Liên hợp quốc thông qua lộ trình hai năm xây dựng quy định khai khoáng biển sâu
Các nước thành viên Cơ quan đáy biển quốc tế (ISA) thông qua lộ trình hai năm nhằm đưa ra bộ quy tắc chung về khai khoáng ở biển sâu. Điều này đã gây thất vọng cho Nauru, đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương với hơn 8.000 dân đang muốn sớm cấp phép cho các hãng khai khoáng.
Chỉ vào giờ cuối của cuộc thảo luận kéo dài hai tuần qua, ISA mới đạt được thỏa thuận trên tại thủ đô Kingston của Jamaica. Hội đồng hoạch định chính sách gồm 36 thành viên của ISA nói rằng cơ quan này sẽ tiếp tục hoàn thiện các quy định chi tiết, tiến tới thông qua bộ quy tắc này tại phiên họp thứ 30 của ISA vào năm 2025. Chủ tịch Hội đồng ISA Juan Jose Gonzalez Mijares nhấn mạnh: “Đây là mục tiêu đề ra, không phải hạn chót”.
Đàm phán 10 năm nhưng bất thành…
Thành lập theo Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, ISA là một cơ quan liên chính phủ hiện có 168 nước thành viên, cộng thêm Liên hiệp châu Âu (EU). Cơ quan này có trụ sở ở Kingston, chịu trách nhiệm bảo vệ đáy biển cũng như quản lý hoạt động khai thác khoáng sản dưới biển sâu.
ISA và các quốc gia thành viên đã đàm phán trong suốt 10 năm qua về một bộ quy tắc chung có thể áp dụng đối với hoạt động khai thác nickel, cobalt và đồng ở các khu vực đáy biển sâu không thuộc quyền tài phán của quốc gia nào. Đây là các loại kim loại chính yếu trong sản xuất pin xe điện và quá trình chuyển đổi sang năng lượng sạch.
Kể từ năm 2017, ISA đã dần dần phát triển một bộ luật khai thác phức tạp liên quan đến việc thiết lập các tiêu chuẩn môi trường, công thức chia sẻ tiền bản quyền khai thác và hình thành các quy trình kiểm tra và tuân thủ nhằm giám sát các hoạt động khai thác công nghiệp cách đất liền hàng ngàn dặm và 2,5 dặm dưới bề mặt nước biển. Tuy vậy, cho đến nay các nước chưa đạt được thỏa thuận nào về vấn đề này.
Các xung đột tại ISA gia tăng đáng kể từ năm 2021 khi Nauru, một đảo quốc ở Nam Thái Bình Dương với 8.000 dân, viện dẫn tới “quy tắc hai năm”, một điều khoản quan trọng trong điều lệ của ISA. Nauru yêu cầu ISA hoàn thành bộ quy tắc trước ngày 9-7-2023 hoặc cấp phép cho các đơn đăng ký khai thác theo bất kỳ quy định nào hiện hành vào thời điểm hiện tại.
ISA đã lỡ hạn chót do Naura đề ra. Hiện ISA có nghĩa vụ xem xét yêu cầu của các chính phủ về cấp phép thăm dò và khai khoáng ở biển sâu, song không nhất thiết phải cấp phép. Hiện ISA đã cấp 31 giấy phép thăm dò khoáng sản ở đáy biển trong vùng biển quốc tế, nhưng chưa công ty nào được cấp phép khai thác.
Đại sứ Nauru tại ISA Margo Deiye bày tỏ sự thất vọng về thỏa thuận đạt được tối 21-7 với “ngôn ngữ mơ hồ và không đặt ra thời hạn chắc chắn để ban hành các quy định khai thác”. Ông cũng tuyên bố rằng chính phủ nước này dự định sẽ sớm cấp phép cho một đơn vị khai mỏ. Nauru là nhà tài trợ cấp nhà nước của ISA cho The Metals Company (TMC), một liên doanh đã đăng ký tại Canada trước đây có tên là DeepGreen. Đảo quốc này đã cam đoan với các nhà đầu tư rằng dự kiến có thể bắt đầu khai thác vào năm 2024.
Câu hỏi nhận được sự quan tâm nhiều nhất hiện nay là ISA phải hành động và phản ứng như thế nào đối với bất cứ đơn xin phép khai thác nào giữa lúc Hội đồng ISA vẫn còn đang chia rẽ. Trong tuần tới, Hội đồng ISA và các nước thành viên sẽ lần đầu tiên thảo luận về việc tạm dừng hoạt động khai thác theo đề xuất của một nhóm 20 nước thành viên trong đó có Pháp, Chile và Brazil.
Nhóm nước này đã công khai ủng hộ tạm dừng hoặc ngừng khai khoáng biển sâu. Ông Pradeep Singh, nhà nghiên cứu đứng đầu một nhóm chuyên gia về khai khoáng biển sâu, cho biết: “Ngày càng có nhiều quốc gia chấp nhận quan điểm rằng thực sự không cần vội vàng và đưa ra một bộ quy định chỉ để công ty khai thác tư nhân có thể tiếp tục hoạt động”.
Lằn ranh giữa “mỏ vàng” và thảm họa môi trường
Doanh nghiệp và chính phủ nhiều nước xem đại dương là nguồn tài nguyên chiến lược tối cần thiết, bởi nguồn dự trữ trên đất liền cạn kiệt nhưng nhu cầu tiếp tục tăng. Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) dự đoán rằng để đạt được mức phát thải khí nhà kính toàn cầu bằng không, nhu cầu khoáng sản cho công nghệ năng lượng sạch sẽ tăng gấp bốn lần.
Nhiều công ty lớn nhỏ khác trên thế giới đang phát triển các kỹ thuật và công nghệ được sử dụng để khai khoáng biển sâu. Một số công ty tìm cách hút vật liệu từ đáy biển bằng máy bơm công suất lớn. Những doanh nghiệp khác lại phát triển công nghệ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) có thể đào tạo cho robot cách lấy các tảng đá chứa đa kim loại ở đáy biển. Một số tìm cách sử dụng máy móc tiên tiến có thể khai thác vật liệu bên ngoài những ngọn núi và núi lửa khổng lồ dưới nước.
TMC, công ty đang chờ cấp phép tại Nauru, đang dẫn đầu trong các hoạt động thăm dò khoáng sản dưới đáy biển sâu. CEO Gerard Barron nói với Reuters rằng “đại dương của chúng ta chứa đầy khoáng sản”. Ông cũng nhấn mạnh rằng việc khai thác dưới đáy đại dương ít gây hại cho thiên nhiên hơn so với ở những nơi trên mặt đất như rừng nhiệt đới Indonesia.
Chính phủ Na Uy vào tháng 6 đã công bố đề xuất khai khoáng biển sâu ở vùng biển quốc gia trong khi Pháp đã cấm hoạt động này trong vùng biển của nước này từ tháng 1-2023.
Các nhà vận động bảo tồn đại dương tỏ ra lo lắng rằng hoạt động khai khoáng biển sâu có thể được “bật đèn xanh” nếu ISA ra bộ quy tắc mới. Các nhóm vận động lo ngại hoạt động này sẽ phá hủy môi trường sống và đe dọa các loài sinh vật biển chưa được biết đến nhưng có vai trò quan trọng đối với các hệ sinh thái. Hoạt động này cũng bị cho là có thể làm gián đoạn khả năng hấp thụ khí thải CO2 của đại dương và gây tiếng ồn làm nhiễu liên lạc của các loài sinh vật biển như cá voi.
Cơn sốt khoáng sản toàn cầu bắt đầu trỗi lên khi các nước tìm cách đảm bảo nguồn cung đa dạng bởi e ngại sự thống trị của Trung Quốc đối với một số kim loại chính có tầm quan trọng trong ngành công nghiệp chip, xe điện và năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, luật sư môi trường Duncan Currie nói rằng việc khai khoáng biển sâu sẽ “không chắc chắn thay thế các mỏ hiện có trên đất liền”.
Theo Bloomberg, Reuters, AP