Liên kết, hợp tác để phát triển du lịch
TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức hội nghị liên kết du lịch với 16 tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc Bộ. Đây là cơ hội để các tỉnh phía bắc phát huy hơn nữa tiềm năng du lịch, nhất là du lịch văn hóa và là dịp để TP Hồ Chí Minh thu hút du khách đến với đô thị năng động phương nam trong điều kiện Việt Nam chưa mở cửa trở lại thị trường du lịch quốc tế…
TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức hội nghị liên kết du lịch với 16 tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc Bộ. Đây là cơ hội để các tỉnh phía bắc phát huy hơn nữa tiềm năng du lịch, nhất là du lịch văn hóa và là dịp để TP Hồ Chí Minh thu hút du khách đến với đô thị năng động phương nam trong điều kiện Việt Nam chưa mở cửa trở lại thị trường du lịch quốc tế…
Hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và tám tỉnh Tây Bắc Bộ mở rộng diễn ra tại tỉnh Phú Thọ, vùng đất Tổ thiêng liêng. Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Ánh Hoa cho biết, thành phố và tám tỉnh Tây Bắc Bộ mở rộng đã thảo luận, ký kết thỏa thuận liên kết, hợp tác phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2025 và Kế hoạch triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch. Tại hội nghị, thỏa thuận hợp tác giữa Hiệp hội Du lịch các địa phương và các hãng hàng không; thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp (DN) kinh doanh dịch vụ du lịch chín tỉnh, thành phố với các nội dung cụ thể, thiết thực cũng đã được ký kết với sự chứng kiến của lãnh đạo Chính phủ, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch; lãnh đạo các tỉnh, thành phố.
Với chủ đề “Kết nối tinh hoa”, Hội nghị liên kết phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Minh với các tỉnh Đông Bắc Bộ cũng đã diễn ra tốt đẹp trong hai ngày 19 và 20-11 vừa qua. Các ký kết giữa TP Hồ Chí Minh và tám tỉnh Đông Bắc Bộ; giữa Hiệp hội Du lịch TP Hồ Chí Minh với Hiệp hội Du lịch các tỉnh; các DN kinh doanh dịch vụ du lịch thành phố với các tỉnh Đông Bắc Bộ…, đã đánh dấu một bước phát triển mới trong mối quan hệ liên kết hợp tác giữa lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hiệp hội và DN du lịch của các vùng.
Theo thỏa thuận ký kết, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Bắc Bộ sẽ tập trung triển khai các nội dung chính như: Công tác quản lý nhà nước về du lịch, phát triển sản phẩm du lịch, quảng bá xúc tiến du lịch. Qua đó, giữa các tỉnh, thành phố sẽ trao đổi thông tin nhằm xây dựng những định hướng mới trong phát triển du lịch tại địa phương; khai thác hiệu quả các giá trị tài nguyên du lịch tự nhiên, đa dạng và đặc trưng của vùng cùng hệ thống di tích văn hóa, lịch sử, làng nghề, ẩm thực phong phú. Nội dung các thỏa thuận được ký kết sẽ góp phần phát huy được lợi thế cửa ngõ vùng, cửa ngõ quốc tế, cơ sở hạ tầng du lịch để tăng tỷ lệ khách du lịch, tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách giữa các bên, góp phần triển khai chương trình du lịch an toàn. Từ đó, góp phần phục hồi ngành du lịch và đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng nói riêng, cả nước nói chung.
Các tỉnh phía bắc giàu truyền thống lịch sử, đa dạng về bản sắc văn hóa, núi non hùng vĩ, thiên nhiên tươi đẹp và sản vật đặc sắc, phong phú. Đây là thế mạnh để phát triển du lịch văn hóa, du lịch tâm linh và du lịch sinh thái. Nhờ đó, du lịch nơi đây hấp dẫn không chỉ với du khách quốc tế, mà cả với nhiều du khách trong nước. Ngoài những giá trị nêu trên, các tỉnh Đông Bắc Bộ còn thu hút du khách bởi thắng cảnh biển đặc sắc, luôn có sức hấp dẫn du khách từ nhiều năm nay.
Trong khi đó, thế mạnh của TP Hồ Chí Minh là đô thị hiện đại, sôi động với hơn 300 năm tuổi; là đầu mối giao thông, giao thương với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất; là địa bàn hoạt động của gần 1.500 đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành; hằng năm, TP Hồ Chí Minh đón gần 10 triệu lượt khách quốc tế. Sản phẩm du lịch chủ lực của TP Hồ Chí Minh là du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, sự kiện; du lịch mua sắm, ẩm thực, giải trí và văn hóa. Chính lợi thế này, thành phố sẽ trở thành đầu mối, “nhà phân phối” khách du lịch đến các vùng miền khắp cả nước, trong đó có vùng Đông Bắc và Tây Bắc Bộ.
Việc thực hiện ký kết lần này là cơ hội để TP Hồ Chí Minh phát huy tốt thế mạnh của mình, đưa du khách đến với các tỉnh phía bắc để trải nghiệm những điều tuyệt vời chỉ có ở các vùng này. Ngược lại, cũng là điều kiện tốt để thu hút du khách các tỉnh đến với TP Hồ Chí Minh, tạo sự cân bằng, bổ trợ lẫn nhau…
Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho rằng, để đạt những kết quả như thỏa thuận giữa các bên, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Bắc và Đông Bắc Bộ cần đẩy mạnh hình thành những sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng, mới mẻ, khai thác tối đa những lợi thế của du lịch mỗi địa phương, phù hợp với bối cảnh thị trường. Bên cạnh các tuyến du lịch hiện hữu, cần kêu gọi đầu tư nâng cấp, hình thành mới các điểm du lịch ở từng địa phương. Sự hình thành mới các điểm du lịch cần hướng đến mục tiêu tạo nên sự đa dạng và lý thú ở các điểm liên kết trong hành trình của du khách khi đến các địa phương.
Các tỉnh, thành phố cũng cần tăng cường liên kết kêu gọi đầu tư tư nhân, đầu tư nước ngoài vào hệ thống kết cấu hạ tầng. Thực tế cho thấy, một số địa phương trong vùng Tây Bắc Bộ còn hạn chế về hạ tầng giao thông và hạ tầng du lịch, như: Thiếu đường dẫn đến các tuyến, điểm du lịch; thiếu cơ sở lưu trú; chưa có nhiều lựa chọn về khu vui chơi, giải trí,… Chính vì vậy, giữa các địa phương cần phối hợp tổ chức các hội nghị mời gọi các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia. Khi hạ tầng du lịch của vùng phát triển thì sản phẩm du lịch liên kết vùng chắc chắn sẽ được nâng chất, hấp dẫn du khách hơn.
Cùng với đó, bản sắc văn hóa, những giá trị đặc trưng vùng miền cũng cần được phát huy tốt trong lĩnh vực du lịch nhưng không bị “thị trường hóa”, mất đi những giá trị cốt lõi và vẻ đẹp tự nhiên vốn có của mỗi vùng miền. Có thế, phát triển liên kết du lịch giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía bắc nói riêng và phát triển du lịch Việt Nam nói chung mới đạt hiệu quả lâu dài, bền vững, lôi kéo du khách đến nhiều lần hơn, chứ không chỉ đến một lần…
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-chung1/lien-ket-hop-tac-de-phat-trien-du-lich-625491/