờ vì đại dịch diễn biến phức tạp

Campuchia, Lào, Myanmar, Việt Nam tăng cường hợp tác ứng phó, khôi phục sau đại dịch COVID-19

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho biết ông đang theo dõi những diễn biến "đáng lo ngại" ở Myanmar, nơi quân đội đã tuyên bố sẽ hành động nếu các khiếu nại về cuộc bầu cử không được giải quyết.

Một phát ngôn viên của quân đội hôm thứ Ba (26/1) đã từ chối loại trừ khả năng quân đội lên nắm chính quyền.

Úc, Anh, Canada, Liên minh Châu Âu và Mỹ cùng 12 quốc gia khác, trong một tuyên bố riêng đã kêu gọi quân đội nước này “tuân thủ các quy tắc dân chủ”.

Họ cho biết họ phản đối "bất kỳ nỗ lực nào nhằm thay đổi kết quả của cuộc bầu cử hoặc cản trở quá trình chuyển đổi dân chủ của Myanmar".

Các cuộc đàm phán giữa chính phủ dân sự và quân đội đã không thể xoa dịu căng thẳng trước khi quốc hội khai mạc vào thứ Hai (25/1), một phát ngôn viên của đảng cầm quyền cho biết. Những người biểu tình ủng hộ quân đội đã tập trung tại hai thành phố ở Myanmar.

Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử ngày 8/11, cuộc bầu cử thứ hai được giới quan sát quốc tế cho là tự do và công bằng kể từ khi kết thúc chế độ quân sự trực tiếp vào năm 2011.

Nhưng các cáo buộc của quân đội về việc gian lận rộng rãi đã dẫn đến cuộc đối đầu trực tiếp nhất từ trước đến nay giữa chính phủ dân sự và quân đội. Phía Ủy ban bầu cử đã phủ nhận các cáo buộc trên.

Quân đội chiếm 25% số ghế trong quốc hội Myanmar và đã yêu cầu giải quyết các khiếu nại bầu cử trước thứ Hai (1/2).

Tổng tư lệnh, Thượng tướng Min Aung Hlaing, nói với các quân nhân hôm thứ Tư rằng hiến pháp nên được bãi bỏ nếu không được tuân thủ, trích dẫn các trường hợp trước đây khi các điều lệ đã bị bãi bỏ ở Myanmar.

Một nhà ngoại giao phương Tây ở Yangon cho biết, hiện rất khó xác minh thông tin khi có rất ít sự trao đổi giữa các bên, nhưng cho biết một cuộc đảo chính sẽ là một “sự kiện bi thảm”.

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-hop-quoc-lo-ngai-dao-chinh-o-myanmar-post116573.html