Liên hợp quốc quan ngại về dự luật di cư bất hợp pháp của Anh

Các quan chức Liên hợp quốc lo ngại dự luật của Anh sẽ đặt ra tiền lệ về việc chối bỏ những trách nhiệm liên quan đến người tị nạn mà các quốc gia khác, kể cả những nước ở châu Âu, có thể làm theo.

Người di cư tới bờ biển tại Dungeness, Anh, sau khi được giải cứu khi vượt eo biển Manche, ngày 15/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Người di cư tới bờ biển tại Dungeness, Anh, sau khi được giải cứu khi vượt eo biển Manche, ngày 15/3/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 18/7, Liên hợp quốc cho rằng Dự luật về Di cư bất hợp pháp của Anh nhằm ngăn chặn hàng nghìn người di cư trái phép đến nước này là đi ngược lại luật pháp quốc tế và có nguy cơ đặt ra tiền lệ đáng lo ngại.

Theo Liên hợp quốc, dự luật có thể tác động sâu rộng ở cấp độ toàn cầu đối với hệ thống bảo vệ người tị nạn quốc tế.

Trước đó, ngày 10/7, Chính phủ của Thủ tướng Anh Rishi Sunak đã công bố nội dung điều chỉnh kế hoạch người di cư gây nhiều tranh cãi và đây được xem là nhượng bộ của chính phủ nước này nhằm thúc đẩy văn kiện này được thông qua tại quốc hội.

Một trong những nội dung của dự thảo luật sửa đổi là số ngày giam giữ trẻ em đi cùng người di cư và người di cư là thai phụ.

Cụ thể, trẻ đi cùng người di cư sẽ bị giam giữ 8 ngày, thay vì 28 ngày; thai phụ có thể bị giam giữ từ 3-7 ngày.

Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền Volker Turk và Cao ủy Liên hợp quốc về Người tị nạn (UNHCR) Filippo Grandi cho rằng dự luật "không phù hợp với những nghĩa vụ của đất nước theo luật tị nạn và nhân quyền quốc tế, đồng thời sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với những người cần được quốc tế bảo vệ."

Ông Grandi thể hiện quan ngại rằng dự luật sẽ "làm xói mòn đáng kể khuôn khổ pháp lý vốn đã bảo vệ rất nhiều người, đồng thời khiến những người tị nạn đối mặt với những rủi ro nghiêm trọng do vi phạm luật pháp quốc tế."

Trong khi đó, ông Turk cho rằng dự luật này sẽ đặt ra tiền lệ đáng lo ngại về việc chối bỏ những trách nhiệm liên quan đến người tị nạn mà các quốc gia khác, kể cả những nước ở châu Âu, có thể làm theo - điều có thể gây ra những bất lợi tiềm tàng đối với hệ thống bảo vệ người tị nạn quốc tế.

Trong năm ngoái, hơn 45.000 người di cư đã đến Anh từ lục địa châu Âu trên những chiếc thuyền nhỏ.

Dự luật mới nhằm ngăn chặn hoạt động như vậy của người di cư, trong đó có cả biện pháp đưa tất cả những người di cư trái phép đến quốc gia thứ ba như Rwanda. Nhưng đến nay chưa có người di cư nào được đưa đến quốc gia Đông Phi này.

Ông Turk và ông Grandi đều cho rằng dự luật của Anh không đảm bảo rằng những người xin tị nạn có thể được bảo vệ ở Rwanda. Trẻ em không có người đi cùng cũng nằm trong phạm vi của dự luật.

Hai quan chức này cho rằng nếu không có các thỏa thuận di dời người di cư khả thi, hàng nghìn người có thể sẽ ở lại Anh vô thời hạn trong bối cảnh pháp lý bấp bênh.

Ông Turk kêu gọi Chính phủ Anh đảm bảo quyền của tất cả người di cư, người tị nạn cũng như những người xin tị nạn.

Dự luật trên đã được Quốc hội Anh thông qua và đang chờ được Vua Charles III ký thành luật.

Theo dự luật này, những người di cư trái phép đến Anh bằng thuyền sẽ bị từ chối quyền xin tị nạn.

Hồi tháng 4/2022, Anh đã đạt được thỏa thuận với Rwanda, theo đó những người nhập cư bất hợp pháp và những người xin tị nạn tại Anh sẽ được gửi đến quốc gia Đông Phi này. Đã có cuộc chiến pháp lý kéo dài về kế hoạch trên khi một số chính trị gia đối lập chỉ trích thỏa thuận đó là "vô nhân đạo và tàn nhẫn"./.

Trần Quyên (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/lien-hop-quoc-quan-ngai-ve-du-luat-di-cu-bat-hop-phap-cua-anh/875894.vnp