Liên kết '4 nhà' trong ứng dụng khoa học và công nghệ

Khu thực nghiệm ứng dụng khoa học và công nghệ (KH-CN) thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tỉnh Gia Lai được xem là nơi liên kết '4 nhà': nhà quản lý khoa học-nhà nghiên cứu-doanh nghiệp-người sản xuất.

Nơi đây có chức năng thực tế hóa các kết quả được nghiên cứu, xây dựng các mô hình trình diễn về ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật tiên tiến để phổ biến nhân rộng phù hợp với địa phương.

Khu thực nghiệm ứng dụng KH-CN là nơi triển khai và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Ảnh: M.K

Khu thực nghiệm ứng dụng KH-CN là nơi triển khai và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn. Ảnh: M.K

“Năm 2018, Sở KH-CN đã được UBND tỉnh giao làm chủ đầu tư Dự án Khu thực nghiệm ứng dụng KH-CN tại phường Chi Lăng (TP. Pleiku). Cuối năm 2020, Sở đã bàn giao Khu thực nghiệm để Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN tiếp quản và vận hành với nhiệm vụ chính là tiếp nhận chuyển giao công nghệ, triển khai thực nghiệm, nghiên cứu ứng dụng KH-CN tiên tiến, cung cấp cho thị trường các loại giống cây trồng chất lượng, các quy trình sản xuất phù hợp với điều kiện tỉnh.

Từ đó, làm cơ sở đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng mô hình nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất, góp phần từng bước phát triển nền nông nghiệp theo hướng tăng năng suất và giá trị sản phẩm”-Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN Võ Thị Thùy Ngân cho biết.

Để phát huy hiệu quả và đáp ứng mục tiêu sử dụng của Khu thực nghiệm, Trung tâm đã triển khai xây dựng kế hoạch tiếp nhận và chuẩn bị các phương án về nguồn nhân lực, kế hoạch hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, hợp tác mang tính toàn diện, tập trung vào các công nghệ mới, mũi nhọn.

Ngoài việc đào tạo chuyên môn cho nguồn nhân lực để nắm bắt kịp thời công nghệ mới, Trung tâm còn thực hiện các nhiệm vụ KH-CN thông qua tuyển chọn, xét chọn dưới dạng các đề tài, dự án KH-CN, sản xuất thử nghiệm.

Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học, công nghệ cao vào sản xuất như: tuyển chọn, phục tráng, nhân giống các loại cây trồng, vật nuôi bằng công nghệ sinh học để tạo ra giống sạch bệnh, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; ứng dụng phương pháp nuôi cấy mô tế bào, phương pháp giâm hom trong nhân giống một số cây trồng có giá trị như cây dược liệu…

Cùng với đó, nghiên cứu, ứng dụng nhân sinh khối, sản xuất các chế phẩm sinh học, các hoạt chất sinh học có giá trị phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững và bảo vệ môi trường; nghiên cứu, ứng dụng sản xuất các loại giống nấm ăn, nấm dược liệu; nuôi cấy, sản xuất các chủng vi sinh vật hữu hiệu sử dụng làm phân bón sinh học.

Hiện nay, Trung tâm tổ chức thực hiện 5 nhiệm vụ KH-CN tại Khu thực nghiệm. Thời gian qua, Trung tâm đã chuyển giao nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho một số loại cây trồng chủ lực của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, điều, lúa, rau màu và một số loại cây dược liệu có giá trị kinh tế cao.

Chuyển giao các mô hình nhân giống theo công nghệ mới như: mô hình cà chua ghép kháng bệnh, khoai tây sạch bệnh, các loại hoa lan, cây ăn quả, cây cảnh; chuyển giao mô hình ứng dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp như: nhà kính, nhà lưới, thủy canh, khí canh, tưới tiết kiệm, chế biến, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch…

Trong tương lai, Khu thực nghiệm sẽ trở thành điểm tham quan, trải nghiệm thu hút du khách. Ảnh: Mai Ka

Trong tương lai, Khu thực nghiệm sẽ trở thành điểm tham quan, trải nghiệm thu hút du khách. Ảnh: Mai Ka

Ông Nguyễn Ngọc Diệp (tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cho hay: “Năm 2022, gia đình tôi chuyển 1 sào điều kém hiệu quả sang trồng thử nghiệm dưa lưới. Để thành công, tôi đã liên kết với Khu thực nghiệm ứng dụng tiến bộ KH-CN để được cung cấp giống và chuyển giao công nghệ trồng dưa lưới trong nhà kính.

Trung tâm đã cử cán bộ thường xuyên theo dõi, hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sản phẩm. 3 vụ dưa lưới liên tiếp đạt năng suất trên 3 tấn/sào. Sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi thu về trên 100 triệu đồng/vụ. Để đáp ứng nhu cầu thị trường, tôi đã lên kế hoạch tiếp tục đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất dưa lưới”.

Về kế hoạch sản xuất kinh doanh, Trung tâm đang đẩy mạnh thương mại hóa một số sản phẩm chủ lực đủ sức cạnh tranh trên thị trường như: sản xuất và cung cấp các loại cây giống, vật nuôi, giống nấm ăn và nấm dược liệu, các chế phẩm sinh học; sản xuất và thương mại hóa các sản phẩm nấm linh chi, nấm vân chi, nấm đông trùng hạ thảo và đa dạng hóa các sản phẩm ở các dạng trà túi lọc, rượu, viên nhộng.

Bên cạnh đó, Trung tâm vận hành hệ thống 6 nhà lưới, nhà màng để sản xuất giống chanh dây, dưa lưới, cà chua theo tiêu chuẩn VietGAP; trồng lan rừng, lan hồ điệp, sản xuất nấm linh chi chủng lim xanh...

“Chúng tôi ưu tiên lĩnh vực công nghệ sinh học để hợp tác và hội nhập quốc tế. Đến nay, Trung tâm đã tiến hành ký kết hợp tác toàn diện với một số đơn vị, hợp tác xã sản xuất trên địa bàn tỉnh nhằm tìm kiếm nguồn lực.

Từ đó thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu chung với các đối tác nước ngoài có nền khoa học phát triển, tiếp cận công nghệ hiện đại, tranh thủ hỗ trợ và đầu tư nước ngoài cho KH-CN tỉnh nhà. Tăng cường hợp tác với các tổ chức KH-CN trong và ngoài tỉnh, các chuyên gia; mở rộng đội ngũ cộng tác viên nhằm tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH-CN vào sản xuất”-bà Ngân thông tin.

Khu thực nghiệm ứng dụng KH-CN được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hoạt động thực nghiệm ứng dụng các công nghệ sản xuất phù hợp với điều kiện của địa phương và là nơi đào tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất cho doanh nghiệp, người dân.

“Bên cạnh đó, Khu thực nghiệm ứng dụng KH-CN còn có nhiệm vụ đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, viện nghiên cứu triển khai các hoạt động liên kết về nghiên cứu, đào tạo và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Thời gian tới, Sở KH-CN cũng hướng đến mục tiêu xây dựng Khu thực nghiệm thành điểm tham quan, trải nghiệm thu hút du khách”-Giám đốc Sở KH-CN Nguyễn Nam Hải nhấn mạnh.

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/lien-ket-4-nha-trong-ung-dung-khoa-hoc-va-cong-nghe-post269970.html