Liên kết để du lịch 'đi nhanh' và 'tiến xa'

'Muốn đi nhanh hãy đi một mình, muốn đi xa hãy đi cùng nhau' - câu nói của tỷ phú Warren Buffett rất phù hợp để dẫn chứng về công tác liên kết phát triển du lịch. Bởi, song song với sự quyết đoán, độc lập, những dịch vụ đặc biệt, khác biệt nhằm thu hút khách du lịch, cần có sự liên kết, đoàn kết, kết hợp một cách hiệu quả để ngành du lịch phát triển bền vững, các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch không chỉ 'đi nhanh' mà còn 'đi xa' và 'đi cùng nhau'.

Lần thứ 6 dựng lều, thức trắng đêm để chụp ảnh Milky Way và sương sớm trên đồi chè Long Cốc, tỷ mỉ xem lại hàng trăm bức ảnh chụp được, anh Lê Ngọc Tú – du khách Hà Nội vẫn chưa thực sự hài lòng. Anh Tú chia sẻ: “Vẻ đẹp của đồi chè Long Cốc rất đặc biệt, tuy nhiên cũng rất khó để nắm bắt một cách trọn vẹn, mỗi lần đến đây đều có những trải nghiệm khác, cảm nhận khác, thôi thúc người ta quay lại nơi này...”.

Du khách “săn” cảnh bình minh trên đồi chè Long Cốc

Du khách “săn” cảnh bình minh trên đồi chè Long Cốc

Địa hình, địa thế được thiên nhiên ban tặng, cùng với công sức lao động qua hàng trăm năm của người dân địa phương đã tạo cho Long Cốc vẻ đẹp “mê hoặc” của những đồi chè. Thông qua hoạt động du lịch vừa giúp địa phương khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển kinh tế, góp phần giải quyết việc làm cho lao động địa phương, nâng cao thu nhập và quảng bá những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mường ở Tân Sơn.

Nằm ở vị trí “cửa ngõ” vùng Tây Bắc, tỉnh Phú Thọ là cầu nối vùng Tây Bắc với Thủ đô Hà Nội. Với hai Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO ghi danh là “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ”, “Hát Xoan Phú Thọ”, cùng hệ thống đa dạng các di tích lịch sử, văn hóa, khảo cổ, di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích cách mạng gắn với các thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước tạo nên sự đa dạng, phong phú về tài nguyên du lịch. Đó là cơ sở, điều kiện quan trọng để Phú Thọ thu hút khách du lịch.

Từ đầu năm đến nay, tỉnh tiếp tục đầu tư nâng cấp, làm mới các sản phẩm du lịch gắn với văn hóa tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng; nghỉ dưỡng nước khoáng nóng Thanh Thủy và Vườn Quốc gia Xuân Sơn cùng nhiều mô hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch văn hóa cộng đồng gắn với trải nghiệm hoạt động nông nghiệp và sản xuất sản phẩm làng nghề. Tỉnh cũng đã xây dựng và công nhận một số điểm du lịch tại các địa phương, các di tích. Bên cạnh đó, ngành du lịch cũng đã tổ chức công bố sản phẩm du lịch giáo dục lịch sử cho học sinh ứng dụng trò chơi tương tác Outing trip App “Truy tìm cổ vật” tại Bảo tàng Hùng Vương tỉnh và Tổ chức Tọa đàm phát triển sản phẩm du lịch học đường ngày 23/3/2024. Thực hiện tư vấn, hỗ trợ các đoàn học sinh trải nghiệm sản phẩm du lịch học đường tại Bảo tàng Hùng Vương.

Bà Lê Thị Thu Hiền - Phó Trưởng phòng Trưng bày truyền thông, Bảo tàng Hùng Vương cho biết: Hiện nay, chúng tôi có tổ chức thêm “giờ học lịch sử” và các hoạt động trải nghiệm, trò chơi dân gian, chương trình chiếu phim tư liệu và các khu vực chụp ảnh check-in tại khác khu vực trưng bày phụ trợ cho hoạt động trưng bày chuyên đề. Qua đó giúp các em học sinh, sinh viên và du khách thăm quan bảo tàng có thêm nhiều trải nghiệm thú vị, hấp dẫn.

Khách tham quan nhỏ tuổi thích thú với nội dung chiếu phim tư liệu lịch sử tại Bảo tàng Hùng Vương

Khách tham quan nhỏ tuổi thích thú với nội dung chiếu phim tư liệu lịch sử tại Bảo tàng Hùng Vương

Năm 2024, với vai trò là Trưởng nhóm hợp tác (Chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh), tỉnh Phú Thọ đã chủ động phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện các kế hoạch chung, các văn bản chỉ đạo, điều hành, tổ chức, tham gia các hoạt động sự kiện chung trong Nhóm. Các tỉnh, thành phố trong Nhóm hợp tác đã tích cực đầu tư, nâng cấp sản phẩm du lịch đặc thù, phát triển sản phẩm du lịch mới dựa trên thế mạnh, sự khác biệt, khả năng tranh trên thị trường, đẩy mạnh khai thác sản phẩm tour du lịch liên kết các tỉnh. Đồng thời, các tỉnh, thành phố trong Nhóm đã tăng cường truyền thông, giới thiệu, quảng bá đến du khách và các doanh nghiệp lữ hành khắp cả nước về các tour du lịch liên kết, từng bước đưa vào khai thác hiệu quả tour du lịch kết nối các tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh theo thỏa thuận hợp tác chung như: Tour Về miền Đất Tổ - Cội nguồn dân tộc; Bản Hùng Ca Tây Bắc; Hương sắc vùng cao... Qua đó, kết quả hoạt động kinh doanh du lịch các tỉnh, thành trong Nhóm hợp tác đều có tăng trưởng, tổng lượng khách du lịch đến 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và Thành phố Hồ Chí Minh trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt gần 40 triệu, tăng 8.7 % so với cùng kỳ, đạt 55.1 % kế hoạch năm.

Thời gian tới, các hoạt động liên kết phát triển du lịch theo thỏa thuận hợp tác đã ký kết sẽ tiếp tục được các tỉnh trong Nhóm hợp tác duy trì, đẩy mạnh thực hiện các nội dung chưa hoàn thành trong chương trình hợp tác theo Kế hoạch số 5235/KH-NHT: Tổ chức đoàn Famtrip/Presstrip xây dựng tour du lịch chuyên đề “Kết nối giá trị văn hóa - lịch sử dân tộc, du lịch cộng đồng và vùng chè Tây Bắc”. Xây dựng và khai thác sản phẩm du lịch kết nối di sản giữa các tỉnh Lai Châu - Lào Cai - Hà Giang... song song với việc đẩy mạnh công tác quảng bá, giới thiệu tiềm năng thế mạnh, sản phẩm du lịch của các địa phương trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số vào hoạt động hợp tác liên kết phát triển du lịch, nâng cao ứng dụng công nghệ vào các hoạt động du lịch. Thông qua hoạt động du lịch tiếp tục kết nối, duy trì chuỗi cung ứng để giới thiệu các sản phẩm hàng hóa đặc trưng, sản phẩm OCOP của các tỉnh trong Nhóm đến thị trường TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam...

Hoàng Giang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/lien-ket-de-du-lich-di-nhanh-va-tien-xa-221043.htm