Liên kết du lịch TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc mới dừng lại ở mức 'cơ bản'
TP.HCM và 8 tỉnh Đông Bắc đang đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, chia sẻ chiến lược, dự án và tiềm năng khai thác. Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn nhiều tiềm năng chưa khai thác hết, đặc biệt về cơ sở hạ tầng và kết nối tour.
Chiều ngày 3/4, tại TP.HCM đã diễn ra hội nghị tổng kết về hợp tác phát triển du lịch giữa TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh khu vực Đông Bắc trong giai đoạn 2024-2025.
Mang lại những kết quả đáng ghi nhận
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Đặng Ân - Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, đồng thời là tổ trưởng tổ công tác liên kết phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc - khẳng định rằng chương trình hợp tác đã mang lại những kết quả đáng ghi nhận, góp phần nâng cao vị thế du lịch địa phương trên bản đồ du lịch cả nước.
Tuy nhiên, đánh giá chung cũng cho thấy sự hợp tác vẫn chưa phát huy hết tiềm năng. Hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch cao cấp còn hạn chế, việc kết nối các tour du lịch với các sự kiện địa phương vẫn chưa thực sự hiệu quả, dẫn đến chi phí cao và làm giảm sức cạnh tranh của các sản phẩm du lịch.

Quan cảnh hội nghị
Ông Ngô Chí Tuệ - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc thông tin về tình hình du lịch tại Vĩnh Phúc. “Lượng khách du lịch đến Vĩnh Phúc đã tăng lên đáng kể, hệ thống cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch cũng ngày càng được cải thiện”, ông Tuệ chia sẻ.
“Tuy nhiên, du lịch Vĩnh Phúc vẫn chưa khai thác triệt để hết tiềm năng của mình, và đây là cơ hội để chúng ta tiếp tục hợp tác, hỗ trợ để phát triển thêm”, ông Tuệ cho hay.
Trong thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục duy trì và tăng cường hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc.
“Chúng ta sẽ tập trung vào các giải pháp cụ thể như: trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, phát triển các sản phẩm du lịch mới, tham gia các hội chợ du lịch quốc tế, cũng như đào tạo nguồn nhân lực. Đặc biệt, chúng tôi nhấn mạnh việc phát triển công nghiệp văn hóa gắn với du lịch, tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, mang đậm bản sắc địa phương”, ông Ngô Chí Tuệ nói.

Ông Ngô Chí Tuệ - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc thông tin về tình hình du lịch tại Vĩnh Phúc
Hợp tác, liên kết giữa các địa phương không chỉ giúp khai thác tiềm năng du lịch mà còn tạo ra sự thống nhất, đồng bộ trong phát triển. Qua đó, TP.HCM và các tỉnh khu vực Đông Bắc có thể nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển các sản phẩm du lịch mới và tạo sự kết nối bền vững trong khu vực.
“Tôi tin rằng, với sự hợp tác chặt chẽ và các giải pháp hợp lý, du lịch khu vực Đông Bắc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, góp phần vào sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Chúng ta sẽ luôn cố gắng tạo ra một môi trường thuận lợi, thúc đẩy sự sáng tạo và hợp tác giữa các địa phương để ngành du lịch ngày càng phát triển”, ông Phúc nhấn mạnh.
Tại hội nghị, bà Đỗ Thị Hiền - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn cũng ghi nhận tới những thành tích ấn tượng mà ngành du lịch TP.HCM đã đạt được, đặc biệt là đóng góp đáng kể vào GDP của thành phố, với 10% từ du lịch.
“Về kết quả hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc, chúng ta đã đạt được những kết quả tích cực, đặc biệt trong việc hợp tác quản lý nhà nước, trao đổi thông tin, xúc tiến và quảng bá du lịch. Tuy nhiên, tôi cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng sự liên kết giữa các tỉnh và thành phố vẫn còn ở mức độ cơ bản, chưa thực sự sâu rộng. Điều này một phần do các tỉnh chưa chủ động tham gia đầy đủ, và thị trường du lịch vẫn là yếu tố quyết định, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển chung”, bà Hiền nói.
Về định hướng phát triển du lịch của tỉnh Bắc Kạn, bà Hiền sẽ chú trọng vào các lĩnh vực du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh, thể thao và trải nghiệm văn hóa. Với tiềm năng thiên nhiên hoang sơ và đa dạng văn hóa dân tộc, Bắc Kạn hy vọng sẽ là một điểm đến lý tưởng cho du khách tìm kiếm sự mới mẻ và khác biệt. "Tuy nhiên, chúng tôi cũng rất quan tâm đến việc bảo tồn và phát triển du lịch theo hướng bền vững, nhằm bảo vệ môi trường và giá trị văn hóa của địa phương", bà Hiền chia sẻ.

“Tôi cũng muốn kêu gọi sự hỗ trợ từ TP.HCM và các doanh nghiệp lữ hành lớn. Bắc Kạn mong muốn được quảng bá các sản phẩm du lịch độc đáo của mình, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm và hợp tác sâu rộng hơn trong phát triển du lịch. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức Hội nghị Văn hóa - Du lịch với chủ đề "Di sản sông Cầu" và mở rộng liên kết sang lĩnh vực y tế, chữa bệnh, nhằm tạo ra sự kết nối giữa các lĩnh vực này, phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du khách”, bà Hiền nói thêm.
Bà Nông Thị Tuyến, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cao Bằng, cho rằng việc liên kết phát triển du lịch là yếu tố thiết yếu đối với các địa phương, vì vậy cần phải đẩy mạnh hoạt động của nhóm liên kết. Đặc biệt, việc nâng cao hiệu quả xúc tiến và quảng bá du lịch giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc là điều quan trọng.
“Một trong những giải pháp mà nhóm liên kết đề xuất là tạo ra cơ hội cho các doanh nghiệp du lịch - lữ hành khám phá và khai thác tiềm năng du lịch đặc sắc của từng địa phương. Đồng thời, cần nâng cao trách nhiệm và cải tiến các chương trình xúc tiến quảng bá điểm đến của từng tỉnh, thành phố và các tour liên vùng”, bà Tuyến cho hay.
Trong thời gian qua, TP.HCM cùng 8 tỉnh Đông Bắc, gồm: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Bắc Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Vĩnh Phúc, đã đẩy mạnh việc chia sẻ thông tin về chiến lược phát triển du lịch, các dự án đầu tư và tiềm năng khai thác tại từng địa phương.
Các bên đã thống nhất lựa chọn các sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm quảng bá và thu hút du khách trong nước cũng như quốc tế. Đồng thời, các doanh nghiệp du lịch giữa các địa phương cũng được kết nối để tổ chức các chuyến khảo sát, xây dựng các tuyến du lịch hấp dẫn.
Giai đoạn 2024 - 2025, tổng lượng khách du lịch đến các tỉnh Đông Bắc và TP.HCM đạt 69,2 triệu lượt, mang lại doanh thu khoảng 205.586 tỷ đồng.
Tăng cường truyền thông số
Tại hội nghị, đại diện Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam cùng các lãnh đạo ngành du lịch các tỉnh, thành phố và doanh nghiệp đã thảo luận về các định hướng phát triển mới, đặc biệt là việc mở rộng các sản phẩm du lịch sáng tạo và tiềm năng.
Ông Nguyễn Quý Phương, Trưởng phòng Quản lý Xúc tiến Du lịch Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, đánh giá cao sự hợp tác giữa TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc, cho rằng liên kết này giúp nâng cao sức mạnh tổng hợp, khả năng cạnh tranh và xây dựng thương hiệu du lịch độc đáo. Ông nhấn mạnh ngành du lịch cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và trí tuệ nhân tạo (AI) để nâng cao trải nghiệm du khách, cải thiện quản lý và mở ra cơ hội mới trong quảng bá, tiếp cận khách hàng.

Ông Nguyễn Quý Phương - Trưởng phòng Quản lý Xúc tiến Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) phát biểu tại hội nghị
Ông Phương cho biết, Chính phủ đang mở rộng chính sách thị thực và cải thiện thủ tục xuất nhập cảnh để thu hút khách quốc tế, tạo cơ hội phát triển du lịch quốc tế tại Việt Nam. Ngành du lịch cần tăng cường truyền thông số, quảng bá sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ. Hợp tác giữa các địa phương và doanh nghiệp vẫn là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch bền vững và tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng. Ông tin rằng với chiến lược hợp tác hợp lý, TP.HCM và các tỉnh Đông Bắc sẽ trở thành điểm đến nổi bật trên bản đồ du lịch quốc tế.

Ngành du lịch cần tăng cường truyền thông số, quảng bá sản phẩm du lịch và nâng cao chất lượng dịch vụ
Các địa phương tham gia hội nghị đã thống nhất triển khai các nhiệm vụ trọng tâm như: xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển du lịch hậu tái cấu trúc bộ máy quản lý; nghiên cứu, đổi mới sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách; thiết lập chiến lược xúc tiến phù hợp với từng loại hình du lịch và thị trường khách; tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp du lịch; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số trong xúc tiến và quảng bá du lịch; đồng thời kết hợp du lịch với các hoạt động văn hóa, thể thao và âm nhạc nhằm đa dạng hóa trải nghiệm cho du khách.