Liên hợp quốc và các mục tiêu phát triển bền vững: Niềm tin mong manh

Hội nghị quốc tế lần thứ tư về tài chính cho phát triển (FfD4) của Liên hợp quốc (LHQ) đã khép lại với tuyên bố chung thể hiện thông điệp đầy hy vọng, cũng như niềm tin vào tình đoàn kết của nhân loại. Tuy nhiên, chỉ thế thôi thì chưa đủ, khi sự thiếu hụt các nguồn cung tài chính vẫn đang đè nặng lên mọi hoạt động cứu trợ và hỗ trợ mà các cơ quan thuộc Liên hợp quốc muốn mang đến cho mọi quốc gia nghèo, cũng như những khu vực dễ bị tổn thương nhất trên địa cầu.

Bức tranh nhiều gam màu tối

Một thí dụ điển hình có thể nhắc đến, ngay trong những ngày đầu tháng 7 này, là những biến động tại trại tị nạn Kakuma, nằm ở Tây Bắc Kenya. Tại đây, những cuộc biểu tình quy mô lớn đã nổ ra và cảnh sát được cho là đã phải nổ súng để trấn áp.

Nguyên nhân mâu thuẫn bùng nổ thành xung đột, trên bề mặt, là chuyện Kakuma - một trong những trại tị nạn lớn nhất thế giới, với khoảng 200.000 người tị nạn và người xin tị nạn chủ yếu từ các nước láng giềng như Nam Sudan, Ethiopia và Somalia - rơi vào tình trạng thiếu hụt thực phẩm, nước sạch, thuốc men cũng như giáo dục nặng nề, khiến điều kiện sinh hoạt mỗi lúc một trở nên khắc nghiệt.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ tư về tài chính cho phát triển.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres phát biểu khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ tư về tài chính cho phát triển.

Song, từ sâu xa, lý do chính để những người tị nạn ở Kakuma phải phản kháng dữ dội như vậy, không gì khác, là sự sụt giảm các nguồn viện trợ nhân đạo quốc tế, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết định cắt giảm ngân sách hỗ trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Kakuma, cũng như rất nhiều điểm nóng nhân đạo khác trên thế giới, không có cách nào xoay xở nhằm tìm kiếm các nguồn tài chính thay thế, bởi chính các cơ quan chuyên trách của LHQ như Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Thế giới (FAO), Chương trình Lương thực Quốc tế (WFP) hay Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cùng các phái bộ cũng đã liên tục phải cắt giảm hoạt động.

Một câu chuyện khác. Ngày 1/7, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) cảnh báo: Gần 75% di sản thiên nhiên và văn hóa thế giới đang bị đe dọa vì tình trạng nước không ổn định, bao gồm cả thừa nước và thiếu nước. UNESCO nhấn mạnh tình trạng căng thẳng nguồn nước dự kiến sẽ gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt ở các khu vực như Trung Đông, Bắc Phi, một phần Nam Á và miền Bắc Trung Quốc. Điều này gây ra những rủi ro dài hạn cho hệ sinh thái, di sản văn hóa, cũng như các cộng đồng và nền kinh tế du lịch phụ thuộc vào những di sản này.

Thực trạng ấy nhấn mạnh thêm sự bức thiết của nhu cầu phân bổ các nguồn tài chính khí hậu (hay nói ngắn gọn là nghĩa vụ giúp đỡ các nước nghèo cũng như các quốc gia đang phát triển thích ứng với biến đổi khí hậu của các nước giàu) - điều đã liên tục được nhắc đi nhắc lại trong những kỳ hội nghị các bên tham gia công ước khung của LHQ về biến đổi khí hậu (COP) gần đây, với rất nhiều cam kết được đưa ra, song lại chưa được thật sự triển khai mạnh mẽ trên thực tế.

Cao ủy Nhân quyền LHQ Volker Turk nhấn mạnh: "Khủng hoảng khí hậu là khủng hoảng nhân quyền. Hạn hán, lũ lụt, cháy rừng và sóng nhiệt đe dọa nghiêm trọng đến quyền được sống, sức khỏe và môi trường an toàn của con người". Nói cách khác, chống chọi với các hệ lụy của tiến trình biến đổi khí hậu và môi trường cũng chính là cách duy nhất để hướng đến củng cố và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (Sustainable Development Goals/SDGs) mà LHQ đặt ra, vì tương lai chung của nhân loại. Vấn đề là, khi ông chủ hiện tại của Nhà Trắng đưa nước Mỹ ngoảnh mặt khỏi những nỗ lực cộng đồng ấy, tất cả mọi chuyện đều trở nên khó khăn gấp bội.

Tin vào lương tri

Ngày 30/6, phát biểu khai mạc Hội nghị quốc tế lần thứ tư về tài chính cho phát triển (FfD4) diễn ra tại Seville (Tây Ban Nha), Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế tạo ra những động lực mới và những giải pháp đột phá, nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển, đặc biệt trong bối cảnh có những khó khăn, thách thức do thiếu hụt nguồn viện trợ quốc tế - nguy cơ hiện đang đe dọa nỗ lực toàn cầu chống đói nghèo và biến đổi khí hậu.

Thực tế được nhấn mạnh là: Hiện tại, có tới 2/3 trong số 17 mục tiêu phát triển bền vững của LHQ đến năm 2030 đang bị đình trệ, trong khi thế giới cần tới hơn 4.000 tỷ USD đầu tư mỗi năm để đạt được các mục tiêu này. Trong bối cảnh "thế giới đang chao đảo trước tình trạng bất bình đẳng gia tăng, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và các cuộc xung đột leo thang" như đánh giá của Tổng Thư ký Antonio Guterres, lần tổ chức này của FfD4, quy tụ hàng chục nguyên thủ quốc gia và trên 4.000 đại diện từ giới doanh nghiệp và các định chế tài chính, lại vắng mặt nước Mỹ - nhà tài trợ hàng đầu thế giới, có vai trò cực kỳ quan trọng.

Tuy vậy, dù sao, trong ngày bế mạc 3/7, Phó Tổng Thư ký LHQ Amina Mohammed vẫn đánh giá: FfD4 Sevilla 2025 vẫn là hội nghị "mang tính bước ngoặt". Nó "đã kết thúc với tinh thần quyết tâm mới và tập trung vào hành động có thể thay đổi cuộc sống trên toàn thế giới".

Cơ sở lập luận của bà là chuyện hội nghị đã đã đưa ra một phản ứng mạnh mẽ - một văn bản kết quả thống nhất tập trung vào các giải pháp tái khẳng định các cam kết Addis Ababa đã đưa ra cách đây 1 thập kỷ, nhằm tìm cách "thắp sáng lại hy vọng" thông qua hệ thống SDGs, đồng thời cho thấy hợp tác đa phương vẫn quan trọng và vẫn hiệu quả.

Nơi diễn ra Hội nghị quốc tế lần thứ tư về tài chính cho phát triển tại Seville (Tây Ban Nha).

Nơi diễn ra Hội nghị quốc tế lần thứ tư về tài chính cho phát triển tại Seville (Tây Ban Nha).

"Sevilla sẽ được nhớ đến không phải như một bãi đáp, mà là bệ phóng cho hành động, nhằm cải thiện sinh kế trên toàn thế giới", Carlos Cuerpo, Bộ trưởng Tài chính của nước chủ nhà Tây Ban Nha, cũng phát biểu tại buổi họp báo bế mạc. "Cùng nhau, chúng ta đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ về cam kết và tin tưởng vào chủ nghĩa đa phương có thể mang lại những kết quả hữu hình, để đưa phát triển bền vững trở lại đúng hướng" - ông nhấn mạnh.

Không có sự tham gia của Mỹ, nhưng FfD4 vẫn đề ra được một chương trình hành động tương đối cụ thể, được nêu rõ trong Cam kết Sevilla. Dù không có giá trị ràng buộc pháp lý nhưng văn bản này vẫn được kỳ vọng tạo động lực cho những sáng kiến mới, nhằm: Kiến tạo một khoản đầu tư lớn, để thu hẹp khoảng cách tài trợ cho SDG; Thực hiện các bước cụ thể, để giải quyết gánh nặng nợ không bền vững; và dành sự quan tâm nhiều hơn cho các nước đang phát triển, trong việc ra quyết định tài chính toàn cầu.

Cùng với thỏa thuận này, hơn 100 sáng kiến mới đã được đưa ra theo Nền tảng hành động Sevilla. Chúng bao gồm một trung tâm toàn cầu về hoán đổi nợ, liên minh "tạm dừng nợ" và thuế đoàn kết (đối với máy bay phản lực tư nhân cũng như các chuyến bay hạng nhất) để tài trợ cho các mục tiêu về khí hậu và phát triển. "Nền tảng này đã tạo ra những quan hệ đối tác mới, những giải pháp sáng tạo sẽ mang lại sự thay đổi thực sự trong cuộc sống của mọi người", bà Amina Mohammed nhận định. "Chúng không phải là sự thay thế cho các cam kết tài trợ rộng hơn, mà là dấu hiệu cho thấy tư duy sáng tạo cuối cùng cũng đang đột phá".

Từ một góc nhìn rộng lớn, những thành tựu này mà FfD4 đạt được (dù mới chỉ là những cam kết) hoàn toàn có thể xem là sự thể hiện kiên định của lương tri nhân loại, về việc góp sức cho lợi ích chung toàn cầu trong tương lai.

Tuy vậy, cũng như rất nhiều những lời hứa cao đẹp từng vang lên trong quá khứ, mọi chuyện vẫn luôn phải chờ đợi câu trả lời cuối cùng từ thời gian...

Những kế hoạch hành động chính bao gồm:

- Tây Ban Nha và Ngân hàng Thế giới sẽ dẫn đầu Trung tâm hoán đổi nợ để phát triển nhằm mở rộng các thỏa thuận đổi nợ lấy phát triển.

- Ý sẽ chuyển đổi 230 triệu euro nợ của châu Phi thành khoản đầu tư phát triển.

- Điều khoản tạm dừng nợ Liên minh các quốc gia và ngân hàng phát triển sẽ tạm dừng thanh toán nợ trong thời kỳ khủng hoảng.

- Diễn đàn Sevilla về nợ sẽ giúp các quốc gia phối hợp quản lý nợ và nỗ lực tái cấu trúc.

- Liên minh Thuế đoàn kết toàn cầu sẽ đánh thuế máy bay phản lực tư nhân và các chuyến bay hạng sang để gây quỹ khí hậu và SDG.

- Nền tảng SCALED sẽ mở rộng tài chính hỗn hợp, được hỗ trợ bởi các đối tác công và tư.

- FX EDGE và Delta sẽ giúp mở rộng quy mô cho vay bằng nội tệ thông qua các công cụ quản lý rủi ro.

- Brazil và Tây Ban Nha sẽ dẫn đầu công tác đánh thuế công bằng hơn đối với người giàu.

- Các trung tâm hỗ trợ kỹ thuật mới sẽ hỗ trợ việc chuẩn bị và thực hiện dự án.

- Các nền tảng tài chính do quốc gia dẫn đầu sẽ hỗ trợ các kế hoạch quốc gia.

- Liên minh Anh-Bridgetown đặt mục tiêu mở rộng hoạt động tài trợ thiên tai.

- Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Quốc tế, các công ty đã cam kết tăng cường đầu tư tác động, với các dự án được giới thiệu trị giá 10 tỷ USD.

Lời kêu gọi đầy những nỗi ưu tư của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.

FfD4 được kỳ vọng sẽ thật sự tạo nên đột phá, trong việc tìm kiếm nguồn tài chính cho các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới

Đông Phong

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/chuyen-de/lien-hop-quoc-va-cac-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-niem-tin-mong-manh-i774300/