Liên Hợp quốc tính tới khả năng truy xuất nguồn gốc khoáng sản

Nhằm quyết liệt hạn chế nhiên liệu hóa thạch, Liên Hợp quốc đang tính tới khả năng truy xuất nguồn gốc khoáng sản để biến quá trình chuyển đổi năng lượng sang công lý và bình đẳng.

Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại phiên họp

Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres phát biểu tại phiên họp

“Chúng tôi sẽ đưa ra khuôn khổ truy xuất nguồn gốc, minh bạch và trách nhiệm giải trình toàn cầu cho toàn bộ chuỗi giá trị khoáng sản quan trọng”- Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Antonio Guterres phát biểu trong phiên họp cấp cao về cảnh báo sớm tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 29) tại Baku, Azerbaijan.

Việc đó sẽ thúc đẩy sản xuất có trách nhiệm, bảo vệ quyền con người và môi trường vì “khi nhu cầu về khoáng sản tăng cao, hành động cũng phải quyết liệt hơn”. Nhiều công nghệ năng lượng sạch đang phát triển nhanh chóng hiện nay, từ tua bin gió và tấm pin mặt trời đến xe điện và pin lưu trữ, phụ thuộc vào các khoáng sản chuyển đổi năng lượng quan trọng như đồng, lithium, niken, coban và các nguyên tố đất hiếm.

Tại COP 28 năm ngoái ở Dubai, lần đầu tiên số tiền đầu tư vào lưới điện và năng lượng tái tạo toàn cầu vượt quá số chi cho nhiên liệu hóa thạch. Các chính phủ cũng cam kết tăng gấp ba công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030 và loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, đó chỉ là cam kết, trên thực tế diễn ra một cuộc đua giành giật tài nguyên mà ở đó môi trường bị tàn phá, công nhân bị bóc lột sức lao động, quyền con người cơ bản bị chà đạp; các nước đang phát triển bị đẩy xuống tận cùng của chuỗi giá trị trong khi nhiều nước khác trở nên giàu có nhờ khai thác tài nguyên. “Đó là cuộc chạy đua của lòng tham đã đè bẹp người nghèo”- Tổng Thư ký Liên Hợp quốc nhấn mạnh.

Để thực hiện kế hoạch truy xuất khoáng sản, Liên Hợp quốc sẽ làm việc với các quốc gia thành viên và các bên liên quan để thành lập Nhóm cố vấn chuyên gia cấp cao nhằm thúc đẩy hành động về các vấn đề kinh tế quan trọng, bao gồm chia sẻ lợi ích, gia tăng giá trị và thương mại công bằng. Ông cho rằng tiến trình này cần sự tham gia của người dân, ngành công nghiệp, công đoàn, thanh niên và tổ chức xã hội cùng với chính phủ để trong tương lai, các nước đang phát triển sẽ nắm quyền chỉ đạo.

Bày tỏ quan điểm về việc đánh thuế những khoáng sản quan trọng, ông Glen McCrimmon, Giám đốc Mạng lưới Đổi mới Tài nguyên sạch (CRIN) có trụ sở tại Canada cho rằng, cần những cơ chế ràng buộc toàn cầu đủ mạnh để biến kế hoạch thành hành động. “Chúng ta không thể chỉ bàn mãi với hết cam kết này với cam kết khác mà không bắt tay vào thực hiện khi khủng hoảng khí hậu diễn ra khắp nơi với mức độ tàn phá ngày càng khủng khiếp”- ông Glen McCrimmon chia sẻ với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị tại COP 29. Thực hiện được việc đó cần có công nghệ và ông coi đó là yếu tố then chốt. “Để giải quyết vấn đề của lịch sử (nhiên liệu hóa thạch), chúng ta cần công cụ (công nghệ) của hôm nay và tương lai”- ông Glen McCrimmon nhấn mạnh.

Phóng viên Kinh tế & Đô thị tác nghiệp tại Hội nghị COP 29 tổ chức tại Baku (Azerbaijan). Ảnh: Kiều Thoan

Phóng viên Kinh tế & Đô thị tác nghiệp tại Hội nghị COP 29 tổ chức tại Baku (Azerbaijan). Ảnh: Kiều Thoan

Đồng quan điểm với ông Glen McCrimmon, Tiến sĩ Michal Nachmany, Sáng lập và Giám đốc Điều hành của Climate Policy Radar nói cần biến những quy định chung chung thành quy tắc hành động để ràng buộc các bên với nghĩa vụ và trách nhiệm. Tiến sĩ Michal Nachmany trao đổi với phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị từ Hội nghị COP 29 (đang diễn ra tại Baku, Azerbaijan), theo đó, các nước cần có chính sách tốt để tạo nền tảng cho hành động hiệu quả trong cuộc chiến biến đổi khí hậu, tránh tình trạng các thỏa thuận quốc tế khó tiếp cận và không được nghiêm túc thực thi.

Trên thực tế, truy xuất nguồn gốc là một cách ràng buộc các bên liên quan phải bảo đảm nguồn gốc khai thác hợp pháp và không phương hại môi trường. Trong tình hình toàn cầu hóa thương mại hiện nay, truy xuất nguồn gốc cũng là một công cụ tăng cường rào cản thương mại lên đối tác mà một nhóm nước thực hiện. Một trong những ví dụ là cách Liên minh châu Âu (EU) áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu. Họ yêu cầu hàng hóa phải được sản xuất hợp pháp và không phá rừng. Hàng hóa được sản xuất bên ngoài EU bắt buộc phải được thông quan trước khi đưa ra thị trường.

Thoan Thu (Phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị từ Baku, Azerbaijan)

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lien-hop-quoc-tinh-toi-kha-nang-truy-xuat-nguon-goc-khoang-san.html