Liên hợp quốc và mối quan ngại 'cửa ngõ miền đất hứa' Tunisia

Phát biểu trong cuộc họp báo hằng ngày tại trụ sở LHQ ở New York (Mỹ) mới đây, người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, ông Farhan Haq, đã bày tỏ tổ chức đa phương này lo ngại sâu sắc về việc trục xuất người di cư, người tị nạn và người xin tị nạn từ Tunisia.

Thực tế, sự vụ hơn 900 thi thể người di cư được tìm thấy ngoài khơi Tunisia hồi cuối tháng 7 vừa qua cho thấy vấn đề Tunisia còn “nóng” hơn rất nhiều.

Những thảm kịch liên tiếp tại “cửa ngõ miền đất hứa"

Tunisia - quốc gia châu Phi nhỏ bé nằm ở cực bắc lục địa châu Phi, nằm dọc theo biển Địa Trung Hải, giáp với Algeria và Libya, cách đảo Lampedusa của Italy chưa đến 150 km, những năm gần đây, trở thành một cái tên được nhắc đến liên tục trên các phương tiện truyền thông cũng như các hội nghị, diễn đàn quốc tế, khi trở thành điểm trung chuyển phổ biến của hàng triệu triệu người di cư trái phép. Nói văn hoa hơn, Tunisia trở thành “cửa ngõ” để hàng triệu người tới “miền đất hứa” châu Âu, chủ yếu trong số họ đến từ các quốc gia châu Phi cận Sahara. Điều này vô hình trung đã, đang đẩy Tunisia vào một cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có. Thậm chí có thể nói, Tunisia đã thay thế Libya trở thành một điểm khởi hành chính đối với người di cư từ châu Phi và Trung Đông tìm cách vượt Địa Trung Hải sang châu Âu.

 Tổng thống Tunisia Kais Saied bắt tay Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại dinh tổng thống ở Carthage, Tunisia. Ảnh: AP

Tổng thống Tunisia Kais Saied bắt tay Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại dinh tổng thống ở Carthage, Tunisia. Ảnh: AP

Không thể đo đếm chính xác bao nhiêu con người di cư không có giấy tờ đã đổ xô đến Tunisia nhằm tìm đường tới châu Âu trên những chiếc thuyền do những kẻ buôn người điều khiển. Hồi đầu tháng 7, hãng tin Reuters đưa ra số liệu cho biết hơn 600 người di cư đã thiệt mạng và mất tích ngoài khơi Tunisia trong nửa đầu năm nay, con số lớn hơn nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) cho biết lượng người di cư đến các bờ biển của Italy tăng mạnh, với hơn 60.000 người kể từ đầu năm, tăng 133% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khoảng 50% đến từ Tunisia, số còn lại đến từ Libya và Thổ Nhĩ Kỳ.

Những thảm kịch kinh hoàng đã liên tiếp xảy đến tại “cửa ngõ miền đất hứa” chỉ từ đầu năm 2023 đến nay. Đơn cử như ngày 26/7, Bộ trưởng Nội vụ Tunisia Kamel Feki cho biết trong thời gian từ ngày 1/1 đến 20/7, lực lượng bảo vệ bờ biển của Tunisia đã tìm thấy thi thể của 901 người di cư bị đuối nước ngoài khơi nước này, con số lớn nhất từ trước đến nay.

Ngày 9/7, một quan chức tư pháp của Tunisia cho biết ít nhất 10 người di cư đã mất tích và 1 người thiệt mạng khi chiếc thuyền chở họ bị chìm ngoài khơi Tunisia trong hành trình vượt Địa Trung Hải đến Italy. Trước đó, ngày 23/6, thông báo của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) cho biết có 37 người di cư mất tích sau khi chiếc thuyền chở họ bị lật ở vùng biển ngoài khơi giữa Tunisia và đảo Lampedusa của Italy.

Trong khi đó, một quan chức tư pháp Tunisia cho biết ngày 22/6 là đã có ít nhất 12 người di cư châu Phi mất tích và 3 người thiệt mạng, sau khi 3 chiếc thuyền bị chìm ở vùng biển ngoài khơi quốc gia Bắc Phi này. Trong vụ việc này, lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia đã cứu được 152 người. Ngày 29/4, Lực lượng bảo vệ bờ biển Tunisia thông báo đã trục vớt được khoảng 210 thi thể người di cư trôi dạt vào bờ biển miền Trung của quốc gia Bắc Phi này trong vòng chưa đầy hai tuần….

Như nhận định của Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), trung tâm Địa Trung Hải nằm giữa Bắc Phi và Italy là tuyến di cư nguy hiểm nhất thế giới, với hơn 20.000 người thiệt mạng kể từ năm 2014.

 Lực lượng cứu hộ giải cứu người di cư trên Địa Trung Hải ở ngoài khơi bờ biển thành phố Sfax, Tunisia, ngày 4/10/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Lực lượng cứu hộ giải cứu người di cư trên Địa Trung Hải ở ngoài khơi bờ biển thành phố Sfax, Tunisia, ngày 4/10/2022. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Gánh nặng quá lớn đối với Tunisia

Mặc dù chính quyền Tunisia đã áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt để hạn chế làn sóng người di cư, nhưng số lượng người nhập cư bất hợp pháp từ Tunisia đến Italy vẫn đang gia tăng và đang trở thành gánh nặng đối với quốc gia Bắc Phi vốn dĩ nghèo đói và luôn trong tình trạng bất ổn, xung đột này.

Theo một tuyên bố được Văn phòng tổng thống Tunisia đưa ra vào cuối ngày 14/7, Tổng thống Kais Saied đã mô tả hoạt động nhập cư bất hợp pháp là một “quá trình di dời vô nhân đạo và bất thường” và rằng việc “mạng lưới tội phạm” liên quan đến tình trạng buôn người, sử dụng Tunisia làm điểm trung chuyển, gây ra mối đe dọa cho quốc gia Bắc Phi này. Chính phủ Tunisia đã phải điều chuyển hàng trăm người di cư đến hai thị trấn hẻo lánh vùng biên, sau khi xảy ra xung đột giữa cư dân của thành phố Sfax và những người di cư tại đây. Các tổ chức về quyền con người khu vực và quốc tế đã chỉ trích nhà chức trách Tunisia, cho rằng chính quyền đã đẩy cuộc sống của người di cư vào nguy hiểm, khi để xảy ra những vụ đụng độ nói trên.

Mới đây nhất, ngày 1/8, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã phản đối việc Tunisia trục xuất những người di cư từ các quốc gia ở phía Nam sa mạc Sahara đến khu vực biên giới giáp với Libya và Algeria. Còn người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ, ông Farhan Haq, bày tỏ tổ chức đa phương này lo ngại sâu sắc về việc trục xuất người di cư, người tị nạn và người xin tị nạn từ Tunisia đến khu vực giáp biên giới với Libya và cả với Algeria. Một số người đã thiệt mạng ở khu vực biên giới với Libya và hàng trăm người, bao gồm cả sản phụ và trẻ em, được cho là vẫn đang mắc kẹt trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt, ít được tiếp cận với nước và thực phẩm.

 Người di cư từ châu Phi bị mắc kẹt trên bờ biển tại khu vực biên giới Libya và Tunisia, ngày 26/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Người di cư từ châu Phi bị mắc kẹt trên bờ biển tại khu vực biên giới Libya và Tunisia, ngày 26/7/2023. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ cũng nhắc lại lời kêu gọi của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) và Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) yêu cầu dừng ngay lập tức các hoạt động trục xuất này cũng như khẩn trương tái định cư đến nơi an toàn những người mắc kẹt ở biên giới, người tị nạn và người xin tị nạn phải được bảo vệ và đối xử bình đẳng, được tôn trọng đầy đủ quyền con người, bất kể tình trạng của họ, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nhưng rõ ràng, trong câu chuyện người tị nạn, vai trò của Tunisia là chưa đủ, cần nhiều hơn những nỗ lực từ cộng đồng quốc tế. Trước đó, ngày 29/6, chương trình nghị sự hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ở Brussels đã tập trung vào một thỏa thuận với Tunisia nhằm ngăn chặn những cuộc vượt biển này và chống lại những kẻ buôn người.

Viện trợ mà châu Âu công bố cho Tunisia bao gồm khoản vay lên tới 900 triệu euro, viện trợ ngân sách 150 triệu euro và gói 105 triệu euro để quản lý di cư cho năm 2023. Ngoài ra, trong mùa Hè này, EU có kế hoạch cung cấp thuyền, radar di động, camera giám sát và phương tiện cho Tunisia để giúp quốc gia này tăng cường kiểm soát biên giới trên biển và trên đất liền cũng như tăng cường hợp tác giữa cảnh sát và tư pháp để chống lại các mạng lưới buôn người.

EU cũng tài trợ cho việc hồi hương tự nguyện của những người di cư từ châu Phi cận Sahara ra đi từ Tunisia về đất nước xuất xứ của họ. Theo Ủy ban châu Âu (EC), kể từ đầu năm đến nay, 407 trường hợp hồi hương đã được tài trợ theo cách này.

Cách làm của EU hoàn toàn có thể là một trong những giải pháp khả thi cho thảm họa di cư tại Tunisia.

Nguyễn Hà

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lien-hop-quoc-va-moi-quan-ngai-cua-ngo-mien-dat-hua-tunisia-post258888.html