Liên kết kinh doanh đa ngành mang lại giá trị cao cho doanh nghiệp

Xu hướng liên kết đa ngành đang diễn ra mạnh trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam; đặc biệt là ở khu vực các doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Dù nhiều liên kết kinh doanh đã được hình thành nhưng còn chưa mang tính chủ động từ các chủ thể tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh minh họa: TTXVN

Dù nhiều liên kết kinh doanh đã được hình thành nhưng còn chưa mang tính chủ động từ các chủ thể tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ảnh minh họa: TTXVN

Nhiều cộng đồng kinh doanh đa ngành đã được xây dựng và phát triển, thiết lập nên mạng lưới kết nối giữa doanh nghiệp sản xuất, nhà cung ứng dịch vụ với các đối tác tiêu thụ. Qua đó, thúc đẩy tình hình giao thương, tốc độ tăng trưởng của các doanh nghiệp thành viên.

Ở góc độ nghiên cứu, Tiến sĩ Cao Đình Kiên, Khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Ngoại Thương cho hay: Xu hướng liên kết kinh doanh diễn ra ngày càng phổ biến trong nền kinh tế hiện đại bởi những lợi ích mà nó mang lại cho các bên tham gia. Với sự phát triển của công nghệ và xu thế toàn cầu hóa, hoạt động liên kết kinh doanh cũng là điều tất yếu để giúp các doanh nghiệp mở rộng phạm vi, quy mô hoạt động cũng như giảm chi phí hay tăng sức cạnh tranh.

Ở Việt Nam, Nhà nước cũng đã đưa ra nhiều chính sách nhằm khuyến khích phát triển kinh tế đa thành phần; cũng như thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế bằng việc mở cửa nền kinh tế và tham gia tích cực vào các tổ chức kinh tế thế giới.

Điều này vừa tạo tiềm năng, cơ hội phát triển nhưng cũng vừa là thách thức lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp trong nước cần biết tận dụng hoạt động liên kết kinh doanh cũng như các lợi thế của hoạt động liên kết kinh doanh để gia tăng sức cạnh tranh. Dù nhiều liên kết kinh doanh đã được hình thành nhưng còn chưa mang tính chủ động từ các chủ thể tham gia, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ - những đối tượng được nhiều lợi ích từ hoạt động này, Tiến sĩ Cao Đình Kiên phân tích.

Các hình thức liên kết kinh doanh ở Việt Nam cũng dừng lại ở mức độ đơn giản, thực hiện liên kết ngang, liên kết cụm để hình thành các làng nghề thủ công hay các hiệp hội kinh doanh một ngành nghề nhất định. Một số doanh nghiệp lớn liên kết với các doanh nghiệp nhỏ, các hộ kinh doanh theo hình thức thuê, khoán mà đa phần là cho các hoạt động kinh doanh phi cốt lõi của doanh nghiệp.

Tỷ lệ tiến hành liên kết kinh doanh cho các hoạt động kinh doanh cốt lõi hay xa hơn là tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu còn chưa nhiều. Điều này một phần do nền kinh tế Việt Nam đa phần là kinh doanh chủ hộ, cá thể, mang tính tự phát cao; quy trình, chất lượng sản xuất đều chưa được quy chuẩn nên rất khó để các doanh nghiệp lớn hay các doanh nghiệp nước ngoài tin tưởng và hợp tác lâu dài.

Do đó, để có thể khuyến khích hoạt động liên kết kinh doanh, theo ông Cao Đình Kiên cần có sự phối hợp của Nhà nước, tổ chức ngành nghề và chủ thể kinh tế. Theo đó, các ngành chức năng tạo ra khuôn khổ pháp lý thuận lợi, tạo thể chế, chính sách pháp lý phù hợp cho các loại hình doanh nghiệp khác nhau phát triển. Các tổ chức ngành nghề thuộc các lĩnh vực kinh tế phải thể hiện vai trò trong việc tuyên truyền thông qua các hội thảo, chuyên đề có nội dung liên quan đến hoạt động liên kết kinh doanh, đồng thời, tư vấn, kết nối để các doanh nghiệp tìm thấy những cơ hội liên kết cùng phát triển chuỗi giá trị của ngành, ở trong và ngoài nước.

Để làm được như vậy, các tổ chức ngành nghề cần nguồn lực tài chính và nhân sự có chuyên môn nhằm thực hiện vai trò định hướng cố vấn. Cuối cùng, các chủ thể kinh tế hay các doanh nghiệp, hộ kinh doanh có ý thức trong việc thay đổi, tự hoàn thiện mình và chủ động tìm kiếm để tham gia vào quá trình liên kết kinh doanh, hình thành các chuỗi giá trị toàn cầu.

Sự chủ động của các chủ thể kinh tế đóng vai trò then chốt trong việc hình thành và vận hành các liên kết kinh tế. Để thúc đẩy lợi ích kinh tế-xã hội từ các liên kết kinh doanh, các chủ thể kinh tế phải chủ động tìm kiếm các cơ hội hợp tác cùng giải quyết các khó khăn trong chính chuỗi giá trị mà doanh nghiệp mình vận hành. Có như vậy, các liên kết kinh doanh mới có thể vận hành một cách có hiệu quả nhất trên thị trường.

Ở góc nhìn khác, ông Nguyễn Minh Tiền, Giám đốc hỗ trợ cấp cao, Tổ chức kết nối kinh doanh toàn cầu tại Việt Nam cho rằng, cách làm kinh doanh của số đông doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam là dựa trên mối quan hệ thân tín và có uy tín. Điều này hoàn toàn phù hợp với tiêu chí hoạt động khi xây dựng cộng đồng liên kết kinh doanh đa ngành. Tuy nhiên, vì cách thức kinh doanh còn ở mức tự phát và chưa có hệ thống nên tạo lập liên kết kinh doanh đa ngành sẽ giúp các doanh nghiệp hệ thống hóa và thay đổi cách kinh doanh của họ. Tính hệ thống cũng là một nét đặc biệt tạo nên sự thành công và khác biệt.

Khi tham gia vào liên kết, doanh nghiệp sẽ được huấn luyện phương pháp và sử dụng hệ thống cơ sở dữ liệu chung nhằm tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh hơn, giúp tăng doanh thu và lợi nhuận. Những yếu tố này là động lực cho liên kết kinh doanh đa ngành hoạt động ngày càng tích cực, mang lại nhiều giá trị cho cộng đồng doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam, giúp thúc đẩy họ vươn lên, vượt khó trong bối cảnh hội nhập.

Ngọc Quỳnh/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lien-ket-kinh-doanh-da-nganh-mang-lai-gia-tri-cao-cho-doanh-nghiep/319108.html