Liên kết chuỗi để phát triển nông nghiệp hữu cơ

Những sản phẩm hữu cơ đang từng bước khẳng định được vị trí trên thị trường với nhiều ưu điểm nổi bật như ngon, đảm bảo an toàn đối với sức khỏe, thời gian bảo quản lâu... Tuy nhiên, người sản xuất theo hướng hữu cơ vẫn gặp không ít khó khăn, nguyên nhân là vì giá bán ra của các sản phẩm hữu cơ cao hơn các sản phẩm bình thường.

Sản phẩm lúa hữu cơ được giao cho Hợp tác xã Nông lâm nghiệp Tân Trào (Sơn Dương) thực hiện và quản lý với mục tiêu vực dậy hợp tác xã trong thời điểm loay hoay tìm kiếm phương án sản xuất kinh doanh mới. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, sản phẩm này hiện được xã giao cho cán bộ khuyến nông phụ trách thực hiện. Anh Hoàng Văn Lục, cán bộ khuyến nông xã Tân Trào cho biết, so với sản xuất thông thường, mỗi sào lúa sản xuất hữu cơ có chi phí khoảng 1,6 - 1,7 triệu đồng, cao hơn sản xuất thông thường khoảng 600 - 700 nghìn đồng. Chi phí sản xuất cao, trong khi năng suất mỗi sào chỉ đạt 2,2 tạ, khiến giá bán ra ngoài thị trường khoảng 50 nghìn đồng/kg.

Anh Lục cho biết, sau vụ mùa, anh đã cùng một số nông dân trong xã tự bỏ tiền túi đưa sản phẩm tham gia một số hội chợ tại Hà Nội, nhưng một phần do chưa có tên tuổi, một phần do giá bán cao hơn nên chưa tiếp cận được với khách hàng. Theo anh Lục, khi sản phẩm được giao cho hợp tác xã phát triển, quản lý sẽ có lợi thế hơn trong xúc tiến, tìm kiếm thị trường, vì các hợp tác xã có một nguồn kinh phí nhất định để thực hiện việc này, thêm vào đó, hợp tác xã cũng có những nguồn hỗ trợ từ các chương trình, chính sách “kích cầu” của trung ương, của tỉnh để phát triển sản phẩm.

Người trồng chè thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành (Sơn Dương) đang chuyển đổi sang hướng hữu cơ.

Người trồng chè thôn Đồng Đài, xã Hợp Thành (Sơn Dương) đang chuyển đổi sang hướng hữu cơ.

Ông Nguyễn Đại Thành, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho rằng, để các nông sản hữu cơ có cơ hội mở rộng diện tích, được cả người sản xuất và người tiêu dùng chấp nhận, cần thiết phải hình thành các chuỗi liên kết bền vững, trong đó, vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác được đặt lên hàng đầu.

Hiệu quả nhất hiện nay phải kể đến chuỗi liên kết sản xuất chè hữu cơ do Hợp tác xã chè Ngân Sơn Trung Long (Sơn Dương) thực hiện với diện tích 3 ha. Trước đó, diện tích chè này đã trải qua 2 năm tái thiết đất loại bỏ tồn dư chất hóa học, kim loại nặng. Anh Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, Hợp tác xã có 8 thành viên chính thức và 32 thành viên liên kết, với tổng diện tích trên 20 ha chè sạch. Trong đó có 5,5 ha chè đạt tiêu chuẩn VietGAP, các thành viên đã nhiều năm thực hiện quy trình sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn VietGAP nên cũng không khó để chuyển đổi sang quy trình hữu cơ.

Toàn bộ sản phẩm của các thành viên được hợp tác xã hướng dẫn sản xuất theo đúng quy trình. Từ cải tạo đất, bổ sung chất dinh dưỡng hữu cơ cho cây và đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tự động với mức đầu tư 40 triệu đồng/ha. Các hộ tham gia mô hình không sử dụng phân hóa học, thuốc trừ sâu hay thuốc trừ cỏ mà chuyển hẳn sang sử dụng các loại phân ủ hoai mục và các loại phân hữu cơ để tăng độ phì nhiêu cho đất. Sử dụng biện pháp thủ công để làm cỏ, dùng thuốc trừ sâu có nguồn gốc thảo mộc, vi sinh. Theo anh Thắng, chăm sóc chè theo quy trình hữu cơ năng suất giảm 30% so với chăm sóc chè theo tiêu chuẩn VietGAP, nhưng chất lượng chè được đảm bảo hơn và giá bán cao gấp đôi. Cụ thể, mỗi sào chè hữu cơ mỗi lứa thu được 20 kg chè khô, giá bán 500.000 - 600.000 đồng/kg, chè VietGAP chỉ bán với giá 250.000 đồng/kg.

Tổ hợp tác cam hữu cơ thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên) có 5 hộ cùng thực hiện. Anh Hoàng Văn Hùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác cho biết, ngay khi bắt tay vào thực hiện chuyển đổi, toàn bộ sản lượng cam của các hộ gia đình được Tổ hợp tác xúc tiến tìm kiếm thị trường. Theo đó, toàn bộ 80 tấn cam được xuất bán cùng 1 địa chỉ, với chung một giá bán thống nhất 25 nghìn đồng/kg. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu để các hộ sản xuất không trộn lẫn cam thường, ảnh hưởng đến uy tín, chất lượng của sản phẩm.

Hết năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 3 ha lúa, 3 ha chè tại Sơn Dương được cấp chứng nhận hữu cơ, nông dân nhiều địa phương trong tỉnh đã bắt đầu chuyển đổi dần sang hướng hữu cơ. Cụ thể, hết năm 2019, đã có 30 ha cam, 27 ha bưởi sản xuất theo hướng hữu cơ chuyển đổi. Tín hiệu vui là hầu hết các diện tích này đều được giao cho các hợp tác xã, tổ hợp tác quản lý, hướng dẫn và tìm kiếm thị trường.

Các chuỗi liên kết sản xuất đang tạo được sự gắn kết chặt chẽ giữa người nông dân với các doanh nghiệp, hợp tác xã. Về lâu dài, ngành nông nghiệp đang tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia vào các chuỗi sản xuất này, nhất là các chuỗi sản xuất hữu cơ, để các sản phẩm nông nghiệp sạch của tỉnh tiếp cận thị trường và người tiêu dùng hiệu quả hơn, bài bản hơn.

Bài, ảnh: Trần Liên

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/lien-ket-chuoi-de-phat-trien-nong-nghiep-huu-co-127520.html