Liên kết các ông lớn mới nổi vượt qua đối đầu Trung - Ấn ra sao?
Nếu xung đột biên giới giữa hai cường quốc châu Á không giảm bớt, uy tín của nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS có thể bị ảnh hưởng, tờ SCMP dẫn lời một nhà phân tích nói.
Trong thập kỷ qua, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nắm tay nhau tại hội nghị thượng đỉnh BRICS hàng năm - nhóm các nền kinh tế mới nổi trên thế giới gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Tuy nhiên, lập trường thống nhất có thể khó thể hiện trong năm nay khi quan hệ giữa Ấn Độ và Trung Quốc rơi vào tình trạng tranh chấp biên giới khó khăn nhất trong nhiều thập kỷ.
Leo thang biên giới khiến thượng đỉnh BRICS khó khăn
Theo SCMP, sự tương đồng giữa cuộc leo thang Doklam năm 2017 và cuộc đối đầu hiện tại đang dần dần hiện ra. Vào ngày 16 tháng 6 năm 2017, quân đội Trung Quốc đã mang theo các phương tiện xây dựng và thiết bị xây dựng đường để đến mở rộng một con đường trên Doklam, một cao nguyên nằm giữa Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan. Hai ngày sau, quân đội Ấn Độ đến đó với vũ khí và máy ủi để dừng việc xây dựng.
Vào ngày 16/6 năm nay, một cuộc đụng độ dữ dội giữa các lực lượng Trung Quốc và Ấn Độ tại Thung lũng Galwan ở khu vực tranh chấp Ladakh đã kết thúc, khi phía Ấn Độ thông báo ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Tiến sĩ Rajan Kumar, phó giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Jawaharlal Nehru ở New Delhi cho biết, "sau khi có sự kiện Doklam, đã có nhiều tiếng nói tại Ấn Độ rằng ông Modi có thể không đi đến thượng đỉnh (BRICS năm đó).
Sự khác biệt chính lần này là cường độ của cuộc xung đột, khi có những trường hợp thương đầu tiên kể từ năm 1962. Các chuyên gia cho rằng quan hệ giữa hai nước sẽ vượt qua lằn ranh không thể quay lại nếu không có giải pháp lâu dài cho tranh chấp biên giới.
Ngay bây giờ, tâm trạng ở Ấn Độ còn là không muốn kinh doanh như thường lệ với Trung Quốc, trong bất kỳ lĩnh vực nào, ông Madhav Nalapat, giáo sư địa chính trị tại Viện Giáo dục Đại học Ấn Độ Manipal cho biết.
Trong thập kỷ qua, BRICS đã là một nền tảng chính cho sự hợp tác giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Nó được thành lập vào năm 2009 mà không có Nam Phi, nước tham gia vào năm sau. Tuyên bố chung đầu tiên được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh năm 2010 được mở ra bằng cách bày tỏ sự ủng hộ đối với các biến đổi của thế giới trong quản trị toàn cầu và "ngoại giao đa cực".
Vai trò của Nga trước thềm thượng đỉnh?
Hội nghị thượng đỉnh BRICS năm nay dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 13/11 tại St Petersburg, Nga, sau khi đại dịch Covid-19 khiến Moscow trì hoãn việc tổ chức hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 như dự kiến ban đầu.
Ông Matt Ferchen, chuyên gia về Trung Quốc tại khoa nghiên cứu Trung Quốc, Viện Mercator tại Berlin, cho biết, BRICS dựa trên ý tưởng rộng lớn hơn về sự đoàn kết thị trường mới nổi, không để Mỹ và châu Âu vạch ra quy tắc tài chính toàn cầu.
An ninh khu vực thường là một mục thứ yếu trong chương trình nghị sự của BRICS. Các tuyên bố chung sau mỗi hội nghị thượng đỉnh BRICS luôn thể hiện các lập trường thống nhất chống khủng bố toàn cầu hoặc nội chiến ở Trung Đông và một phần của châu Phi, nhưng không nhiều.
Niu Haibin, một chuyên gia tại Viện Thượng Hải về quan hệ quốc tế cho biết, khi BRICS được thành lập lần đầu tiên, nhiều người hoài nghi nghĩ rằng các tranh chấp biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ là một rào cản lớn nhưng việc tạo lập được nhóm này chính xác là một thành công bằng cách tránh các loại vấn đề song phương gai góc này.
Tuy nhiên, một số người nói rằng liên minh BRICS đã đóng một vai trò trong tranh chấp biên giới hiện nay.
Vào thứ ba, ngày 23/6, tại một hội nghị thượng đỉnh trực tuyến của diễn đàn RIC - gồm các bộ trưởng ngoại giao từ Nga, Ấn Độ và Trung Quốc - đã nhất trí rằng ba nguyên thủ quốc gia sẽ tổ chức một cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến vào tháng 11.
Li Xing, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Aalborg, Đan Mạch, cho biết vai trò của Nga có thể là một trung gian hòa giải trong cuộc xung đột này, do sự liên kết của nước này với Trung Quốc và Ấn Độ.
Sau khi kết thúc diễn đàn RIC, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Serge Lavrov, nói Moscow chưa bao giờ đặt mục tiêu giúp Ấn Độ và Trung Quốc phát triển quan hệ song phương của họ.
Tuy nhiên, chuyên gia Kumar từ Đại học Jawaharlal Nehru cho biết Nga rõ ràng đang lặp lại vai trò của họ như sau vụ Doklam. Ông Kumar nói rằng trong các cuộc trò chuyện với các nhà ngoại giao Nga năm 2017, ông nhận thức được rằng Nga đã đóng một vai trò quan trọng trong việc giảm căng thẳng trước hội nghị thượng đỉnh BRICS.
Thông qua chính sách ngoại giao cửa hậu, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đã giải quyết các vấn đề và cuộc họp BRICS đã diễn ra, ông nói.
Chuyên gia Kumar cũng nói rằng nếu cuộc xung đột quân sự hiện tại không giảm bớt, sự tín nhiệm của nhóm sẽ bị ảnh hưởng lớn. Bạn không thể khẳng định mình là một cường quốc toàn cầu sẵn sàng nắm quyền quản trị toàn cầu trong khi vẫn đang tranh đấu tại biên giới về các vấn đề nhỏ, ông Kumar nói.
Chuyên gia Li của Đại học Aalborg đồng ý nhận định này, nói thêm rằng lập trường ủng hộ gắn kết của Trung Quốc với của BRICS nằm ở nhận thức rằng Hoa Kỳ có thể định hình trật tự thế giới thông qua các tổ chức quốc tế và bằng cách buộc các quốc gia khác chơi theo luật của họ. Nỗ lực của Trung Quốc nhằm giành được một vai trò dẫn đầu trên trường quốc tế phụ thuộc một phần vào sự liên tục của BRICS. BRICS là một trong những điều Trung Quốc muốn thúc đẩy. Nếu khối này biến mất, nó sẽ là một đòn giáng lớn đối với chính sách đối ngoại của Trung Quốc, chuyên gia Li nói.