Liên kết bền chặt từ cơ chế EPR
Đáp ứng việc thực thi EPR khiến các nhà tái chế, nhà sản xuất, nhập khẩu gắn kết với nhau một cách mật thiết để khép kín vòng lặp tuần hoàn.
Chuẩn bị cho thực hiện trách nhiệm thu gom, tái chế bắt buộc theo công cụ chính sách trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), theo ông Bùi Khánh Nguyên, Phó tổng giám đốc đối ngoại và phát triển bền vững Coca-Cola Việt Nam, doanh nghiệp này đã triển khai từ sớm quá trình tìm kiếm các đối tác.
Ông Nguyên cho biết, Coca-Cola Việt Nam sử dụng nhiều loại bao bì khác nhau phù hợp với từng sản phẩm nên cần phải hợp tác với nhiều đối tác đáp ứng khả năng tái chế cho mỗi loại vật liệu.
Trong khi đó, ngành công nghiệp tái chế ở Việt Nam còn tương đối phân tán, các đơn vị hoạt động một cách âm thầm, không có sự kết nối với Coca-Cola Việt Nam cũng như nhiều nhà sản xuất khác.
Song song với quá trình tìm kiếm và kết nối với các nhà tái chế, Coca-Cola cũng dành sự quan tâm tới nhóm thu gom đồng nát, ve chai, lực lượng lao động yếu thế nhưng lại nắm giữ vị trí rất quan trọng trong chuỗi giá trị tuần hoàn vật liệu ở Việt Nam.
“Chúng tôi chủ trương làm sớm, từ khi EPR còn là giai đoạn tự nguyện để đến khi trở thành bắt buộc thì chúng tôi có sẵn kinh nghiệm và mạng lưới đối tác”, ông Nguyên nói.
Nhựa tái chế DUYTAN (DTR) là đối tác lớn của Coca-Cola Việt Nam và cũng là đơn vị sản xuất nhựa tái sinh lớn nhất, hiện đại nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Ông Lê Anh, Giám đốc phát triển bền vững DTR, cho biết, trách nhiệm của doanh nghiệp này là làm tốt phần thu gom, tái chế.
Trong đó, công đoạn tái chế được đảm bảo nhờ DTR sở hữu nhà máy hiện đại, công nghệ “bottle to bottle” tối ưu. Còn đối với công đoạn thu gom, với đặc thù dòng chảy phế liệu ở Việt Nam, doanh nghiệp cũng tập trung đồng hành với lực lượng đồng nát, ve chai thông qua một số quyền lợi như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.
Coca-Cola Việt Nam và DTR đều là thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), tổ chức quy tụ 26 doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực tiêu dùng nhanh, hoạt động vì mục tiêu thiết lập chuỗi giá trị tuần hoàn cho ngành bao bì.
Bà Chu Kim Thanh, Giám đốc vận hành PRO Việt Nam, cho biết, trên cơ sở hợp tác, các thành viên PRO Việt Nam phối hợp triển khai thiết lập chuỗi giá trị thu gom, tái chế bao bì từ rất sớm. Tính riêng năm 2023, liên minh đã thu gom, tái chế được bảy loại vật liệu với tổng khối lượng gần 14 nghìn tấn.
Không ngừng đưa ra các phương án thử nghiệm để tìm kiếm giải pháp tối ưu, bà Thanh cho biết, PRO Việt Nam cam kết sẽ thu gom và tái chế thành công 70 nghìn tấn phế liệu bao bì trong năm 2024, đóng góp tích cực vào việc triển khai EPR tại Việt Nam.
Mặt khác, các chuyên gia của PRO Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước để tham vấn, đóng góp ý kiến xây dựng chính sách EPR nói riêng cũng như chính sách kinh tế tuần hoàn nói chung.
Theo ông Nguyễn Thi, đại diện Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và môi trường, trên thực tế, công cụ chính sách EPR đã xuất hiện tại Việt Nam từ năm 2005 nhưng ở dưới dạng khuyến khích sự tự nguyện từ cộng đồng doanh nghiệp. Luật Bảo vệ môi trường 2020 mới chính thức yêu cầu EPR được thực hiện theo một quy cách và tỷ lệ bắt buộc.
Thực thi bắt buộc EPR đối diện với rất nhiều khó khăn bởi bức tranh chất thải phức tạp, các đơn vị thu gom, tái chế manh mún, nhỏ lẻ và chủ yếu thuộc khu vực phi chính thức.
Thấu hiểu được điều này, các cơ quan hoạch định chính sách đã ban hành nhiều chính sách nhằm hỗ trợ hệ thống thu gom, tái chế cũng như các nhà sản xuất trong việc thực thi EPR.
Tuy nhiên, thành công của chính sách EPR không thể thiếu sự chung tay góp sức của cộng đồng doanh nghiệp. Trao đổi với đại diện nhà sản xuất và nhà tái chế, ông Thi khuyến nghị cần phải đẩy mạnh việc hình thành và phát triển các tổ chức được ủy quyền để thu gom, tái chế (PRO).
Bởi lẽ, các PRO là nơi quy tụ nhà sản xuất để tổ chức thu gom, hợp tác với nhà tái chế để phát triển tái chế hiện đại trên quy mô công nghiệp. Qua đó, tỷ lệ thu gom, tái chế phế liệu mới có thể được nâng cao.
Làm được điều này không chỉ đòi hỏi sự chủ động của cộng đồng doanh nghiệp mà còn cần chính sách khuyến khích từ phía Nhà nước. Ông Thi cho biết, Nhà nước cần ban hành chính sách để doanh nghiệp nhìn thấy được lợi ích từ việc tham gia vào các tổ chức PRO, từ đó phát triển các PRO dựa trên động lực thị trường.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/lien-ket-ben-chat-tu-co-che-epr-1719304543052.htm