Liên Hợp Quốc vẫn ủng hộ giải pháp 2 nhà nước cho xung đột Israel - Palestine

Khói lửa bốc lên sau cuộc không kích của Israel xuống thị trấn Khan Yunis, Nam Dải Gaza. Ảnh: AFP/TTXVN

* Palestine nhất trí thành lập ủy ban chung hỗ trợ hội nghị hòa bình

Ngày 1/12, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã tái khẳng định lập trường ủng hộ giải pháp hai nhà nước cho cuộc xung đột Israel - Palestine.

Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến nhân kỷ niệm Ngày quốc tế đoàn kết với nhân dân Palestine (29/11), ông Guterres đánh giá tình hình giữa Israel và Palestine trong cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ qua.

Ông cho rằng những tiến triển gần đây sẽ khuyến khích giới chức lãnh đạo hai bên nối lại các cuộc đàm phán có ý nghĩa, với sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, nhằm hướng tới một giải pháp hai nhà nước và kiến tạo những cơ hội cho hợp tác khu vực.

Ông nhấn mạnh chỉ có giải pháp hai nhà nước mới có thể mang lại nền hòa bình bền vững, đồng thời khẳng định Liên hợp quốc sẽ tiếp tục cam kết ủng hộ hai bên xúc tiến nỗ lực giải quyết cuộc xung đột.

Cũng theo Tổng Thư ký Guterres, lập trường của Liên Hợp Quốc về giải pháp hai nhà nước cùng tồn tại hòa bình đối với cuộc xung đột Israel - palestine được nêu rõ trong các nghị quyết của hội đồng bảo an và Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, cũng như luật pháp quốc tế và các thỏa thuận song phương giữa Israel và Palestine.

Ông cũng nhắc lại cam kết của Liên Hợp Quốc đối với mưu cầu của người dân Palestine về các quyền chính đáng và một tương lai hòa bình, công bằng, an ninh và được tôn trọng.

Cùng ngày, Văn phòng Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về Syria hối thúc tăng cường các nỗ lực chính trị nhằm chấm dứt cuộc xung đột kéo dài suốt thập kỷ qua tại quốc gia Trung Đông bị chiến tranh tàn phá này.

Phát biểu họp báo, người phát ngôn của Văn phòng đặc phái viên Liên Hợp Quốc Jenifer Fenton cho biết phiên họp lần thứ tư của Tiểu ban thuộc Ủy ban Hiến pháp Syria (SCC) đang diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ) sẽ kéo dài tới ngày 4/12.

Theo bà Fenton, đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Syria Geir Pedersen đã bày tỏ hy vọng hội nghị có thể tập trung sâu hơn vào tiến trình chính trị và thực thi mọi điều khoản của Nghị quyết số 2254 của Hội đồng Bảo an.

Nghị quyết này đề ra lịch trình cho các cuộc đàm phán và một lệnh ngừng bắn ở Syria song chưa bao giờ được thực thi. Bà cũng cho biết với tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 hiện nay, sự an toàn và an ninh của nhân viên và thành viên của SCC được xác định là ưu tiên hàng đầu.

SCC gồm đại diện của Chính phủ Syria, phe đối lập và xã hội dân sự, chính thức được thành lập ở Geneva ngày 30/10/2019 để soạn thảo một hiến pháp mới. Tiểu ban của SCC gồm 45 đại diện, mỗi bên có 15 đại diện, đã tiến hành họp gần đây nhất vào tháng 8 vừa qua, song không đạt kết quả.

Dự kiến, phiên họp thứ năm sẽ được tổ chức vào tháng 1/2021 và tập trung thảo luận về Các nguyên tắc hiến pháp.

* Ngày 1/12, Phó Chủ tịch Đảng Fatah, ông Mahmoud al-Aloul cho biết Palestine đã nhất trí với Jordan và Ai Cập nhằm thành lập một ủy ban chung hỗ trợ triệu tập một hội nghị quốc tế về hòa bình nhằm giải quyết cuộc xung đột Trung Đông.

Phát biểu với báo giới tại thành phố Ramallah, ông Mahmoud al-Aloul nêu rõ việc thành lập ủy ban chung sẽ “hỗ trợ các nỗ lực ngoại giao của Palestine nhằm duy trì tầm nhìn của giải pháp hai nhà nước”.

Theo ông al-Aloul, ủy ban này sẽ thúc đẩy sáng kiến của Palestine về việc tổ chức một hội nghị quốc tế về hòa bình vào đầu năm sau và kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế nhằm khôi phục các cuộc hòa đàm về giải pháp hai nhà nước.

Ông al-Aloul cũng cho biết Palestine mong muốn tăng cường hợp tác với các nước Ả-rập, đặc biệt là Jordan và Ai Cập, ở mức độ khu vực và quốc tế nhằm giành thêm sự ủng hộ.

Trước đó, người đứng đầu Đảng Fatah, Tổng thống Palestine đã có chuyến thăm đến Jordan và Ai Cập trong tuần này nhằm thúc đẩy quan hệ song phương sau khi một số nước Ả-rập bình thường hóa quan hệ với Israel.

Trong bài phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tháng 9 vừa qua, ông Abbas đề xuất với các nước về việc bắt đầu bước chuẩn bị để tổ chức hội nghị hòa bình vào năm 2021.

Hiện chính quyền Palestine kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo trợ cho các cuộc hòa đàm với Israel, vốn đã bị đình trệ từ năm 2014 sau khi các cuộc đàm phán do Mỹ làm trung gian kéo dài 9 tháng mà không đạt được đột phá.

Trong khi đó, thủ lĩnh cấp cao của phong trào Hamas, ông Khalil al-Hayya cho biết phong trào này sẵn sàng tham gia các cuộc bầu cử cơ quan lập pháp vào bất cứ thời điểm nào.

Phát biểu trong một cuộc họp diễn ra tại Gaza, ông Khalil al-Hayya nhấn mạnh phong trào Hamas sẵn sàng đi bỏ phiếu nếu Tổng thống Abbas tuyên bố tổ chức bầu cử.

Tuy nhiên, quan chức này khẳng định Hamas muốn tham gia các cuộc bầu cử có sự hợp tác và phối hợp đồng bộ, theo đó người dân sẽ lựa chọn đại biểu mà họ muốn.

Cuộc bầu cử tổng thống gần đây nhất được tổ chức tại Palestine vào năm 2005, theo đó ông Abbas đã đắc cử tổng thống. Cuộc bầu cử cơ quan lập pháp gần đây của Palestine diễn ra vào năm 2006, trong đó Hamas giành chiến thắng.

Hai bên đã thành lập một chính phủ đoàn kết sau cuộc bầu cử. Tuy nhiên, chính quyền này sớm sụp đổ và đụng độ giữa hai bên nổ ra tại Dải Gaza năm 2007. Từ đó, Hamas kiểm soát Dải Gaza, trong khi Fatah lãnh đạo Chính quyền Palestine tại Bờ Tây.

L.H (tổng hợp TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/249570/lien-hop-quoc-van-ung-ho-giai-phap-2-nha-nuoc-cho-xung-dot-israel-palestine.html