Liên hợp quốc và Mỹ kêu gọi chấm dứt phong tỏa dầu ở Libya

Ngày 7-3, Liên hợp quốc (LHQ) và Đại sứ Mỹ tại Libya đã kêu gọi một nhóm vũ trang dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại hai mỏ dầu lớn, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị đang gia tăng ở quốc gia Bắc Phi này. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định

Ngày 7-3, Liên hợp quốc (LHQ) và Đại sứ Mỹ tại Libya đã kêu gọi một nhóm vũ trang dỡ bỏ lệnh phong tỏa tại hai mỏ dầu lớn, trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chính trị đang gia tăng ở quốc gia Bắc Phi này.

Trước đó, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Libya (NOC) cho biết hoạt động sản xuất dầu đã bị đình chỉ tại các mỏ Al-Sharara và Al-Fil rộng lớn, sau khi các tay súng cắt đứt đường ống dẫn dầu của tập đoàn. Cố vấn đặc biệt của Tổng Thư ký LHQ về Libya Stephanie Williams cho rằng, việc ngăn chặn sản xuất dầu sẽ tước đi nguồn thu chính của tất cả người dân Libya và việc phong tỏa dầu nên được dỡ bỏ. Đại sứ Mỹ tại Libya Richard Norland cũng kêu gọi dỡ bỏ lập tức lệnh phong tỏa. Doanh thu từ dầu mỏ rất quan trọng đối với Libya, đất nước đang bị chiến tranh tàn phá, nơi có trữ lượng dầu ước tính lớn nhất châu Phi. NOC cho biết lệnh phong tỏa mới nhất sẽ làm giảm 35 triệu USD doanh thu mỗi ngày của Libya.

Moderna xây dựng nhà máy sản xuất vắc-xin ở châu Phi

Hãng dược phẩm Moderna của Mỹ ngày 7-3 thông báo sẽ xây dựng nhà máy sản xuất vắc-xin theo công nghệ mRNA ở châu Phi.

Trước đó, Moderna đã ký một thỏa thuận với Chính phủ Kenya về việc sản xuất 500 triệu liều vắc-xin/năm. Thông báo của Moderna cho biết hãng sẽ đầu tư 500 triệu USD xây dựng cơ sở mới này. Trong đại dịch COVID-19, đây cũng là khu vực gặp nhiều hạn chế nhất trong việc tiếp cận vắc-xin phòng bệnh. Hãng dược phẩm của Mỹ hy vọng nhà máy có thể đáp ứng nhu cầu của các nước châu Phi vào đầu năm 2023 trong nỗ lực tiêm bao phủ vắc-xin ngừa COVID-19 cho người dân châu lục này.

Thái Lan tìm cách đảo ngược tình trạng dân số già hóa đáng lo ngại

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết tỷ lệ sinh tại Thái Lan đã giảm 1/3 kể từ năm 2013. Năm 2021, nước này ghi nhận 544 nghìn trẻ em mới sinh, mức thấp nhất trong 6 thập niên qua.

Thái Lan đang có tình trạng nhân khẩu học tương tự một số nền kinh tế khác của châu Á như Nhật Bản và Singapore. Đối với một thị trường mới nổi dựa nhiều vào lao động giá rẻ và tầng lớp trung lưu ngày càng tăng thì nguy cơ dân số già hóa là đáng lo ngại với nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này. Quan chức Bộ Y tế Thái Lan Suwannachai Wattanayingcharoenchai chia sẻ rằng, chính phủ nước này nhận ra cần phải khuyến khích người dân sinh thêm con để ngăn ngừa tỷ lệ sinh giảm. Kế hoạch của chính phủ Thái Lan bao gồm mở trung tâm sinh sản tại 76 tỉnh và sử dụng người nổi tiếng trên mạng xã hội để ủng hộ, truyền tải thông điệp./.

PV

Nguồn Nam Định: http://baonamdinh.com.vn/channel/5089/202203/lien-hop-quoc-va-my-keu-goi-cham-dut-phong-toa-dau-o-libya-2549554/