Liên hợp quốc tìm giải pháp cho vấn đề nhân đạo tại Ethiopia
Ngày 29/7, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) về các vấn đề nhân đạo và Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp Martin Griffiths bắt đầu một sứ mệnh kéo dài 6 ngày tới Ethiopia nhằm giải quyết các vấn đề nhân đạo nan giải tại quốc gia Đông Phi này.
Theo phóng viên TTXVN tại châu Phi, nhà ngoại giao người Anh dự kiến sẽ gặp gỡ các quan chức cấp cao của Chính phủ Ethiopia, đại diện của cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực nhân đạo và các nhà tài trợ.
Trong một tuyên bố của Văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (UNOCHA), ông Griffiths, người vừa được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo tại UNOCHA hồi tháng 5/2021, cho biết chuyến đi này hết sức quan trọng đối với ông vì đây là sứ mệnh chính thức đầu tiên với tư cách là "Trưởng đoàn nhân đạo của LHQ" tới Ethiopia.
Theo ông Griffiths, nhu cầu nhân đạo ở quốc gia Đông Phi này đã trở nên nhức nhối trong năm nay do các cuộc xung đột vũ trang ở hai khu vực Tigray và Benishangul-Gumuz, bạo lực liên xã ở các khu vực Afar, Somali và Southern cũng như vấn đề hạn hán đang hoành hành ở các khu vực Somali, Oromia và Afar. Những vấn đề này đứng trước những thách thức hiện có liên quan đến lũ lụt, nạn châu chấu sa mạc, mất an ninh lương thực mãn tính và đại dịch COVID-19. Hàng triệu người dễ bị tổn thương đang phải vật lộn và cần được giúp đỡ. UNOCHA ước tính có khoảng 5,2 triệu người cần hỗ trợ nhân đạo ở khu vực Tigray.
Vào cuối tháng 6/2021, Chính phủ liên bang Ethiopia đã tuyên bố đơn phương ngừng bắn ở bang Tigray, vùng cực Bắc chịu ảnh hưởng lớn bởi các cuộc xung đột. Chính phủ Ethiopia quy trách nhiệm cho Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) đã cản trở các nỗ lực nhân đạo trong khu vực. Việc Chính phủ Ethiopia đã tuyên bố đơn phương ngừng bắn được cho là nhằm tạo điều kiện hỗ trợ nhân đạo, sinh kế hòa bình trong khu vực cũng như đẩy mạnh các hoạt động nông nghiệp trong bối cảnh mùa mưa đang đến gần. Tuy nhiên, TPLF đã bác bỏ lệnh ngừng bắn đơn phương này.