Liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và hợp tác xã

Trong bối cảnh hiện nay, việc tổ chức liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã sẽ tạo ra những sản phẩm có chất lượng, xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu có chỗ đứng ngày càng vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước.

Liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã tạo ra sự phát triển bền vững. Ảnh: Q.H

Liên kết giữa doanh nghiệp và hợp tác xã tạo ra sự phát triển bền vững. Ảnh: Q.H

Gắn với chuỗi giá trị

Thời gian gần đây, để kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tìm đầu ra ổn định cho hàng nông sản, một số địa phương, doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) đã tự tổ chức hoặc chủ động tham dự các hoạt động kết nối giữa DN, HTX, tổ hợp tác… với chợ đầu mối, các nhà phân phối lớn, bước đầu đạt kết quả khá tốt.

Ngoài ra, việc liên kết giữa HTX và DN còn giúp tăng sản lượng sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu ổn định về số lượng và đồng nhất về chất lượng. DN sẽ giảm đáng kể chi phí quản lý nếu ký hợp đồng với một HTX thay vì phải ký hợp đồng với hàng trăm hộ nông dân riêng lẻ.

TS. Võ Thị Kim Sa – Phó hiệu trưởng trường Cán bộ Quản lý Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn 2 (TP. Hồ Chí Minh) đánh giá, thực tế các HTX có cánh đồng lớn, nhưng các DN không có vùng nguyên liệu đồng nhất đầu ra. Việc nông dân sản xuất nhiều loại giống với tập quán canh tác khác nhau, đan xen vào nhau tạo nên những mảng “da beo”, không đồng nhất trong vùng nguyên liệu. Hiện tượng này tạo ra sự lẫn tạp, nguồn nước tưới tiêu xài chung bị ô nhiễm, khó kiểm soát dịch bệnh, khó kiểm soát chất lượng nông sản…

Nếu HTX có nhiều thành viên, có diện tích sản xuất trên cùng cánh đồng, canh tác theo lịch thời vụ, quy trình chung và HTX đại diện thành viên ký kết hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ lúa với DN thương mại hay xuất khẩu thì chi phí sản xuất thấp hơn, kiểm soát chất lượng thuận lợi hơn và hiệu quả cao. Mặt khác, DN có vùng nguyên liệu lớn và đồng nhất hơn.

"Thông qua việc liên kết, HTX sẽ cung cấp dịch vụ đầu vào cho thành viên HTX với giá thấp nhất và đảm bảo đầu ra cho sản phẩm với giá bán cao nhất, thay vì phải qua các khâu trung gian làm tăng giá đầu vào và hạ giá thành sản phẩm cuối cùng. Việc xây dựng chuỗi giá trị gắn với xây dựng HTX cũng giúp cho thành viên HTX có tiếng nói mạnh mẽ hơn, có năng lực đàm phán trong giao dịch với đối tác", bà Kim Sa cho biết thêm.

Nhiều thành công được ghi nhận

Một thành công có thể kể đến là sự liên kết giữa HTX Kiến Thuận và Công ty TNHH Hưng Thịnh thuộc tỉnh Yên Bái, để đầu tư kỹ thuật chăm sóc, thu hái chè theo tiêu chuẩn Unilver và VietGap. DN đặt hàng và bao tiêu toàn bộ sản phẩm HTX sản xuất và sơ chế, rồi tiếp tục chế biến sâu để xuất khẩu. Chỉ tính riêng HTX Kiến Thuận doanh thu bình quân năm 2019 đã đạt 30 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho trên 50 thành viên và người lao động, thu nhập bình quân 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.

Ông Chử Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh cho biết, qua 3 năm liên kết cho thấy, hiệu quả tăng lên rõ rệt thể hiện ở giá trị nguyên liệu chè búp tươi và sản lượng tăng gấp 2 lần so với trước khi hợp tác. Các hoạt động liên kết này đã giúp DN và các HTX giảm chi phí đầu tư, chủ động được nguyên liệu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang hiện nay cũng đã có một số mô hình liên kết hiệu quả như Công ty CP dược liệu Bông Sen Vàng Bắc Quang liên kết với các HTX, tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu; Công ty chè Thành Sơn liên kết sản xuất tiêu thụ chè; Công ty TNHH Trường Anh liên kết tiêu thụ mật ong Bạc Hà; HTX Tuấn Dũng liên kết nuôi, tiêu thụ mật ong cho nhân dân.

Tại tỉnh Bến Tre, HTX Bưởi da xanh Bến Tre đã kêu gọi một số HTX và DN liên kết, sau đó phân vùng sản xuất và lập lịch canh tác cho các hộ thành viên để chủ động nguồn cung ra thị trường. Một số hộ thành viên có năng lực sản xuất tốt hơn đã đăng ký đạt chứng nhận GlobalGAP để xuất khẩu sang Canada, Singapore, châu Âu... Các thành viên còn lại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, cung ứng cho Big C, Mega Mart, hệ thống phân phối bán lẻ… nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng.

Theo bà Kim Sa, trong sản xuất theo chuỗi phải có sự gắn kết, tham gia ngay từ đầu của DN trong quá trình sản xuất, từ khâu tổ chức tập huấn khoa học, kỹ thuật cho nông dân, giám sát thực hiện các quy trình để cho ra sản phẩm đồng đều về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất được nguồn gốc. Việc phát triển HTX gắn với chuỗi giá trị đã từng bước xóa bỏ tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ hướng đến liên kết trong sản xuất, chế biến, xây dựng nhãn hiệu, tiêu thụ hàng hóa nhằm tạo ra chuỗi giá trị bền vững./.

Quang Huy

Nguồn Thời báo Tài chính: http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/kinh-doanh/2020-12-15/lien-ket-ben-vung-giua-doanh-nghiep-va-hop-tac-xa-96870.aspx