Liên kết để bứt phá

Xác định vai trò quan trọng của khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, thời gian qua, thành phố Hà Nội đã quan tâm, đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, tạo cơ chế mở để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp thành phố, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp (startup), đổi mới sáng tạo hình thành, phát triển. Nhờ đó, nhiều vườn ươm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ra đời, được hỗ trợ, trang bị đầy đủ các kỹ năng kinh doanh, gọi vốn cho startup.

Song, phải thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo ở Thủ đô vẫn có những hạn chế nhất định. Mặc dù mỗi năm có hàng nghìn doanh nghiệp được thành lập mới, nhưng số doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gọi được vốn đầu tư từ quỹ đầu tư chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Đáng nói, bên cạnh một số vườn ươm hoạt động bài bản, phần lớn các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp mới dừng ở việc cung cấp dịch vụ cho thuê không gian làm việc. Các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo, vườn ươm, tổ chức thúc đẩy kinh doanh còn hoạt động riêng lẻ, chưa liên kết, tương hỗ để trở thành mạng lưới chặt chẽ…

Để phát triển Thủ đô trở thành trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của cả nước, cần tạo dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo hấp dẫn, an toàn, hiệu quả cho các nhà đầu tư, quỹ đầu tư, startup. Với định hướng này, ngoài các cơ chế, chính sách đã thực hiện, Hà Nội đang có những đột phá như triển khai “Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025”, “Mạng lưới sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”; xây dựng Chương trình 07 của Thành ủy (khóa XVII) về “Đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2025”; thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp của thành phố…

Yêu cầu đặt ra là cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để quy tụ các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp thành mạng lưới liên kết trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, cơ sở vật chất, đội ngũ tư vấn, chương trình đào tạo, nhà đầu tư… Ngoài ra, cần đẩy mạnh triển khai các chương trình ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển chính quyền điện tử - thành phố thông minh; hỗ trợ các dự án về không gian khởi nghiệp; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… Đồng thời tạo thuận lợi để các startup tiếp cận nhanh chóng với nguồn vốn, xúc tiến đầu tư thương mại, tìm kiếm thị trường, cung cấp thông tin…

Cùng với đó là tiếp tục quan tâm xây dựng và phát triển hệ thống vườn ươm doanh nghiệp; xúc tiến kêu gọi các quỹ đầu tư mạo hiểm, có sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức quốc tế… Đặc biệt, các cấp, ngành cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, công khai, minh bạch thông tin về thủ tục hành chính… Hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế thông qua hỗ trợ các tiêu chuẩn hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, áp dụng chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc; xây dựng, quản lý và phát triển thương hiệu... Bản thân cộng đồng startup, doanh nghiệp phải tự nâng cao trình độ, năng lực quản trị, năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ mới, tham gia các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị gia tăng cao... Muốn vậy, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước và thành phố Hà Nội, các startup, doanh nghiệp cần tăng cường liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học, nhà khoa học...

Tin rằng, khi hình thành được một mạng lưới liên kết đủ rộng, đủ mạnh, hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Thủ đô sẽ có những bứt phá, phát triển mạnh mẽ.

Chí Kiên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/988417/lien-ket-de-but-pha